Công viên bãi giữa sông Hồng: Tiềm năng nhưng tránh "đầu voi đuôi chuột"

Kiến Văn

(Dân trí) - TS.KTS Nguyễn Ngọc Bảo (ĐBQH khóa XIII) đặt câu hỏi "nếu thất thoát, lãng phí thì ai chịu trách nhiệm?", mặc dù ông ủng hộ ý tưởng làm công viên văn hóa đa năng ở bãi giữa sông Hồng.

Phải chú trọng công tác thoát lũ 

Dư luận Hà Nội mấy ngày qua đang đặc biệt quan tâm tới đề xuất xây dựng Công viên văn hóa đa năng tại bãi giữa sông Hồng. Cụ thể, tại phiên giải trình ngày 25/11 về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị tại bãi bồi sông Hồng, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đã thống nhất báo cáo UBND Thành phố cho phép lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng", kinh phí từ ngân sách các quận.

Việc lập đề án hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050; khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.

Công viên bãi giữa sông Hồng: Tiềm năng nhưng tránh đầu voi đuôi chuột - 1

TS.KTS Nguyễn Ngọc Bảo.

Chia sẻ với Dân trí, TS.KTS Nguyễn Ngọc Bảo - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH khóa XIII) cho biết, dự kiến xây dựng công viên văn hóa đa năng ở bãi giữa sông Hồng là một ý tưởng cần được ủng hộ.

Theo ông Bảo, khu vực bãi giữa sông Hồng là lá phổi xanh của thành phố vì vậy phải có kế hoạch cụ thể về việc phát triển, tăng tỷ lệ cây xanh cùng với kế hoạch xây dựng công viên văn hóa đa năng. Đồng thời phải hết sức chú trọng tới công tác thoát lũ, vấn đề này đặc biệt quan trọng có liên quan tới đời sống an sinh của hàng nghìn hộ dân ở khu vực dự kiến triển khai xây dựng công viên.

Còn TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có 1ha thuộc địa phận quận Long Biên. Hiện trên diện tích này có khoảng 13,3ha các hộ dân đang trồng cây lương thực, phần còn lại từ phía cầu Chương Dương đến cuối địa phận phường Phúc Tân chủ yếu trồng cây lâu năm.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực bờ Vở sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được xác định nằm trong khu vực hành lang xanh sông Hồng. Khu vực này nằm trong ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng, là đất cây xanh, vui chơi giải trí.

"Cùng với sự phát triển chung của thành phố, quận Hoàn Kiếm là đô thị có mật độ dân số cao với khoảng 15 vạn người, khoảng 3,5 vạn người/km2. Ngoài không gian mặt nước, cây xanh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (có diện tích khoảng 13,5ha, với tính chất không gian công cộng, văn hóa, tâm linh), các không gian cây xanh tập trung trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chủ yếu nằm tại các nút giao thông, vừa mang tính chất của "đảo giao thông" vừa là các vườn hoa công cộng với quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm, tạo lập sự cân bằng trong hệ sinh thái đô thị của Thủ đô.

Vì vậy tổ chức không gian công viên văn hóa du lịch tại bãi giữa sông Hồng là phù hợp, hiện nay cũng có những khuyến nghị phải quan tâm là theo Sở Nông nghiệp thì nó nằm trong hành lang thoát lũ, cần cân nhắc trong quá trình thực hiện, đây là vấn đề hết sức thận trọng", bà Thuận phân tích.

Bà Thuận nhận định: "Tiềm năng thì rất rõ, nhưng vấn đề là phải triển khai được kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, chỉnh trang sắp xếp thành các khu công viên, vườn cây, vườn du lịch, không gian sáng tạo, các hoạt động dịch vụ du lịch, giao thông tĩnh… đảm bảo theo các quy định phòng chống lũ và đê điều. Giải quyết các vấn đề chống lấn chiếm đất bờ vở sông Hồng, cải thiện đáng kể vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nếu khai thác được lợi thể của sông Hồng sẽ tạo thành một điểm tham quan du lịch cho nhân dân trong quận, thành phố và cả nước, bổ trợ không gian mở cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội".

