1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Công viên hồ Ba Mẫu - “Xóm liều cao cấp” giữa lòng Hà Nội

Khu đất dành cho tái định cư biến thành bãi rác. Hàng chục ngàn mét vuông đất bị lấn chiếm, xây dựng trái phép... Dự án xây dựng công viên hồ Ba Mẫu là một ví dụ điển hình cho lối làm việc tắc trách của một số cơ quan chức năng ở Hà Nội.

Dự án công viên hồ Ba Mẫu có diện tích gần 10ha nằm trên địa bàn phường Trung Phụng và Phương Liên (quận Đống Đa). Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển công trình hạ tầng - Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTCC).

 

Thực hiện dự án, chủ đầu tư đã tiến hành một số phần việc như: kè hồ, làm đường quanh hồ (trừ một số đoạn chưa GPMB). Ngoài ra, chủ đầu tư cũng GPMB được một diện lích lớn, kê khai điều tra được 130/178 hộ. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến nay, dự án dậm chân tại chỗ.

 

Xóm “nhiều không” giữa lòng Hà Nội

 

Dự án bán nhà cho dân tại khu vực hồ Ba Mẫu đã được thực hiện từ chục năm nay nhưng người dân thì khốn khổ vì không có tổ dân phố, không hộ khẩu, không đường đi, cũng chẳng vệ sinh môi trường.

 

Bà Nguyễn Thị Vân, 78 tuổi (trú tại nhà B2, phường Trung Phụng - tạm ghi địa chỉ như vậy!) mệt mỏi hé cửa sổ tầng hai phía sau căn nhà rồi bịt mũi. Trước mắt bà là một núi rác rộng vài trăm mét vuông, cao ngang tầng hai nhà bà. Đất, đá, ni-lông, bao tải, vỏ nhựa... ốp chặt tường ngôi nhà. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

 

Cộng hưởng cùng bãi rác là cả trăm hộ dân gần đó sống trong cảnh tạm bợ (nhà thuộc quy hoạch, lấn chiếm), hệ thống thoát nước, môi trường kém... “Sau cơn mưa, trời nắng nóng, khu vực này thành hố xí di động” - bà Vân chua chát nói. Bức tường lăn sơn sáng bóng trong nhà bà đã xuất hiện nhiều vết loang do nước rác thẩm thấu.

 

Bà Vân cho biết, gần chục năm bà về sống tại nhà B2, nhưng khu dân cư này không có tổ dân phố. Mãi năm 2003, gia đình mới nhập hộ khẩu về đây. Trong số hơn 60 hộ dân sống tại khu nhà hồ Ba Mẫu, chỉ có một nửa là nhập được hộ khẩu. “Chúng tôi ví đây là một xóm liều cao cấp”.

 

Bà Đỗ Thị Hiền (nhà B1) bổ sung: “60 hộ dân không có đường đi”. Nguyên nhân là chủ đầu tư sau khi bán đất cho các hộ dân đã không hoàn thiện phần đường như cam kết.

 

Hơn 60 hộ dân trong nhiều năm qua đã phải đi nhờ lối đi của một hộ dân do chủ đầu tư thuê. Cũng do chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) nên con đường nội bộ rộng hơn 3m nhiều chỗ đã bị người dân xây ra giữa đường, trông thật kỳ quái.

 

Đặc biệt, việc bàn giao giữa chủ đầu tư và địa phương (phường Trung Phụng, Phương Liên) chưa rõ nên khu dân cư này chưa thành lập tổ dân phố, mọi hoạt động tổ chức, đoàn thể ngưng trệ. Vì lý do đó, mọi kiến nghị, bức xúc của dân dường như chẳng được ai để ý.

 

Công văn ngày 16/6/2006 của Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển công trình hạ tầng gửi các hộ dân khu C3 cho hay: “Công ty thực hiện dự án theo quy hoạch tổng thể cải tạo hồ Ba Mẫu được TP Hà Nội phê duyệt ngày 28/10/1990. Nhưng đến tháng 4/4/2001, TP Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, đường vào dự án nhà ở có thay đổi.

 

Công tác GPMB của dự án cải tạo hồ Ba Mẫu do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông công chính Hà Nội) làm chủ đầu tư đến nay chưa thực hiện được... Hiện nay Công ty  gặp nhiều khó khăn, không có đủ việc làm... Vì vậy Công ty không còn khả năng thanh toán chi phí thuê đường theo đơn giá 3 triệu đồng/tháng. Công ty xin thông báo với ông bà để biết và mong sự thông cảm chia sẻ với Công ty”.

