Phú Yên:

Công trình thủy lợi gần 280 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng sau 1,5 năm sử dụng

(Dân trí) - Hồ chứa nước Suối Vực (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) được xây dựng với tổng kinh phí 278 tỷ đồng, mới khánh thành và đưa vào sử dụng vào 9/2015, nhưng đến nay một số hạng mục chính của công trình đã có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng.

Phú Yên: Công trình thủy lợi gần 280 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng sau 1,5 năm sử dụng

Xuống cấp nghiêm trọng

Theo ghi nhận của PV Dân trí, các hạng mục quan trọng đã có hiện tượng xuống cấp như: Đầu đập chính bị sụt lún nội bộ; Tràn xả lũ có 3 cửa, mỗi cửa rộng 8 mét với lưu lượng xả lớn nhất 846 m3/giây đều bị rò rỉ nước, ước lượng thất thoát mỗi ngày đêm hàng trăm m3 nước.

Các hạng mục quan trọng khác như: dốc nước dài 70 mét, rộng 24 mét; tường bên, trụ bin... cũng có hiện tượng xuống cấp, nước rò rỉ.

Hồ Suối Vực được đầu tư 278 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng sau 1,5 sử dụng.
Hồ Suối Vực được đầu tư 278 tỷ đồng xuống cấp nghiêm trọng sau 1,5 sử dụng.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó trưởng trạm hồ chứa nước Suối Vực nói: Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các ngành chức năng đã xử lý 2 lần nhưng việc thấm nước qua tràn chưa dừng lại, thấm vẫn hoàn thấm. Ngoài ra, còn xuất hiện những vệt thấm mặt tràn của dốc nước, tường bên, chân trụ bin và tường trụ bin.

Cũng theo ông Việt, nếu những vị trí thấm này không xử lý triệt để, thì công trình này sẽ không đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão sắp đến. Đồng thời, nước thông qua vết nứt xâm thực kết cấu bê tông bên trong dẫn đến giảm tuổi thọ công trình.

Công trình này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư và khánh thành vào ngày 18/9/2015. Đến đầu năm 2016, thì bàn giao lại cho Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam quản lý, khai thác.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam, cho biết: Tình hình xuống cấp của Hồ Suối Vực công ty có nắm, nhưng hiện nay hồ đang phục vụ tưới cho cây trồng nên muốn sửa chữa phải đến giữa tháng 9 sắp tới, khi đó hồ được xả nước sẽ tiến hành khắc phục những sự cố nêu trên.

Nước chảy xối xả qua tràn xả lũ.
Nước chảy xối xả qua tràn xả lũ.

Bên cạnh đó, sau khi đưa công trình vào khai thác hồ chứa nước Suối Vực cũng đã bộc lộ một số bất cập như chưa trang bị hệ thống máy phát điện dự phòng, nhà quản lý xa công trình và trên đập có 2 đường dân sinh nên công tác quản lý hồ có những khó khăn…”.

Được biết, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc hồi tháng 3/2017, ba thanh niên say rượu đột nhập đập phá khóa nhà vận hành, phá tủ điện, bật cầu dao điện, mở van xả lũ tại hồ chứa nước Suối Vực, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng.

Theo ông Huệ, để giải quyết những bất cập này, trước mắt công ty đã rào lưới quanh hệ thống vận hành đập và chuẩn bị đầu tư xây nhà quản lý gần tháp vận hành.....

Chưa phát huy được hết hiệu quả

Theo hồ sơ dự án, Hồ chứa nước Suối Vực được xây dựng trên khu đất rộng 266 hecta với những hạng mục chính như: hồ chứa có dung tích hơn 10,5 triệu m3 nước; đập chính dài 574 mét; tường chắn sóng; tràn xả lũ, cống lấy nước hệ thống kênh chính dài gần 12,4 km.... với tổng đầu tư là 278 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính Phủ và ngân sách địa phương.

Hiện thống vận hành chưa có hệ thống máy phát điện dự phòng
Hiện thống vận hành chưa có hệ thống máy phát điện dự phòng

Hồ được thiết kế tưới cho khoảng 700 hecta lúa và 90 hecta mía, nhưng vì nguồn vốn chỉ mới đầu tư hệ thống kênh chính, còn hệ thống kênh nhánh chưa đầu tư. Nên đến nay, sau gần hai năm hoạt động hồ chỉ mới tưới cho khoảng 40 hecta (6% công năng) cây trồng, chủ yếu là cây mía.

Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam: “Vì chưa có vốn nên chúng tôi chưa đầu tư được hệ thống kênh nhánh được, dẫn đến hồ chưa thể phát huy hết công năng. Vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Sơn Hòa và Công ty phối hợp với Công ty KCP để kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh.

Hồ mới chỉ đầu tư được hệ thống kênh chính nên việc tưới tiêu chỉ đạt 6% công năng.
Hồ mới chỉ đầu tư được hệ thống kênh chính nên việc tưới tiêu chỉ đạt 6% công năng.

Bước đầu tiên, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở NN và PTNT xin thay đổi nhiệm vụ tưới 700 ha lúa chuyển sang 700 hecta mía. Hiện giờ Sở NN và PTNT đã trình lên Bộ NN-PTNT xin thay đổi nhiệm vụ tưới này. Đồng thời công ty cũng dự kiến thực hiện xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh, kênh mương nội đồng với kinh phí từ 40 – 70 tỷ đồng.…” ông Huệ cho biết.

Trung Thi