Hà Nội:
Công trình xây dựng phải có giấy chứng nhận chất lượng
(Dân trí) - Kể từ nay, các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội trước khi đưa vào sử dụng sẽ phải có giấy chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình. Chứng nhận này nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng công trình và cộng đồng xã hội.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội áp dụng quy định này. Thực hiện kiểm tra chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình (CLCT) xây dựng sẽ giúp việc quản lý chất lượng các công trình, đặc biệt là công trình nhà chung cư di dân giải phóng mặt bằng, chặt chẽ hơn.
Theo ông Ðào Anh Tuấn - trưởng phòng kỹ thuật giám định chất lượng (Sở Xây dựng): Việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát sẽ giảm thiểu các sai sót, sự cố, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của các chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn.
Đối tượng áp dụng quy định này gồm các chung cư cao tầng, các công trình công cộng như nhà hát, rạp chiếu bóng, bệnh viện, trường học...
Tổ chức, cá nhân nào được chứng nhận chất lượng?
Để được tham gia kiểm tra, chứng nhận chất lượng, các tổ chức phải có đủ điều kiện, năng lực hoạt động tư vấn xây dựng theo quy định của pháp luật phù hợp với loại, cấp công trình và nội dung chứng nhận chất lượng.
Về kinh nghiệm, tối thiểu đã từng tham gia một trong các hoạt động tư vấn xây dựng sau: quản lý dự án, thiết kế xây dựng, giám sát thi công xây dựng và kiểm định CLCT xây dựng có quy mô, giá trị, tính chất tương tự trong thời gian liên tục 5 năm gần nhất và không có vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Các cá nhân trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận chất lượng phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoặc giám sát thi công xây dựng phù hợp; không vi phạm trong hoạt động xây dựng trong 3 năm gần nhất.
Cán bộ đảm nhận cương vị chủ trì công việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng phải có hơn 10 năm công tác trên lĩnh vực chuyên môn phù hợp...
“Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn là cơ quan số 1 và cuối cùng phải chịu trách nhiệm về CLCT. Công việc kiểm tra chỉ mang tính xác suất. Chủ đầu tư và các bên liên quan không thể đổ thừa trách nhiệm cho tổ chức kiểm tra, chứng nhận chất lượng khi công trình xảy ra sự cố. Ngược lại, nếu các tổ chức chứng nhận chất lượng vi phạm các quy định của pháp luật sẽ bị đình chỉ hoạt động. Nếu cố tình chứng nhận không đúng với CLCT có thể bị xử lý theo pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Người dân được quyền gì?
Từ nay, người dân khi đến nhận bàn giao căn hộ chung cư có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải cấp giấy chứng nhận sự phù hợp về CLCT trước khi đưa vào sử dụng. Giấy chứng nhận này khẳng định chủ đầu tư và các thành phần tham gia vào dự án đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về xây dựng. Khi xảy ra sự cố, người dân có thể khiếu nại trực tiếp tới chủ đầu tư.
Theo ông Đỗ Xuân Anh - Giám đốc Sở Xây dựng - kiểm tra chứng nhận sự phù hợp về CLCT là công việc mới, chưa có tiền lệ, việc triển khai thực hiện chưa có sự thống nhất. Nhưng chắc chắn, kiểm tra càng nhiều, chất lượng các công trình sẽ ngày càng được nâng cao. Chủ đầu tư và nhà thầu không còn dám làm bừa, làm ẩu.
Riêng với các công trình nhà chung cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng, quy định này sẽ tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng những căn hộ có chất lượng xây dựng tốt hơn và khâu quản lý, vận hành, khai thác chung cý chuyên nghiệp, bài bản hõn.
Lương Hùng