1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Cư dân chung cư Văn phòng Quốc hội tự ý phá dỡ, "độc chiếm" sân thượng?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Nhiều hộ dân ở tầng 21 chung cư Văn phòng Quốc hội bị “tố” tự ý cải tạo phần mái, cắt bỏ thanh giằng bê tông cốt thép rồi trổ cửa ra, lấn chiếm không gian chung, khiến người dân bức xúc.

Thời gian vừa quan, nhiều cư dân đang sinh sống tại chung cư Văn phòng Quốc hội, thuộc phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc khi phát hiện một số hộ ở tầng 21 thuộc các tòa CT2B, CT2C2… cải tạo, phá dỡ mái chống nóng, thanh giằng bê tông cốt thép để lát gạch, trổ cửa ra với mục đích sử dụng cho riêng mình.

Theo lời người dân, vụ việc trên xảy ra vào khoảng cuối tháng 5 vừa qua, ở thời điểm bàn giao giữa đơn vị vận hành mới và đơn vị vận hành cũ.

Cụ thể, nhiều hộ ở tầng 21 lấy lý do có hiện tượng ngấm trần, cần phải chống thấm phía trên tầng mái nên đã “tự ý thuê thợ về cải tạo”, nhưng không có đơn phản ánh về chất lượng xây dựng đến Ban quản trị cụm nhà chung cư Văn phòng Quốc hội.

Cư dân chung cư Văn phòng Quốc hội tự ý phá dỡ, độc chiếm sân thượng? - 1

Hình ảnh công nhân phá dỡ thanh giằng bê tông cốt thép trên tầng thượng ở chung cư Văn phòng Quốc hội (Ảnh: CTV).

Người dân cho rằng, các hành vi trên đã làm thay đổi thiết kế, ảnh hưởng lâu dài đến kết cấu và hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ tòa nhà, “tác động nghiêm trọng đến độ an toàn và tuổi thọ của chung cư”.

“Như vậy là gây nguy hiểm đến tính mạng của rất nhiều gia đình đang sống ổn định lâu dài tại các tòa nhà, xâm phạm đến quyền lợi của các căn hộ có quyền đồng sở hữu phần diện tích chung (sân thượng - PV), biến phần diện tích này thành của riêng cho các căn hộ đó” - người dân thông tin thêm.

Bên cạnh đó, toàn bộ phần mái tôn, thanh sắt hộp đỡ mái và cốt thép thanh giằng… thuộc sở hữu chung nhưng đã bị các chủ căn hộ ở tầng 21 cắt vụn, bán thanh lý.

Đáng chú ý, mặc dù hành động trên diễn ra trong một thời gian dài, giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng không thấy Ban quản trị có biện pháp ngăn chặn (?!).

Qua tìm hiểu của PV Dân trí, đối với hành vi nêu trên, giữa tháng 6/2020, Công ty Cổ phần đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 (chủ đầu tư) đã có văn bản đề nghị Ban quản trị tòa nhà yêu cầu các hộ thi công hoàn trả lại nguyên trạng.

Chủ đầu tư cho rằng, việc tự ý phá dỡ của các hộ ở tầng 21 là vi phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng phần sở hữu chung, làm thay đổi kết cấu… có nguy cơ mất an toàn khi trổ cửa ra tầng mái để sử dụng trái với công năng được thiết kế ban đầu.

Đồng thời, đến tháng 7/2020, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có buổi làm việc với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Nam Từ Liêm và Ban quản trị cụm chung cư Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Ban quản trị xác nhận có vụ việc nêu trên xảy ra vào cuối tháng 5/2020. Đơn vị này yêu cầu Ban quản lý đôn đốc, nhắc nhở các cư dân có căn hộ vi phạm phải trả lại nguyên trạng khu vực sân thượng.

Trong khi đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa có hồ sơ xử lý vi phạm đối với các trường hợp đã tự ý cải tạo, sửa chữa và làm thay đổi kết cấu tầng thượng.

Kết quả kiểm tra hiện trạng cho thấy, trên mái tòa CT2B có 4 căn đã phá giỡ một nửa giằng tường nổi trên tầng mái, phá dỡ mái tôn chống nóng, lát gạch và trổ cửa từ căn hộ ra phần cải tạo, có lắp vòi nước sinh hoạt.

Đối với mái tòa CT2C2 cũng ở tình trạng tương tự, trong đó có 1 căn hộ đã trổ cửa ra phần cải tạo.

Liên quan đến phản ánh của cư dân chung cư Văn phòng Quốc hội về vụ việc này, ông Nguyễn Trường Sinh - Chủ tịch UBND phường Xuân Phương - xác nhận đã tổ chức buổi làm việc với các bên có liên quan, lập biên bản để xử lý theo quy định.