CSGT dùng lưới bắt “quái xế”: Hiệu quả nhưng nguy hiểm!
(Dân trí) - Việc CSGT tỉnh Thanh Hóa thực hiện “sáng kiến” dùng lưới để bắt “quái xế” đang gây nhiều ý kiến tranh luận. Thực tế phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Lực lượng CSGT tại nhiều địa phương cũng không có ý định áp dụng.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - nhận định: "Tôi cho rằng “sáng kiến” sử dụng lưới cho mục đích bắt người vi phạm giao thông của CSGT tỉnh Thanh Hóa không phù hợp, phản cảm và vô cùng nguy hiểm".
Theo luật sư Diện, xét về tính hợp lý thì khi lực lượng CSGT sử dụng lưới để xảy ra chết người sẽ không thể coi đó là một tai nạn. Khi đó, thiệt thòi trước tiên thuộc về người dân vì trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của họ. Nếu người tha gia giao thông có là người vi phạm thì cũng đã được pháp luật quy định về hành vi đó rồi, trong khi quản lý nhà nước đã có pháp luật thì ta phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Tùy hành vi, mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý theo quy định của Luật giao thông đường bộ, các văn bản hướng dẫn thi hành và xử phạt hành chính, ngoài ra bộ luật hình sự cũng quy định rất rõ về hành vi và các tội danh như: “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tội “tổ chức đua xe trái phép” và “đua xe trái phép”.
Pháp luật cũng có chế tài cụ thể cho các vi phạm mà đối tượng cố tình như “phạm tội nhiều lần” “tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng...”. Vậy vấn đề ở đây là phòng ngừa, phòng ngừa bằng cách quyết tâm bắt theo cách “bắt cá” để “xử lý ngay” thấy vô cùng nguy hiểm cho người vi phạm hoặc những người tham gia giao thông khác khi dính lưới mà ngã xuống vì không thể chắc chắn cứ quăng lưới là trúng ngay người vi phạm không loại trừ dính cả người tham gia giao thông bình thường.
Hơn thế, chúng ta phải cần phân biệt được rõ hành vi nào là hành vi đua xe, hành vi nào là lạng lách đánh võng... chứ không thể đánh đồng tất cả các hành vi vi phạm được, nhiều trường hợp người đi đường chỉ là đi nhanh một chút, vi phạm tốc độ cũng coi là đua xe, lạng lách đánh võng thì không được. Thiết nghĩ ngành công an cần có sáng kiến khác hiệu quả mà đỡ nguy hiểm cho người dân.
“Xét về yếu tố nhân văn, mỹ quan và tính chuyên nghiệp thì rõ ràng những chiến sỹ CSGT khi đi làm nhiệm vụ phải mặc sắc phục, mũ áo của ngành, nhưng trong tay lại cầm thêm “công cụ hỗ trợ” là lưới bắt cá thì còn gì là tính chuyên nghiệp nữa. Người dân nhìn vào sẽ thấy sự nhếch nhác, phản cảm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh CSGT của toàn ngành trên cả nước. Bộ công an nên có sự nhìn nhận, đánh giá và phân tích khoa học một cách toàn diện trước khi cho phép áp dụng biện pháp này”, luật sư Diện nhận định.
Về phương pháp dùng bùi nhùi bắt người vi phạm giao thông, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội cho biết: Lực lượng CSGT TP Hà Nội sẽ không áp dụng phương pháp dùng lưới hay bùi nhùi để bắt người vi phạm ATGT như lực lượng CSGt tỉnh Thanh Hóa đang triển khai.
Thay vào đó, thời gian tới, CSGT TP Hà Nội sẽ tăng cường thêm các nữ CSGT “xuống đường” làm nhiệm vụ tại các chốt chạm hay ngã tư giao thống có dấu hiệu phức tạp, ùn ứ trong giờ cao điểm. Theo dư luận của một số người dân thủ đô, thời gian vừa qua việc các nữ CSGT “xuống đường” làm nhiệm vụ đã làm tăng hình ảnh thân thiện trên đường phố.
Trong khi đó, cũng về phương pháp dùng bùi nhùi, trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - cũng từng bày tỏ quan điểm ủng hộ sáng kiến của Công an Thanh Hóa. Thiếu tướng Tuyên cho rằng phương pháp này không phải để bắt người vi phạm giao thông bình thường mà là nhằm bắt các đối tượng lạng lách đua xe, là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự.
Anh Thế