1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cứ tưởng chuyện đời xưa ở một làng quê mới…

(Dân trí) - Làng Bích Thuỷ, xã Văn Đức là một làng “thâm sơn cùng cốc” ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Làng xóm nghèo, lại lọt thỏm vào một rốn nước. Động mưa là úng, mới nắng vài hôm là đất gan gà nở toác ra, sắc như mảnh sành, chọc vào chân người toé máu.

Từ năm 1998, được công nhận Làng văn hoá, cuộc sống sinh hoạt ở đây đã có nhiều thay đổi và giữ vững danh hiệu Làng văn hoá trong suốt 10 năm. Nhiều khách đến chơi, nghe chuyện của làng, thấy phảng phất chuyện đời xưa…

 

Từ chuyện nhà không cần có cổng…

 

Mới nghe có người cho là bịa. Chỉ thời vua Nghiêu Thuấn thời thượng cổ mới có chuyện của rơi ngoài đường không người nhặt, đêm ngủ không phải cài cửa. Ít ai tin rằng, 70% số hộ trong làng không thèm bỏ tiền làm cổng. Tiền còn tiêu việc khác. Vậy mà lâu lắm rồi ở đây không bị mất trộm, kể cả những thứ đắt tiền như ti vi, xe máy, tiền bạc... Hỏi ra mới biết: tình cảm làng xóm cộng đồng gắn bó ràng buộc với nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác, chẳng ai nỡ lấy của nhau.

 

Làng Bích Thuỷ không có con nghiện, không có tụ điểm cờ bạc. Khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực thì các thành viên trong gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con đều lên tiếng ngăn chặn. Và tiêu cực chết trong trứng nước.

 

…đến đám tang, đám cưới

 

Không như ở nơi khác, làng Bích Thuỷ không có chuyện tang quyến cho tiền thợ kèn để khóc hộ. Họ nhận ra một điều rằng, khóc giả cũng như hàng giả. Như thế là tiền khóc, chứ không phải con cháu khóc ông bà cha mẹ. Họ tẩy chay, đả phá khóc giả, coi đó là loại tình cảm giả tạo trước vong linh người quá cố.

 

Một hương ước được dân làng thông qua rất phù hợp lòng người: Trong làng cứ mỗi đôi trai gái lập gia đình, công việc xong xuôi đều phải đóng cheo cho làng. Đó là một xe công nông đất sỏi ở núi đổ vào những đoạn đường ổ gà, xuống cấp chưa có điều kiện bê tông hoá. Tích tiểu thành đại, những con đường đất núi cứ vươn dài ra len vào những ngõ hẻm. Người đi trên con đường khô ráo lại nhớ tới những cô dâu chú rể mới có nghĩa có tình.

 

Cứ tưởng chuyện đời xưa ở một làng quê mới… - 1
 Một góc làng Bích Thủy. (Ảnh: Đặng Nghiệp).

 

Những con gà dậy sớm…

 

Đấy là cách ví con của người dân Bích Thuỷ về đài truyền thanh của làng. Từ 8 năm nay, cứ 5 giờ sáng, đài truyền thanh làng bắt đầu hoạt động. “Con gà điện tử” này đều đặn đánh thức người làng tỉnh dậy và sự sống một ngày bắt đầu. Người lớn chuẩn bị bèo cám lợn gà, nấu cơm, dọn dẹp sân nhà, làm vườn và nghe chương trình phát thanh nông thôn ngày nay của Đài tiếng nói Việt Nam. Trẻ con chuẩn bị sách vở, ôn bài, ăn sáng rồi đến lớp. Người làng bảo con gà hiện đại đem đến một cuộc sống văn minh.

 

Tết trung thu và hình thức vinh quy…

 

Làng Bích Thuỷ tổ chức tết trung thu theo một tư duy khác lạ. Họ biến đêm hội rằm trung thu thành lễ rước vinh quy, tuyên dương thành tích học tập của con em mình. Cũng sân khấu trang hoàng rực rỡ cờ hoa, cũng múa lân trống phách rộn ràng, cũng có các thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị đến dự.

 

Sau những giờ phút sôi động rước đèn, rước tượng tiến sĩ vinh quy, và biểu diễn văn nghệ thì Hội khuyến học làng lên sân khấu công bố danh sách người được thưởng. Các ông bà, cha mẹ thật sung sướng nhìn thấy con cháu mình lên sân khấu để nhận thưởng.

 

Nguồn kinh phí làm phần thưởng ấy được gửi trong dân. Người dân tài trợ, đóng góp để rồi kích thích việc học hành… Và người ta ngầm thi đua với nhau để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan học giỏi. Hàng năm ở đây có từ 60 đến 70 học sinh từ bậc mầm non đến đại học được nhận phần thưởng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, chủ tịch UBND xã Văn Đức nhận xét: “Xã có 10 làng, 4 làng được công nhận Làng văn hoá, nhưng Bích Thuỷ xứng đáng với vị trí dẫn đầu”. Còn ông Nguyễn Ngọc Quý khi là Phó chủ tịch UBND huyện Chí Linh về thăm và kiểm tra phong trào đã khẳng định: “Dân làng Bích Thuỷ còn nghèo, nhưng giá trị tinh thần thì đầy tính nhân văn. Cán bộ nhân dân Bích Thuỷ đã làm được nhiều việc điển hình mà các làng khác chưa làm được. Đó là ý nghĩa của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên quê hương...”

 

Chuyện thật ở làng Bích Thuỷ mà tưởng như là cổ tích.

 

Khúc Hà Linh
(Số nhà 4/ 207 phố Quang Trung, TP Hải Dương)

 

LTS Dân trí - Làng quê vốn là nơi lưu giữ truyền thống và cốt cách dân tộc một cách bền vững. Làng Bích Thuỷ biết phát huy thế mạnh vốn có ấy cho nên đã xây dựng được đời văn hóa lành mạnh ở nông thôn, bài trừ được các tệ nạn xã hội; nâng cao tính văn hóa trong việc tổ chức đám cưới, đám hiếu cho đến khuyến khích việc học hành, biết kết hợp phong tục  truyền thống với việc sáng tạo thêm những nội dung mới, cách làm mới, nhằm thu hút mọi người dân tham gia, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.