Công viên bãi giữa sông Hồng: Tiềm năng nhưng tránh đầu voi đuôi chuột - 2

Bãi giữa sông Hồng (Ảnh: Hữu Nghị).

Mỗi một đồng chi ra đều phải hết sức cân nhắc 

Mặc dù đây là một định hướng phù hợp với sự phát triển chung dọc tuyến sông Hồng, nhưng TS.KTS Nguyễn Ngọc Bảo cũng cảnh báo khi triển khai phải hết sức tường minh về ngân sách, tránh việc sau một thời gian thì kinh phí đội lên, chi phí lớn, bất hợp lý và thất thoát.

"Đây là vấn đề mà thành phố Hà Nội phải hết sức lưu ý, chỉ đạo các quận phối hợp thực hiện đúng quy định, quy trình, phải xác định rõ mục tiêu và cách thức triển khai, quan trọng nhất là vừa đạt được hiệu quả nhưng cũng phải phòng chống được thất thoát, lãng phí. Chúng ta đều biết rằng tiền ngân sách là tiền từ nhân dân đóng góp, mỗi một đồng chi ra đều phải hết sức cân nhắc, không thể phung phí bừa bãi" - ông Bảo nói.

Ông Bảo nêu ví dụ, hiện nay thành phố Hà Nội có rất nhiều công viên được đầu tư xây dựng sau một thời gian thì xuống cấp, hoang hóa, trong đó phải kể tới như: Công viên Thiên văn học tại phường Dương Nội, quận Hà Đông; Công viên Việt Hưng (Gia Lâm) cũng đang bỏ cho cỏ mọc um tùm, trở thành nơi đổ trộm rác, gây ô nhiễm môi trường; Công viên Chu Văn An, Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang hay Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Thống Nhất, Công viên Hòa Bình... cũng xảy ra tình trạng xuống cấp sụt lún đường đi và hệ thống chiếu sáng.

Bên cạnh đó nhiều vườn hoa dù có từ lâu hay mới xây dựng đều đang lâm vào tình trạng bị xuống cấp, các trò chơi ngoài trời hầu như đều bị hư hỏng, vài thứ không sử dụng được như có thể thấy ở Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Công viên hồ Đền Lừ, Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai)...

Có trường hợp đặc biệt là Công viên Tuổi trẻ còn bị lấn chiếm tới 20 năm nay và ngày càng bị thu hẹp không gian công cộng nhưng thành phố không có giải pháp nào xử lý dứt điểm.

Chỉ ra thực trạng này, ông Bảo cảnh báo về nguy cơ "đầu voi đuôi chuột" khi triển khai các dự án cộng đồng, trong đó không loại trừ công viên bãi giữa sông Hồng.

"Mặc dù đây là một ý tưởng tốt, song vì đây là công trình công cộng sử dụng ngân sách đầu tư nên phải tính được bài toán khai thác, bảo trì hàng năm khi đã hoàn thành, tránh tình trạng như nhiều công viên, vườn hoa khác hiện đang xuống cấp, thậm chí còn bị lấn chiếm mà chính quyền cũng chưa có biện pháp nào giải quyết. Vì vậy vấn đề đặt ra là xây dựng theo mô hình nào, khai thác giá trị văn hóa du lịch ra sao, cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Chúng ta đã có quá nhiều bài học vì vậy đừng để xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc", ông Bảo chia sẻ.

Kết thúc cuộc trao đổi với Dân trí, ông Bảo một lần nữa cảnh báo về nguy cơ thất thoát lãng phí đối với việc xây dựng công viên văn hóa đa năng ở bãi giữa sông Hồng: "Nếu như xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách thì ai chịu trách nhiệm? Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố phải thật sự quyết liệt khi triển khai những dự án bằng vốn ngân sách, phải có các cơ quan chuyên môn đánh giá thẩm định, kiểm tra, hậu kiểm chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình và không có lãng phí, tham nhũng. Đây là vấn đề mà cử tri, nhân dân đều chờ đợi vào sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố".