Cử tri lo vì học phí, run vì thực phẩm
(Dân trí) - 2.446 ý kiến của cử tri đã được tổng hợp trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu năm vào ngày mai, 20/5. Suy giảm kinh tế và các vấn đề dân sinh bức xúc như thực hiện giải pháp kích cầu, tăng giá điện, học phí… vẫn được quan tâm nhiều nhất.
Giá điện “đánh” vào… toàn cục
Các giải pháp kích cầu của Chính phủ nhận những phản hồi thời sự nhất từ người dân. Cử tri khu vực sản xuất, kinh doanh thở phào với chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá chung, chính sách này bước đầu phát huy tác dụng tích cực. Nhiều cơ sở được vay vốn đã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên việc triển khai ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi thủ tục còn phiền hà. Nhiều cử tri băn khoăn về việc quản lý sử dụng nguồn vốn kích cầu. Một vấn đề được đặt ra, việc vay vốn bị lợi dụng, sử dụng không đúng mục đích, thu lợi bất chính, trái với chủ trương kích cầu của Chính phủ.
Theo phản ánh của Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu vay nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, vật liệu xây dựng nhà ở của người dân khu vực nông thôn và các hợp tác xã rất lớn.
Tuy nhiên còn nhiều người có nhu cầu nhưng chưa được vay. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên mở rộng hơn nữa đối tượng được vay, tăng thời hạn được hỗ trợ lãi suất để có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nghỉ giải lao chờ qua giờ cao điểm (Ảnh: VNN)
Lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống được đề cập như vấn đề dân sinh bức xúc là tình trạng thiếu điện. Cử tri cũng kiến nghị xem xét lại việc tăng giá điện vừa qua. Việc giảm chỉ số sử dụng điện ở bậc thang thứ nhất từ 0 - 100 kw/h xuống 0 - 50 kw/h khiến đại bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng.
Nhiều cử tri là lãnh đạo các doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng cách tính giá điện theo giờ cao điểm chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hầu hết các ý kiến đưa ra đề nghị xem xét lại quy định này theo hướng hạn chế giờ cao điểm ban ngày, tăng số lượng giờ cao điểm ban đêm.
Lo vì học phí, run vì thực phẩm
Đề án tăng học phí, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm như hiện nay khiến nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng. Các kiến nghị đề xuất Chính phủ cân nhắc thận trọng về thời điểm tăng.
Hướng gỡ khác là mở rộng đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và nâng mức giảm học phí hơn nữa đối với con em các hộ nghèo và khu vực nông thôn.
Việc cổ phần hóa các trường đại học công cũng không nhận được nhiều đồng tình từ dư luận. Cử tri tỏ ý mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát, Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập và xã hội hóa các dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Tăng học phí cần mở rộng thêm đối tượng được miễn giảm.
Vấn đề QH sẽ nghe báo cáo giám sát chuyên đề trong kỳ họp này - công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có nhiều bức xúc. Theo phản ánh của cử tri, tình trạng thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm chất lượng vẫn được lưu hành rộng rãi, tràn lan trên thị trường.
Hiện tượng vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang diễn ra phổ biến. Các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra liên tiếp, có trường hợp hàng chục, hàng trăm người bị ngộ độc, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng người tiêu dùng.
Dịch cúm A/H1N1 bùng phát và lan rộng ở nhiều nước, nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn, gây lo lắng cho nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua của các ngành chức năng tuy khá tích cực nhưng nhiều vi phạm chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.
Ngộ độc thực phẩm hàng loạt do mất vệ sinh, an toàn (Ảnh: Phapluattp)
Bức xúc thể hiện bằng kiến nghị sớm có những biện pháp tích cực nhằm ứng phó và xử lý thực trạng trên. Đề xuất mạnh mẽ hơn là tăng ngân sách cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vì khoản chi cho công tác này hiện còn thấp.
Một số ý kiến cũng mong muốn QH sớm ban hành Luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm tạo cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.
P.Thảo