Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Cứ dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch mà làm"
(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn Đại biểu Quốc hội tại tổ bầu cử số 3, nhiều cử tri quan tâm đề xuất vấn đề chính sách cho hộ nghèo, người già neo đơn, đối tượng bảo trợ…
Sáng ngày 19/11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri của ĐBQH sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội; bà Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại diện cử tri của các địa phương thuộc đơn vị bầu cử số 3 gồm: Thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh và Như Xuân.
Nhiều ý kiến đề xuất về chính sách
Tại hội nghị, cử tri thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét chính sách với đối tượng người cao tuổi cô đơn vì đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn cần có sự quan tâm, trợ giúp của cộng đồng và xã hội, đặc biệt là chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
"Việc xác định và xác định lại dạng tật và mức độ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, có nhiều thắc mắc, kiến nghị, thậm chí là có đơn thư cho rằng hội đồng xét duyệt đánh giá chưa khách quan và chưa đảm bảo cơ sở khoa học.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương ở cơ sở đang trăn trở mà chưa tìm được hướng giải quyết mang tính khả thi", cử tri Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Tân Phong đề nghị.
Cử tri tại thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh) đề nghị các cấp, các ngành xem xét cho người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc vùng 3, vùng 2 được hưởng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, cử tri mong muốn lĩnh vực lao động việc làm được quan tâm hơn nữa; kiến nghị quy hoạch các cụm công nghiệp về nông thôn miền núi để giảm lao động đi đến nơi khác làm ăn.
Cử tri Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường (Quảng Xương) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp hoặc đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để các địa phương tổng hợp báo cáo hộ có mức sống trung bình trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp, làm cơ sở thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế cho các hộ thuộc diện này trong năm 2022.
Ngoài ra, một số cử tri khác cũng đề nghị tinh giản bộ máy chính quyền cần đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ công chức dôi dư; sớm tiêm vaccine Covid-19 phủ rộng trong toàn dân; hỗ trợ người lao động tự do nên có mặt bằng chung, đảm bảo công tác an sinh và công bằng xã hội; giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai nhưng vẫn thúc đẩy được các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế...
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá rất cao các ý kiến của cử tri. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không có ý kiến nào thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và huyện có thể xử lý.
Về việc cử tri đề nghị các xã không thuộc trong khu vực 2, 3 vẫn được hưởng Bảo hiểm y tế, theo ông Lê Đức Giang, đây là vấn đề hết sức khó khăn nên rất mong được các đại biểu Quốc hội nghiên cứu. "Một số huyện phía Tây Thanh Hóa, đời sống bà con còn khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, khi có quyết định của Chính phủ không thuộc danh sách đối tượng khu vực 2, khu vực 3, bà con rất băn khoăn", ông Giang nói.
"Không để trở thành trục lợi chính sách"
Không chỉ chia sẻ về Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, trên cơ sở những giải đáp của ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng rất quan tâm, giải đáp thêm về những ý kiến của các cử tri.
Theo Bộ trưởng, bắt đầu từ 1/1/2022 sẽ thực hiện tiêu chí giảm nghèo mới. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Trưởng ban.
Trong tuần này, Hội đồng sẽ thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Theo đó, tiêu chí sẽ nâng lên là 1,5 triệu đồng đối với nông thôn và 2 triệu đồng với thành thị. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay 2,75% sẽ đẩy lên khoảng 15,6% theo tiêu chí mới.
Về chính sách đối với người già, người cô đơn, theo Bộ trưởng, người cô đơn, không nơi nương tựa ở đây là người không còn thân nhân gần như vợ chồng, bố mẹ, con cái để chăm sóc mới được hưởng chính sách theo Nghị định 20. Theo Bộ trưởng, nếu còn người thân mà không có trách nhiệm với người neo đơn, cho tất cả những trường hợp này hưởng chính sách thì thực tiễn sẽ đẩy đến chuyện gần như không chú ý chăm sóc, không có trách nhiệm nữa của một bộ phận.
Trong thực tiễn, cũng có nhiều trường hợp, còn người thân nhưng người thân cũng khó khăn quá, không có khả năng, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các địa phương phân loại ra, xem xét vận dụng từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc những trường hợp này là vượt trội của chính sách, Bộ ủng hộ, nhưng phải rà soát kỹ, không để trở thành trục lợi chính sách.
Về số hộ lao động Nông - Lâm - Ngư nghiệp khu vực nông thôn có chuẩn ở mức sống trung bình để được hỗ trợ bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết sẽ có ý kiến với Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Mức hỗ trợ ở đây là 30% mức của thẻ bảo hiểm y tế. Theo Bộ trưởng, quy định cũng tương đối rõ rồi, đề nghị địa phương bám sát và chuẩn này chỉ áp dụng cho hộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp và riêng biệt để đóng bảo hiểm, còn các hộ khác không có.
Về Hội đồng giám định mức độ đối với người khuyết tật, theo Bộ trưởng những năm trước khi xem xét vấn đề tật nguyền chủ yếu thông qua thực chứng, Hội đồng xem xét, thẩm định rồi đề xuất.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, Hội đồng cứ dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch mà làm. Sau đó niêm yết cho dân xem, dân biết. Sau thời gian công khai mà không có ý kiến nào khác thì thực hiện chính sách. Còn những trường hợp Hội đồng còn băn khoăn, còn nghi ngờ, hoặc ý kiến khác thì đề nghị giám định hội đồng y khoa để xác nhận, sàng lọc. Bộ trưởng đề nghị tất cả các địa phương thực hiện theo nguyên tắc đó.
Về ý kiến của cử tri đề nghị xem xét cho người đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc vùng 3, vùng 2 được hưởng bảo hiểm y tế; vùng vừa thoát 135 đề nghị có lộ trình, tiếp tục động viên nhân dân được hưởng Bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng tán thành có độ trễ về chính sách. Ví dụ như huyện Như Xuân (Thanh Hóa) ra khỏi huyện nghèo nhưng vẫn áp dụng một số cơ chế như 30a. Bộ trưởng nhấn mạnh nếu như đã thoát nghèo rồi mà còn tiếp tục áp dụng các cơ chế như nghèo thì không còn là thoát nghèo.
Theo Bộ trưởng nên có độ trễ, độ trễ đó là một số chính sách ví dụ như học sinh thì vẫn cho các cháu bảo hiểm y tế hoặc cán bộ xã, một số chính sách khác… có thể ở một giai đoạn nhất định, không để hẫng ngay.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng thông tin, đầu năm 2022 sẽ bàn và trình Quốc hội cho sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Bà Cầm Thị Mẫn thông tin, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 2 cuộc họp Đoàn để thảo luận về 2 dự án Luật trình Quốc hội thông qua; 5 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến; thảo luận tình hình kinh tế xã hội; thảo luận một số cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng và một số nội dung quan trọng khác.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng đã có 4 lượt ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022...