TPHCM:

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội

(Dân trí) - Cử tri quận 2 (TPHCM) mong muốn sớm giải quyết dứt điểm chính sách cho người dân tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vì những sai phạm đã rõ. Họ cũng mong muốn vấn đề Thủ Thiêm được đưa ra nghị trường Quốc hội.

Mong muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra Quốc hội

Sáng 7/5, đơn vị số 7 của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TPHCM tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 1
Tổ Đại biểu Quốc hội số 7 tiếp xúc cử tri quận 2

Tại đây, một lần nữa các khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm lại được hâm nóng.

Cử tri Trương Văn Sinh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát khi nào UBND TP tổ chức đối thoại người dân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình để báo cáo Chính phủ trước ngày 1/6. 

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 2

Cử tri Trương Văn Sinh cho rằng thực tế diện tích nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm lớn hơn 4,3ha rất nhiều

Bên cạnh đó, ông Sinh cho rằng: Thanh tra Chính phủ kết luận khu 4,3ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đúng, bởi thực tế diện tích nằm ngoài ranh quy hoạch lớn hơn rất nhiều.

Nói thêm về khu 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch, cử tri Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết trước đây lãnh đạo TP nói hộ dân nào thuộc khu vực này không phải di dời. Tuy nhiên, hiện nay thành phố lại có phương án thu hồi khu vực 4,3ha. Bà đặt câu hỏi là việc thu hồi khu vực 4,3ha là thu hồi cho dự án nào?

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 3

Cử tri Nguyễn Thị Kim Phượng muốn làm rõ "số phận" khu 4,3ha

Trong khi đó, cử tri Trần Thị Mỹ cho biết bà là một trong số hơn 100 người dân đi khiếu nại đã lập “làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội”. Bà cho rằng sai phạm ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nỗi đau của người dân. Việc người dân bị bồi thường không đúng và không được tái định cư là lỗi của chính quyền cơ sở.

“Người dân đi tới đi lui, người dân nghèo nhưng phải đi ra Hà Nội khiếu kiện. Việc này vừa gây thiệt hại kinh phí cho người dân, Nhà nước và ảnh hưởng đến uy tín, kêu gọi đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chính quyền và người dân cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề. Cần chỉnh sửa để lấy lại lòng tin cho người dân và chữ tín cho thành phố”, bà Mỹ nói.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 4
Cử tri Trần Thị Mỹ đã gần 80 tuổi

Cử tri Mỹ đề nghị trả lại phần đất trong quy hoạch trước đây dành cho tái định cư để tổ chức tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Tương tự, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cũng có mong muốn trả lại 160ha được quy hoạch tổ chức tái định cư cho người dân mà thành phố lấy giao cho doanh nghiệp làm dự án.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 5
Cử tri Thủ Thiêm mong muốn trả lại khu 160ha phục vụ tái định cư

Cử tri Nguyễn Hồng Quang cho rằng: quận 2 tràn ngập trong quy hoạch, đau khổ vô cùng, nhưng thực hiện không đúng gây khó khăn cho cuộc sống người dân, đặc biệt là dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

“Chính quyền địa phương không áp dụng chính sách pháp luật để có lợi cho người dân. Tôi đang cầm trong tay lá đơn có chữ ký của 708 hộ dân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khiếu nại ở Thủ Thiêm lá đơn nhiều chữ ký như thế. Tôi bức xúc nhất là 5 khu phố thuộc 3 phường đều nằm ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm, chưa có quyết định phê duyệt, phương án đền bù nhưng người dân bị cưỡng chế”, ông Quang nói.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 6

Cử tri Nguyễn Hồng Quang bức xúc vì phần đất ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm lớn hơn so với 4,3ha được công bố

Theo ông, chính sách đền bù không theo pháp luật, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ông đề nghị đưa ra nghị trường Quốc hội và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc này.  Ông cũng mong muốn sớm có hướng giải quyết phù hợp đối với khu vực 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm. Ông Quang cũng gửi tập tài liệu và lá đơn cho tổ đại biểu Quốc hội.

Cử tri Cao Thăng Ca cho rằng trong 1 năm qua, việc giải quyết các chính sách liên quan đến Thủ Thiêm còn chậm: “Chính quyền địa phương càng chậm giải quyết khiếu nại thì càng lộ ra ai là tàn dư của nhóm lợi ích. Chính phủ giải quyết càng chậm thì càng mất niềm tin của dân”.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 7

Cử tri Cao Thăng Ca kiến nghị đưa vụ Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội

Cử tri Ca tiếp tục kiến nghị đưa vụ Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội và khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm tại Thủ Thiêm.

