"Công ty cho gần 70.000 công nhân đi làm lúc này là không được!"
(Dân trí) - "Công ty Pouyuen mà cho gần 70.000 công nhân đi làm thì không thể được, phải giảm xuống! Tinh thần thành phố ủng hộ sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch", Bí thư TPHCM nhấn mạnh.
Chiều 6/4, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đã ban hành bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus corona tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
"Tuần này các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các quận huyện tiếp tục thực hiện việc ký kết với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tiêu chí đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona tại doanh nghiệp. Đây là thước đo rất quan trọng", ông Liêm nói.
Lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết đang triển khai cho các doanh nghiệp ký cam kết trong sản xuất phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, cuối tuần trước đã ký kết tại Công ty Pouyuen. Thời gian tới, quận sẽ rà soát số lượng công nhân tại các doanh nghiệp để cho ký cam kết.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện đẩy mạnh việc cho doanh nghiệp ký cam kết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, ông Nhân cũng lưu ý các quận, huyện phải cử người xuống nhà máy, công xưởng để rà soát xem đảm bảo tiêu chí hay không (đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách...), nếu có nguy cơ cao lây nhiễm thì chưa thể sản xuất.
"Chẳng hạn như Công ty Pouyuen mà cho gần 70.000 công nhân đi làm thì không thể được, phải giảm xuống! Tinh thần thành phố ủng hộ sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch", Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Tại đây, người đứng đầu Đảng bộ TP tiếp tục đề cập đến những biến động phòng, chống dịch tại một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học cho thành phố, trong đó, tiếp tục rà soát trong cộng đồng để loại trừ nguy cơ lây nhiễm.
Bí thư Nhân nhấn mạnh ý nghĩa của công tác phòng dịch dựa trên một số kết quả đạt được. Ông đề nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang, giữa khoảng cách, rửa tay... để phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo ngày 6/4 của Sở Y tế TPHCM, trên địa bàn thành phố có 53 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 34 ca nhập cảnh, 19 ca phát hiện từ cộng đồng. Hiện 22 ca đã xuất viện và 31 ca đang điều trị.
Về trường hợp người được phát hiện dương tính tại Hàn Quốc, Sở Y tế cho biết, trong thời gian ở Việt Nam, bệnh nhân có tiếp xúc với 4 người Hàn Quốc khác, trong đó có 3 người sống tại TPHCM và 1 người sống tại Bình Dương.
Thành phố đã xác minh 3 trường hợp này (sống tại quận 2 và quận 7) và đưa 3 gia đình đi cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét nghiệm những người nhập cảnh từ 8/3 chưa cách ly tập trung.
Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tiếp tục triển khai giám sát hành khách tại sân bay, ga đường sắt Sài Gòn để đo thân nhiệt, kiểm tra triệu chứng bệnh, lập tờ khai y tế, lấy địa chỉ cư trú để gửi các địa phương quản lý. Đồng thời, yêu cầu hành khách tự cách ly 14 ngày, không ra ngoài khi cần thiết với sự giám sát của cơ quan y tế.
Cơ quan y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay để xét nghiệm xác định nhiễm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, nếu dương tính sẽ đưa đi cách ly tập trung.
Đáng chú ý, Sở Y tế cho biết, từ ngày 9/4, khi tiếp nhận test kit nhanh kháng thể cho kết quả trong 15 phút, sẽ cho xét nghiệm toàn bộ hành khách nhập vào TPHCM ở sân bay, nhà ga, bến xe.
Nếu kết quả dương tính sẽ tiến hành cách ly tập trung và xét nghiệm khẳng định lại bằng xét nghiệm kỹ thuật RT-PCR.
Phà Cát Lái chỉ hoạt động vào 2 khung giờ cao điểm
Chiều 6/4, Sở GTVT TPHCM phát đi thông báo về hoạt động bến phà Cát Lái trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 7/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020.
Theo đó, Sở GTVT TPHCM thông tin rõ về các phương tiện không được lưu thông qua phà trong suốt thời gian trên, gồm: Xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe du lịch, xe buýt, taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ). Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất; xe tải có tổng trọng lượng 8 tấn trở lên.
Riêng người và các phương tiện không bị cấm lưu thông, bến phà phục vụ theo 2 khung giờ trong ngày: Buổi sáng từ 5h sáng đến 9h; chiều từ 16h đến 20h.
Thời gian còn lại chỉ phục vụ các phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, xe công vụ, xe cấp cứu, xe phục vụ công tác chống dịch.
Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị chủ quản bến phà Cát Lái) chỉ đạo thực hiện giới hạn số người và phương tiện trên mỗi chuyến phà để đảm bảo khoảng cách giữa người với người phải từ 2m trở lên và không chở quá 50% sức chứa của phà.
Đồng thời, đơn vị Quản lý phà Cát Lái phải bố trí lực lượng yêu cầu toàn bộ hành khách phải sử dụng khẩu trang; kiên quyết từ chối phục vụ nếu hành khách không chấp hành.
Được biết, đây là lần thứ 3 (ngay sau khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành), Sở GTVT ra thông báo về hoạt động ở bến phà Cát Lái (nối quận 2, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó, ngày 1/4, Sở GTVT TPHCM ban hành văn bản hoả tốc số 3948 với nội dung tạm dừng hoạt động bến phà Cát Lái từ 22h ngày 1/4/2020 đến hết ngày 15/4/2020.
Tuy nhiên đến cuối chiều cùng ngày, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm ký văn bản hoả tốc số 3996 thông báo duy trì hoạt động phà Cát Lái (thay cho thông báo số 3948) nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hoá và nhu cầu đi lại của công nhân làm việc tại các cơ sở sản xuất ở Khu Công nghiệp, Khu chế xuất, Khu Công nghệ cao, cụm cảng biển…
Đăng Lê
Quốc Anh