Bình Dương:
Công ty góp vốn bằng 43ha “đất vàng” giải trình thế nào với Tỉnh ủy Bình Dương?
(Dân trí) - Trong công văn gửi Thường trực Tỉnh uỷ về việc góp vốn bằng 43ha đất, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương giải trình số tiền bồi thường được đơn vị này thực hiện đền bù là từ nguồn vốn vay và vốn hợp tác kinh doanh, không có vốn từ ngân sách Nhà nước.
Vốn vay và vốn hợp tác kinh doanh chiếm 90% tiền đền bù
Liên quan đến vụ góp vốn liên danh bằng việc chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt TCty Bình Dương, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tỉnh uỷ Bình Dương) đã có Công văn số 113/TCTY-TCKT (Công văn 113) giải trình gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương. Theo Công văn 113, TCty Bình Dương cho biết, tổng số tiền bồi thường được đơn vị này thực hiện đền bù bằng nguồn vốn vay và vốn hợp tác kinh doanh, không có vốn từ ngân sách Nhà nước.
Trong đó gồm: Hợp đồng vay vốn ký với Ngân hàng Công thương Việt Nam – Sở giao dịch II vào ngày 28/6/2005 với tổng giá trị vay là 125 tỷ đồng; Hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn với Công ty TNHH Phát Triển ngày 18/5/2005 với tổng giá trị góp vốn là hơn 126 tỷ đồng; Hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn ký với Công ty Cổ phần Hưng Vượng với tổng giá trị góp vốn là 120 tỷ đồng.
Tổng chi phí đền bù là khoảng 414 tỷ đồng tương ứng với diện tích 567,3ha. Trong đó tổng vốn vay và huy động gần 371,3 tỷ đồng, vốn tự có là hơn 42,76 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền vốn vay và huy động chiếm gần 90% tổng số tiền chi đền bù cho Ban Quản lý Khu liên hợp.
Đến ngày 2/12/2010, TCty Bình Dương đã hoàn thành việc chi trả tổng số khoảng 414 tỷ đồng tiền đền bù theo hợp đồng đã ký kết với Ban Quản lý Khu liên hợp. Sau khi hoàn thành việc chi trả tiền cho Ban Quản lý Khu liên hợp, TCty Bình Dương đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định giao đất theo quy định. Tổng diện tích thực tế được giao gần 540ha.
Theo Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, 90% số tiền bồi thường, đền bù trong Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú được huy động từ nguồn vốn vay và hợp tác kinh doanh.
Ngày 1/7/2010, TCty Bình Dương đã ký Hợp đồng thỏa thuận với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Cty BĐS Âu Lạc) để thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Cty Tân Phú). Hơn 1 tháng sau, Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý chủ trương cho TCty Bình Dương được hợp tác tới Cty BĐS Âu Lạc để thành lập liên doanh đầu tư và xây dựng tại khu đất 43ha. Trong đó, TCty góp 30% vốn điều lệ. Giá chuyển giao khu đất để liên doanh thực hiện dự án được thỏa thuận tại thời điểm này là 570.000 đồng/m2”.
Ngày 9/9/2010, Cty Tân Phú được thành lập với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng trong đó TCty Bình Dương góp 60 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ). TCty Bình Dương và Cty Tân Phú đã thực hiện các thủ tục pháp lý để thực hiện dự án theo hợp đồng liên doanh.
Sau khi hoàn tất nghĩa vụ góp vốn, các bên đã tiến hành ký thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất vào ngày 12/12/2016 để công ty liên doanh hoàn tất nghĩa vụ thanh toán tiền sử đất cho TCty Bình Dương với đơn giá 581.000 đồng/m2 cho diện tích 43ha tương ứng giá trị hơn 250 tỷ đồng.
“Không liên quan đến nguồn vốn ngân sách cấp”
Thông báo được đặt trước khu đất 43ha mà Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đem góp vốn.
Đó là khẳng định được nêu rõ trong Công văn 113 của TCty Bình Dương giải trình với Thường trực Tỉnh uỷ về việc chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú.
“Việc chuyển giao khu đất 43ha thông qua hợp đồng chuyển nhượng là phù hợp với chủ trương cho phép Cty hợp tác liên doanh đầu tư, thuộc trách nhiệm của TCty Bình Dương khi thực hiện hợp đồng liên doanh đã ký ngày 1/7/2010, đây cũng là việc kinh doanh khi vay tiền đền bù dự án Khu liên hiệp thuộc quyền tự chủ kinh doanh của TCty Bình Dương khi vay vốn để đền bù Khu liên hợp và đảm bảo việc kinh doanh có hiệu quả, thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả nợ vay và lãi vay đối với phương án kinh doanh vốn vay, không liên quan đến nguồn vốn ngân sách cấp”, Công văn 113 thể hiện.
Cũng theo Công văn 113, ngày 20/4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương có thông báo số 287-TB/TU về việc Thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban định kỳ ngày 17/4/2017. Theo đó đồng ý chủ trương cho TCty Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Cty Tân Phú cho Cty BĐS Âu Lạc, TCty Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất để làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền đúng tiến độ…
Khu đất 43ha hiện đang là bãi đất trống.
Sau khi có chỉ đạo từ Tỉnh uỷ Bình Dương, TCty Bình Dương đã thuê 2 đơn vị thẩm định độc lập để thẩm định giá đất và xác định giá trị doanh nghiệp làm cơ sở đàm phán với đối tác để chuyển nhượng 30% vốn trong công ty liên doanh.
Ngày 2/8/2017, TCty Bình Dương đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cho Cty BĐS Âu Lạc để chuyển nhượng phần vốn góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, với giá chuyển nhượng là 161,1 tỷ đồng (tương ứng đơn giá đất 1,4 triệu đồng/m2) trên cơ sở kết quả thẩm định giá là hơn 158,5 tỷ đồng (tương ứng đơn giá đất 1,38 triệu đồng/m2). Các bên đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán hợp đồng và đã mang lại cho TCty Bình Dương khoản lợi nhuận là 101,1 tỷ đồng.
Trong Công văn 113 cho biết: “Căn cứ theo Mục b, Khoản 3, Điều 38, Chương IV của Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp có quy định: “Nếu chuyển nhượng cho các thành viên khác trong công ty thì thực hiện thỏa thuận giá chuyển nhượng với các thành viên khác. Việc xác định giá thỏa thuận trên cơ sở kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định.
Việc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đem 43 góp vốn đang gặp nhiều lùm xùm.
Theo đó, TCty Bình Dương thực hiện chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Cty Tân Phú cho Cty BĐS Âu Lạc (thành viên góp vốn trong Cty Tân Phú) theo phương thức thỏa thuận giá chuyển nhượng trên cơ sở kết quả thẩm định giá của Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam Bộ là phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
Đối với việc góp vốn liên danh bằng 43ha đất, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Dương khẳng định: “Chủ trương nhất quán xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy cho TCty Bình Dương thực hiện việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp 30% là bằng tiền, không phải là góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 512 thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% góp vốn tại Cty Tân Phú, để kiểm tra làm rõ quá trình góp vốn”.
Lãnh đạo TCty Bình Dương cho biết: “Hiện Tỉnh uỷ đang cho Thanh tra Nhà nước và các ngành vào kiểm tra vụ việc. Dù kết quả thế nào thì TCty cũng chấp hành chủ trương của tỉnh và tuân thủ pháp luật”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên