1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công trình trăm tỷ bị bão “xé nát”: Chịu được bão cấp 12 (!?)

(Dân trí) - Dù không nằm trong vùng tâm bão số 8 nhưng công trình đường đê nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La (thuộc Khu Kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) có tổng vốn đầu tư lên đến 120 tỷ đồng vẫn bị "tàn phá" tan tành.

Công trình trăm tỷ bị bão “xé nát”: Chịu được bão cấp 12 (!?)
Tuyến đê với nhiều khối bê tông tản sóng, mỗi khối nặng 16 - 25 tấn bị sóng xé nát, cuốn phăng xuống biển.
 
Như Dân trí đã thông tin, công trình đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La thuộc gói thầu số 2 Dự án đường nối Khu Kinh tế Hòn La với Khu Công nghiệp xi măng Văn Tiến - Châu Hoá, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), có tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, vừa được đơn vị thi công hợp long giữa tháng 8/2012, do ảnh hưởng của cơn bão số 8 đã bị tàn phá tan tành. Cả một con đê có tổng chiều dài 330 mét, thân đắp bằng đá, được chắn bằng nhiều khối bê tông tản sóng, mỗi khối nặng 16 và 25 tấn, bị sóng biển "xé nát", cuốn phăng xuống biển.

Hiện trường còn lại của một con đê được thiết kế có khả năng chịu đựng được sức tấn công của bão giật cấp 12 thật thảm hại. Những khối bê tông nặng hàng chục tấn, những rọ đá ngăn sóng bị sóng lớn cuốn phăng ra biển, đánh dạt lên triền núi, khu vực con đê được xây dựng gần như trở lại với nguyên trạng ban đầu.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư là Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã cùng đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, đơn vị tư vấn thiết kế Công ty CP Tư vấn Hàng Hải, đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CPTV Giao thông 2 (cùng thuộc Bộ BGTVT) nhà thầu bảo hiểm PIJICO đã phối hợp khám nghiệm hiện trường con đê. Những con số chính thức đã được chủ đầu tư đưa ra: công trình đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng theo thiết kế, con số thiệt hại ước tính theo khoản tiền chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu lên đến 50 tỷ đồng.

Việc một công trình được thiết kế có khả năng chịu đựng sức tấn công của bão giật cấp 12 nhưng đã bị rìa sóng của một cơn bão "xé nát" khiến dư luận không khỏi nghi ngại về thiết kế cũng như chất lượng công trình. Ngay tại hiện trường, chiều qua 30/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đặt câu hỏi với chủ đầu tư, nhà thầu: “Cơn bão vừa rồi cũng chưa phải là mạnh, nó chỉ chạy song song bờ biển chứ chưa phải đổ trực tiếp vào đây. Đây chỉ mới là sóng xung kích thôi, mới “thăm hỏi” thôi, mà đê đã như thế rồi, nếu mà nó đổ trực tiếp vào thì mới biết được khả năng của nó (đê - PV) thế nào. Có gì chủ quan không?”.
 
Cận cảnh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thị sát tuyến đê nối Cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ do PV Dân trí ghi lại chiều ngày 30/10

Thiếu phương án đối phó mưa bão khi thi công?

Trong buổi làm việc nhanh với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát, nhà thầu bảo hiểm ngay tại Khu công nghiệp Hòn La ít phút sau chuyến thị sát, ông Lương Ngọc Bính yêu cầu các bên liên quan báo cáo nguyên nhân bước đầu, biện pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Hữu Hòa - Phó giám đốc Công ty Tư vấn Hàng hải (Hà Nội), đơn vị thiết kế công trình - cung cấp giải pháp thiết kế. Cụ thể, phía trong đê có một lõi đê bằng đá hộc và rọ đá. Mép ngoài phía biển được phủ 2 lớp đá khối nặng 1,5 tấn, tạo thành một lớp cứng bên ngoài. Tiếp đó phía trên phủ khối hero 16 tấn (gần bờ) và 25 tấn (ở giữa đê). Mép trong cảng cũng phủ 2 lớp đá khối nặng 1 tấn, phía trên đè khối hero 2 tấn. Trên mặt đê, khi thi công đến cao độ +3,5m được phủ một lớp bê tông 1m để vừa chống xói, vừa làm đường giao thông có chiều rộng mặt đường 9m. Đáy đê chỗ rộng nhất khoảng 60m, còn phần mặt đê tính cả đường giao thông đi lại, hành làng hai bên là 15m.
Ông Nguyễn Hữu Hòa
Ông Nguyễn Hữu Hòa
 
Ông Hòa đưa ra yếu tố công trình thi công chưa hoàn chỉnh nên khả năng chịu lực còn yếu, không chống đỡ được sóng lớn đập vào. Cụ thể, về cơ bản đê mới hoàn thành được lõi đê, tổng thể đê mới thi công đến cao độ +2,5, tức là thấp hơn mặt đường theo thiết kế là 2,5m và thấp hơn mặt đê là 4,5m; đê cũng mới được phủ 544 khối/2.200 khối cần phải phủ của khối 16 tấn; còn khối đá 1,5 tấn thì mới thi công được 50%.    

Theo ông Hòa, dù thi công đạt khối lượng theo theo thiết kế, tuy nhiên, nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh đã chậm trong việc triển khai biện pháp đối phó với bão. “Biện pháp triển khai chống bão của đơn vị thi công chủ yếu là giữ đè một số khối ở bên trên thôi chứ chưa phủ đè hết tất cả. Như thế khi sóng giật, đâm qua mặt đê + 2,5m có khả năng phía trong chưa kịp bảo vệ được đã sạt lở, chỉ còn lại lõi mà thôi” - ông Hòa nói.

Ông Võ Minh Hoài, Tổng GĐ Cty CP tập đoàn Trường Thịnh nói rằng, đơn vị thi công đã rất nỗ lực, thi công đúng với thiết kế, tiến độ mà chủ đầu tư đặt ra, việc đê bị vỡ là do ảnh hưởng trực tiếp của bão. Thậm chí theo ông Hoài, nếu không có ảnh hưởng của cơn bão số 8 thì đơn vị thi công sẽ hoàn thành công trình vượt 4 tháng so với kế hoạch mà dự án đã được phê duyệt.
Ông Võ Minh Hoài (người đứng) trình bày biện pháp thi công của nhà thầu
Ông Võ Minh Hoài (người đứng) trình bày biện pháp thi công của nhà thầu
 
Đơn vị tư vấn, đơn vị thi công khẳng định đã làm đúng những gì mà chủ đầu tư đã đặt ra, tuy nhiên, trong chuyến đi cùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thị sát hiện trường tuyến đê cảng Hòn La nối đảo Hòn Cỏ, một số ý kiến khẳng định, tất cả đánh giá lúc này mới chỉ là những ý kiến chủ quan ban đầu. Để có kết luận chính xác nguyên nhân khiến tuyến đê bị "xé nát", các cơ quan chuyên môn của trung ương cần phải khẩn trương vào cuộc.

Tại hiện trường hiện tồn tại những hình ảnh rất đáng lưu tâm: Dù mới bị nhấn chìm xuống nước, nhiều khối bê tông của công trình đã bị nước biển ăn mòn, bị vỡ cạnh. Rất nhiều khối bê tông đúc chỉ thấy toàn đá, thiếu chất kết dính; còn những rọ đá được thi công rất đơn giản, khó có thể chịu nổi sóng to gió lớn.

Hà Quảng