1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công trình xây vượt tầng giữa phố mà không có căn cứ để phá dỡ

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, nhiều công trình xây dựng vi phạm, cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý. Thứ trưởng Bộ này giải thích, tuỳ từng dạng vi phạm, đối chiếu với giấy phép xây dựng được cấp để có hướng giải quyết…

Tại họp báo quý II của Bộ Xây dựng, nhiều câu hỏi được nêu ra về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại đô thị diễn ra phổ biến. Trong khi đó, các chủ đầu tư chỉ bị xử phạt hành chính, phần sai phạm không bị phá dỡ, cắt bỏ.

Ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng giải thích, Luật Xây dựng 2014 đã ban hành theo tinh thần không hành chính hóa công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Việc quản lý hoạt động xây dựng phải có cơ sở một cách minh bạch. Cơ sở ở đây là quy hoạch chi tiết hoặc cơ chế quản lý.

Tuy nhiên, trước đây, một số địa phương vẫn còn tình trạng chưa phủ kín quy hoạch. Việc cấp phép xây dựng vẫn còn tùy tiện, theo cơ chế xin - cho. Khi chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng thường không có cơ sở đối chiếu để xử lý.

Ông Dung nhấn mạnh, khi phát hiện có sai phạm thì phải cương quyết phá dỡ. Tuy nhiên, nếu như vi phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc chung, quy hoạch xây dựng trước đó thì không phá dỡ.

Ngoài ra, việc phá dỡ còn đảm bảo không gây lãng phí đầu tư xã hội.

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cũng cho biết thời gian vừa qua, Nghị định 64 có hiệu lực giúp tình trạng xây dựng trái phép giảm hẳn. Ngoài ra, cơ chế ngày càng thông thoáng, chúng ta đã miễn giấy phép xây dựng cho 7 nhóm công trình.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng (đứng) chủ trì cuộc họp báo
Thứ trưởng Lê Quang Hùng (đứng) chủ trì cuộc họp báo

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, mỗi năm cả nước ước chừng có 60.000 giấy phép xây dựng khác nhau, có cấp phép nhà ở nhỏ lẻ, cũng có cả các dự án lớn.

Tình trạng vi phạm là có, ở dạng hoặc không phép hoặc sai phép nhưng Thứ trưởng Hùng cho rằng cần phải đánh giá theo quá trình. Theo đó, những năm 2010-2011, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh việc quản lý và cấp phép chưa hoàn thiện dẫn đến có xảy ra cơ chế xin - cho hoặc sai phạm khó xử lý.

Tuy nhiên hiện nay cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, đã có nghị định hướng dẫn cụ thể, việc quản lý xây dựng theo giấy phép đã có các văn bản và đội ngũ thực hiện, việc xử lý cũng có chế tài, phương pháp xử lý.

Nhờ đó, tỷ lệ công trình sai phép đã giảm đi. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra sai phép, không phép, bao gồm cả công trình nhỏ, công trình lớn. Một số vụ việc cụ thể xảy ra trước đây 4-5 năm.

Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh: “Quan điểm xử lý của bộ là sai phép, không phép thì phải đình chỉ thi công. Không giấy phép phải làm các thủ tục để xin phép, có thể cưỡng chế phá dỡ. Sai phép thì đối chiếu giấy phép và quy hoạch để giải quyết”.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần xem lại bản chất việc xây dựng sai phạm. Công trình dù có vi phạm vẫn là tài sản của xã hội. Nếu công trình đang xây tức thời thì nhất quyết phải xử lý. Nhưng trường hợp nhà đã xây xong rồi, ví dụ chỉ được cấp phép xây 4 tầng nhưng thực tế đã xây lên 5 tầng, nếu vẫn phù hợp quy hoạch trong khu vực, nhà nước sẽ thu phần chênh lệch do sai phạm mà có.

Về vấn đề đảm bảo an toàn cháy nổ trong nhà chung cư, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khái quát, những vụ hoả hoạn xảy ra liên tiếp gần đây, cả ở Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều địa phương khác, để lại hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn không chỉ về tài sản mà còn cả tính mạng con người.

Dù phòng cháy chữa cháy là lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan công an nhưng việc phòng cháy thường gắn với các công trình xây dựng nên cần có sự tham gia, thống nhất của cơ quan quản lý về xây dựng.

Thứ trưởng Hùng lưu ý, cần phân biệt 2 giai đoạn: giai đoạn xem xét công trình trước khi nghiệm thu đã đảm bảo yêu cầu PCCC chưa và giai đoạn sử dụng thì công trình có đảm bảo công năng không, hoạt động sửa chữa, duy tu có đảm bảo quy định không để kiểm soát các hoạt động như hàn xì gây hoả hoạn trong quá trình công trình đang được sử dụng.

Về vấn đề một số chung cư tại Hà Nội được đưa vào sử dụng nhưng chưa đảm bảo an toàn PCCC, Thứ trưởng Xây dựng phân trần, với công trình hoàn thành trước 2014 (khi luật Xây dựng 2014 chưa có hiệu lực thi hành), việc nghiệm thu công trình do chủ đầu tư thực hiện, thiếu chế tài ràng buộc là cơ quan quản lý nhà nước xem xét chấp thuận đủ điều kiện mới được đưa vào sử dụng.

Chỉ từ 2015 quy định mới thực sự rõ ràng, chung cư khi đưa vào sử dụng phải có cơ quan quản lý nhà nước xem xét chấp nhận nghiệm thu, trong đó có nghiệm thu hệ thống PCCC.

“Tôi tin với quy định này, đảm bảo các công trình mới sẽ phải tuân thủ quy định, đảm bảo điều kiện vận hành mới có thể được đưa vào sử dụng” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.

P.Thảo