“Công tử” lừa tiền tỷ quên gốc gác nông dân
(Dân trí) - Suốt 9 tháng vung tay ăn chơi tiền tỷ từ khoản lừa đảo được, cậu cử xứ Nghệ chưa một lần nghĩ tới gốc gác nhà nông, gửi tiền giúp gia đình. Thương con ra trường thất nghiệp, bố mẹ bị cáo thậm chí phải gửi thêm tiền lo cho cậu “công tử” phố.
Nguyễn Thế Quang (28 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An) bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội ngày 19/5/2009 về hành vi lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Quang đã dụ ngọt 7 người đồng hương, hoàn cảnh gia đình làm nông cũng khó khăn như gia đình mình, nộp tiền để lo cho con cháu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Australia.
Mới tốt nghiệp ĐH Lao động Xã hội ra trường, không tìm được việc làm, cậu tân cử nhân năng nổ, đã được kết nạp Đảng từ thời sinh viên, tự nhận có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Trở về quê ở Nghệ An, Quang khoe với nhiều người rằng được giữ lại làm cán bộ của Đại học Lao động Xã hội nên có một số "chỉ tiêu" đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc với giá 200 triệu đồng một suất.
Đến gặp người khác, Quang lại giới thiệu đã xin được vào làm tại Bộ Lao động Thương binh Xã hội có "cửa" lo đưa người đi xuất khẩu lao động, chi phí làm việc tại Australia là gần 300 triệu đồng một người.
Từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2007, 7 người nông dân đồng hương mắc bẫy của Quang đã vay mượn, bán đất, cầm cố nhà để lo tiền cho con xuất ngoại. Tổng số tiền bị cáo thu được là 1,7 tỷ đồng. Sự việc vỡ lỡ, Quang bỏ trốn đến cuối năm 2007 mới ra đầu thú.
Đứng trước toà, bị cáo được xác nhận đã trả lại số tiền gần 500 triệu đồng, còn 1,2 tỷ đồng đã tiêu pha hết, không có khả năng hoàn trả. Những bị hại có mặt tại phiên toà thì bức xúc vì việc bị cáo có đền tội, có nhận án thì họ cũng đã mất trắng, mỗi gia đình còn ôm khoản nợ tới vài trăm triệu đồng, không hướng nào trả nổi.
Toà tập trung truy cách thức tẩu tán tài sản của Quang, bị cáo chỉ lý giải đã chi tiêu cá nhân. "Trong 9 tháng kể từ khi nhận tiền của bị hại, làm sao bị cáo có thể tiêu hết 1,2 tỷ đồng?", chủ tọa chất vấn. Quang lúng búng tính toán. Bị cáo khẳng định không chơi cờ bạc, cũng chẳng đầu tư mua bán đất đai, không ra nước ngoài ăn chơi, chỉ tiêu vặt nhưng tính ra mỗi tháng vung tay cũng hết 130 triệu đồng.
Tìm hiểu gia cảnh của Quang, gia đình nhà nông, cố gắng lắm bố mẹ bị cáo mới lo được cho con ăn học đại học. Nhưng suốt những tháng ngày thang lang, tiền vung hàng trăm triệu mỗi tháng, Quang cũng không giúp đỡ gì được cho cuộc sống khó khăn của cha mẹ ở quê. Bố mẹ bị cáo cũng không biết con làm gì, đinh ninh con thất nghiệp, khó khăn, đến chi phí chữa bệnh về mắt, vẫn phải ngửa tay xin gia đình.
Vụ án kết lại với 15 năm tù dành cho bị cáo và một mô-típ không mới, hậu quả lớn nhất vẫn là những người nông dân cùng đường phải gò lưng gánh chịu.
P.Thảo