Mòn mỏi chờ đợi nhiều năm qua, cử tri Hồ Thị Mai tiếp tục phản ánh việc thu hồi đất trái quy định pháp luật và mong muốn giải quyết dứt điểm để đảm bảo lợi ích cho người dân chứ không quanh co nữa vì sai phạm đã rõ.

Bà Mai cho rằng chưa bao giờ nghe đại biểu Quốc hội liên tiếng cho sự bức xúc của người dân tại nghị trường Quốc hội. 

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 8

Cử tri Nguyễn Thị Hồng 

“Tôi là một trong số hàng chục hộ dân lập làng Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội từ lúc tóc xanh giờ tóc bạc. Đại biểu có dám đưa “đại án Thủ Thiêm” đến Quốc hội hay không? Tôi xem bao nhiêu lần mà không thấy đưa ra nghị trường”, cử tri Nguyễn Thị Hồng bổ sung.

Sai tới đâu sửa tới đó

Kết thúc chương trình, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP – chia sẻ với nỗi bức xúc, thiệt thòi của người dân trong thời gian qua. Nhân dịp này, ông cũng trả lời ý kiến cử tri về việc thông tin khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nghị trường Quốc hội.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 9
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP Phan Nguyễn Như Khuê

Theo ông, trước kỳ họp thứ 4, TP có văn bản báo cáo Ban Dân nguyện. Khi đi vào kỳ họp thứ 4 có nói về tình hình khiếu nại đông người tại TP và có nhắc đến khu đô thị Thủ Thiêm. 

Sau đó, TP có văn bản gửi Thanh tra CP, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ để có sự phối hợp phản ánh thông tin người dân khiếu kiện tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Ông khẳng định đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố không né tránh vấn đề Thủ Thiêm. Việc Khu đô thị mới Thủ Thiêm có thành đề mục của kỳ họp hay không thì xem xét, đặt vấn đề trước kỳ họp với Thanh tra Chính phủ, thậm chí chất vấn đối với vấn đề này với Quốc hội. Còn nội dung kỳ họp do Thường vụ Quốc hội quy định. 

“Bà con Thủ Thiêm nôn nóng vì quá lâu, đại biểu cũng rất nóng ruột. Đến nay, tiến độ giải quyết cần khẩn trương. Việc yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm là xác đáng. Tuy nhiên, đây là vấn đề lịch sử, có nhiều điều chỉnh, do đó cần xem xét thận trọng. Ví dụ như đơn giá bồi thường cần phân từng loại, từng nhóm để xử lý phù hợp… Đoàn cũng đang giám sát quá trình giải quyết”, ông Khuê nói.

Trước kiến nghị thanh tra toàn diện Thủ Thiêm, trả lời thấu đáo vụ ranh 4,3ha của cử tri, ông mong cử tri yên tâm vì cơ quan hữu quan đang quyết liệt phối hợp cơ quan Trung ương để giải quyết. “20 năm trước đã sai sót, lần này không để ra sai sót nữa”, ông Khuê nói.

Cử tri muốn đưa “đại án Thủ Thiêm” ra nghị trường Quốc hội - 10
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tái khẳng định: Đoàn không né tránh vấn đề vì bức xúc của người dân là vấn đề đại biểu quan tâm. 

Theo bà Tâm, trong quá trình làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc kiểm đếm thực hiện chính sách bồi thường không phải việc nào cũng đúng. Khi nào người dân còn khiếu nại thì cơ quan hành chính có trách nhiệm xem xét, rà soát lại, cụ thể từng hồ sơ.  

“Quyền và lợi ích của người dân phải được bảo đảm, được xem xét đúng quy định pháp luật. Một số vấn đề về Thủ Thiêm như đập phá nhà dân muốn biết sai hay đúng phải xem xét tính pháp lý của từng hồ sơ, để đảm bảo quyền lợi người dân, ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Không thể nói đúng hết hoặc sai hết, sai ở đâu sửa ở đó. Phát hiện sai thì phải đối thoại với người dân để tìm giải pháp phù hợp”, bà Tâm nói.

Quốc Anh – Phạm Nguyễn