 

Trước nguy cơ bị bịt lối đi, 61 hộ dân “xóm liều cao cấp” có đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Ngày 23/6/2006, ông Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã có kết luận số 140. Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các hạng mục còn lại, hạng mục xây dựng dở dang; hoàn tất các thủ tục bàn giao cho chính quyền địa phương để các hộ đã mua nhà có đủ điều kiện nhập khẩu để sinh hoạt tại địa phương.

 

Riêng đối với lối đi tạm, TP Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục duy trì trong khi chưa làm được đường theo quy hoạch. Đặc biệt, TP Hà Nội cũng giao UBND quận Đống Đa, phường Phương Liên báo cáo HĐND hình thành ngay các tổ chức dân phố, sinh hoạt cộng đồng, giải quyết bức xúc dân sinh.

 

Quan điểm của TP Hà Nội là vậy, nhưng không biết đến bao giờ các công dân “xóm liều cao cấp” này mới được thụ hưởng điều kiện tối thiểu này.

 

Công viên thành bãi rác, đất công bị “xẻ thịt”

 

Đến nay, sau 15 năm có quy hoạch công viên và TP Hà Nội cũng đã chi cả chục tỷ đồng cho dự án, nhưng công viên hồ Ba Mẫu vẫn nhếch nhác, bẩn thỉu. Nghiêm trọng hơn, hàng chục nghìn mét vuông đất công đang bị “xẻ thịt”.

 

Nếu thoạt nhìn từ đường Lê Duẩn vào, người ta thấy mừng vì Hà Nội có thêm một “lá phổi” xanh - công viên hồ Ba Mẫu. Nhưng nếu đi sâu vào bên trong, “lá phổi” đó đang bị xâm hại nghiêm trọng. Con đường quanh công viên mới được đầu tư này đã lỗ chỗ ổ gà, ổ voi, đọng thứ nước sền sệt bốc mùi hôi thối. Hai bên vỉa hè là những dãy nhà tạm, những hàng rào tre, gỗ và những cây dại. Dưới nền cỏ lút ống chân, người ta vẫn nhận thấy những thứ xú uế, những chiếc kim tiêm và vô khối rác các loại.

 

Tâm điểm của công viên (lô đất số 3 rộng hơn 1.000m2 dành xây nhà tái định cư), đã được giải phóng mặt bằng từ nhiều năm nay, hiện là một bãi rác. Theo người dân sống quanh khu vực này, thì trước đó khu đất được một “cai” đứng ra cho đổ rác để thu tiền. Thấy vậy, chính quyền và Sở giao thông công chính Hà Nội vào cuộc và khu đất trên tiếp tục trở thành... bãi rác. Lý do: để tiện quản lý và có nguồn thu.

 

Ngày 1/7/2006, có mặt tại hiện trường, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh phản cảm: gần chục chiếc xe chở rác đỗ trên khu đất, nhiều đống phế liệu đổ ngổn ngang. Bên ngoài lô đất, nằm trên con đường đi dạo chình ình vài chiếc thùng rác cỡ lớn chắn cả lối đi. Mùi hôi thối bốc lên.

 

Gần đó, một bãi rác tư nhân rộng vài trăm m2 được bao quanh bằng một chiến lũy cao 3m, bên trong cũng vô khối rác các loại. Cả khu vực công viên rộng hàng nghìn mét vuông đã biến thành bãi rác. Dưới lòng hồ, các loại nước thải, rác thải đổ xuống vô tội vạ làm nước hồ chuyển mầu và bốc lên khí độc. Phía bắc hồ Ba Mẫu sóng đánh dạt chất bẩn tạo thành lớp váng sền sệt như cặn hố ga...

 

Tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng nhà trên đất quy hoạch cũng diễn ra phổ biến. Ông Lại Kim Tiến ở nhà C3, hồ Ba Mẫu, cho biết: Ngay sát nhà ông, trước là đất trống, nhưng nay đã được phủ kín bằng những ngôi nhà tạm. Chỉ tính khu vực bắc và tây bắc hồ Ba Mẫu đã có khoảng gần 100 ngôi nhà tạm mới mọc lên.

 

Đặc biệt, tại khu vực này còn có một số ngôi nhà kiên cố được xây dựng gần đây. Trên đoạn bờ hồ bị ách tắc GPMB, nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục lấn sát mặt hồ. Cả diện tích hàng chục nghìn mét vuông đất thuộc dự án công viên đã được phủ kín bằng bê tông, ngói và phibrô xi-măng.

 

Tại Hà Nội những dự án xây dựng nhà ở kinh doanh thì được thực hiện rất sốt sắng. Ngược lại, những dự án mang tính phúc lợi xã hội như xây dựng công viên thì đều bế tắc, chập trễ. Liệu có phải vì những dự án này không sinh lời nên các cơ quan chức năng không mấy mặn mà?

 

Theo Nhân Dân/TiềnPphong