1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Cử tri chưa “thông” mức điều chỉnh học phí

(Dân trí) - Đa số cử tri cũng như các đại biểu của Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho rằng mức học phí mới được đề xuất khá cao. Nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên tăng tối đa 1,5 - 2 lần so với hiện tại, thay vì tăng tới 4-5 lần.

Đề án về thu, sử dụng học phí trong các trường công lập là vấn đề được quan tâm nhất trong buổi họp báo chiều 8/7 về nội dung kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội (sẽ diễn ra từ 13 - 15/7).

Tại buổi họp, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP cho biết, nhìn chung cử tri ở các địa phương trong đợt tiếp xúc vừa qua đều đồng ý với chủ trương điều chỉnh học phí. Tuy nhiên, cử tri băn khoăn với việc điều chỉnh ở mức nào.

Theo ông Toàn, việc điều chỉnh học phí căn cứ theo Nghị định của Chính phủ với quy định, mức đóng học phí không quá 5% thu nhập bình quân của người dân. Về thu nhập bình quân, Cục Thống kê Hà Nội đã cung cấp các con số theo ba nhóm: các hộ dân nội thành thu nhập bình quân 2,4 triệu/người/tháng; các hộ dân nông thôn thu nhập cao đạt 1,8 triệu/người/tháng; các hộ dân nông thôn thu nhập thấp đạt 1,04 triệu/người/tháng.

Theo tờ trình: Bậc Mẫu giáo, mức cho thành thị là 165.000đ/tháng; ở nông thôn, mức cho các cháu có cha mẹ làm nghề nông là 30.000đ/tháng, các cháu có cha mẹ làm nghề khác là 50.000đ/tháng.
 
Bậc Nhà trẻ có các mức tương ứng là: 170.000đ, 35.000đ và 70.000đ/tháng.
 
Bậc THCS: 100.000đ, 30.000đ và 50.000đ/tháng.
 
Bậc THPT: 120.000đ, 35.000đ và 55.000đ/tháng.
Tuy nhiên, ông Toàn cho biết, cử tri vẫn băn khoăn về thống kê nói trên và cho rằng thu nhập thực tế thấp hơn con số đó. “Từ thực tiễn này, chúng tôi đã đề nghị cơ quan trình đề án làm rõ hơn vấn đề thu nhập để đại biểu nắm được”, ông Toàn cho biết.

Cũng theo ông Toàn, tờ trình đã phân ra 3 mức học phí, trong đó thành thị một mức chung, còn nông thôn chia 2 mức (một mức cho các em có cha mẹ làm nghề nông, một mức cho các em có cha mẹ làm nghề khác). Qua tiếp xúc, cử tri và lãnh đạo địa phương đã cho rằng, chỉ nên xây dựng một mức chung cho khu vực nông thôn, thay vì hai mức.

Trong buổi làm việc của ban Văn hoá - Xã hội sáng 8/7, các đại biểu đã đề nghị làm rõ căn cứ để xây dựng mức điều chỉnh học phí như đã trình. Cũng theo các đại biểu, mức tăng so với hiện tại khá cao, trong đó có những điểm thu gấp 4-5 lần. Cụ thể, THCS ở thành thị tăng từ 20.000 lên 100.00đ/tháng, THPT thành thị từ 30.000 lên 120.000đ/tháng.

Các đại biểu tán thành điều chỉnh học phí, nhưng chưa tán thành mức đề xuất và đề nghị tính toán làm sao để mức tăng thấp xuống. Cụ thể, nếu điều chỉnh, mức tăng tối đa không quá 1,5 đến 2 lần.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND TP, ông Nguyễn Văn Phúc, cho rằng, Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh học phí là việc dứt khoát phải làm. Tuy nhiên, nghị quyết về vấn đề học phí cũng là vấn đề nhạy cảm và điểm băn khoăn nhất là mức điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện của từng vùng.
 
Cử tri chưa “thông” mức điều chỉnh học phí - 1
Học phí chỉ nên tăng cao nhất 1,5 - 2 lần (Ảnh: Hồng Hạnh)
 
Sau khi các đại biểu của Ban Văn hoá - Xã hội cho rằng mức điều chỉnh còn cao, Lãnh đạo HĐND đã yêu cầu UBND xem xét lại để làm sao khi trình ra kỳ họp có thể giải thích được với đại biểu để đạt sự đồng tình.

“Đây có lẽ sẽ là nghị quyết có nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi hướng cho đại biểu phát biểu tại kỳ họp sao cho xây dựng được một Nghị quyết khả thi để khi đưa ra được đa số cử tri, nhân dân đồng tình”, ông Phúc nhấn mạnh.

Chuyển sang một Nghị quyết khác dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này là Nghị quyết về việc đặt tên đường phố, ông Phúc cho biết, sẽ được làm chặt chẽ hơn. Số đường phố được đặt tên nhiều hơn các lần trước, nhưng đã được chuẩn bị khá kỹ, đặc biệt đã lấy ý kiến của Thành uỷ trước khi trình ra HĐND.

Liên quan đến phiên chất vấn tại kỳ họp lần này, ông Phúc cho biết, hiện Thường trực HĐND TP đang tập hợp từ nhiều kênh. “Tinh thần là chọn những vấn đề bức xúc để đưa ra chất vấn”, ông Phúc cho biết.

Cấn Cường