1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công trình cầu lớn nhất Đà Nẵng gặp sự cố

Cầu Thuận Phước là một trong những công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng. Đây là cây cầu lớn nhất TP bắc qua hạ lưu sông Hàn nối với bán đảo Sơn Trà. Cây cầu này không những không hoàn thành theo tiến độ đề ra mà giờ đây nó lại "bất ngờ" xuất hiện nhiều sự cố.

Được khởi công xây dựng từ ngày 17/1/2003, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2005.  Đây là công trình được nêu đi nêu lại nhiều lần trong các cuộc họp của TP vì tiến độ chậm và nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thi công... Đến đầu năm 2006, cây cầu vẫn chưa được hoàn thành và "bất ngờ" xuất hiện sự cố...

Cây cầu được thi công theo kết cấu dây văng có chiều dài 1.856m (dài hơn cầu Mỹ Thuận), rộng 18m cho 4 làn xe lưu thông, tải trọng 13 tấn với tổng kinh phí xây dựng hơn 587 tỉ đồng.

Đây là cây cầu hiện đại mang tính nghệ thuật cao, được coi là một cầu treo có khẩu độ lớn nhất nước ta cho đến nay. Công trình này do Công ty cơ khí xây dựng công trình 623 (Meco 623) cùng liên danh nhà thầu tư vấn Trung Quốc -Canada - Tedi (VN) thực hiện.

Theo báo cáo của tư vấn giám sát hiện trường xây dựng cầu chính Thuận Phước đề ngày 29/12/2005 thì đốt 1 thân trụ tháp TH14 được thi công vào ngày 21/11, bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 23 giờ. Sau 3 ngày, khi bê tông đã đạt 70 đến 80% cường độ thiết kế, nhà thầu tiếp tục lắp dụng cụ để thi công đốt 1 đợt 2 vào ngày 11/12/2005.

10 ngày sau, nhà thầu tháo đốt ván khuôn phía dưới để thi công đốt 2 thân trụ. Ngày 21/12, khi tháo ván khuôn phần bê tông đốt 1 đợt 1, do bề mặt bê tông bị bẩn nên không thấy vết nứt, nhưng ngày 27/12/2005, sau khi làm vệ sinh bề mặt đã phát hiện ra một hệ thống đường nứt ngang theo chu vi thân trụ nhánh hạ lưu tương đối liên tục cách dưới mối nối thi công giữa hai đợt khoảng 20 - 30 cm.

Tư vấn giám sát cùng nhà thầu mời các bên liên quan cùng kiểm tra, cho tiến hành đục 2 lỗ trên thân trụ tại vị trí đường nứt, quan sát bước đầu cho thấy chiều sâu vết nứt từ 5 - 7 cm.

Trước tình hình bất thường này, tư vấn giám sát đã có báo cáo gửi các bên liên quan và nhận định bước đầu rằng: nguyên nhân là do có những va chạm từ bên ngoài vào khối bê tông đang trong quá trình ninh kết...  và đề nghị dán thạch cao vào vị trí các vết nứt để theo dõi độ mở rộng của vết nứt; cần có ngay biện pháp kiểm tra chính xác độ sâu của vết nứt đồng thời nén mẫu để kiểm tra cường độ bê tông.

Ngày 6/1, ông Đỗ Nguyên Hưng, đại diện Công ty Sika Limited chi nhánh Đà Nẵng đã gửi đến Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn giám sát phương án xử lý hệ thống vết nứt nói trên. Theo đó, nguyên nhân là do hệ quả xử lý mạch ngừng không hợp lý trong quá trình thi công.

Một nguyên nhân khác có thể xem xét là do độ co ngót vượt mức cho phép của bê tông. Sika đề nghị xử lý khi "vết nứt đã ngừng phát triển" bằng cách đục vết nứt và xử lý bằng vật liệu sửa chữa theo các bước: đục dọc theo vết nứt tiết diện chữ V đến hết chiều sâu vết nứt (khoảng 5 x 5 cm). Loại bỏ bê tông để làm sạch bề mặt, sau đó thi công tiếp lớp epoxy cường độ cao không co ngót Sikaduk 731 bằng phương pháp trát...

Phó trưởng tư vấn giám sát hiện trường Nguyễn Đức Hùng trong công văn đề ngày 6/1/2006 đã đồng ý với cách xử lý này nhưng "chua" thêm: Ngoài ra, các khuyết tật khác tại một số mối nối thi công, các lỗi do dầm bê tông, rỉ nước xi măng ván khuôn ở các vị trí khác cần được đục ra và trát lại...

Sau khi đọc những văn bản này, một số nhà chuyên môn cho rằng quyết định cách xử lý như vậy là hơi vội vàng và rất có thể không triệt để, dễ gây ảnh hưởng về sau. Theo họ, hiện thời chưa thể nói là vết nứt đã ngừng phát triển và nguyên nhân của nó cần được làm rõ hơn bằng một đơn vị kiểm định khác.

Những người này nhắc lại thông tin trên các báo đã đưa rằng, chỉ trong đêm 2/6/2005, Đội chống trộm đêm của TP đã bắt được 3 đối tượng lấy từ công trình 86 cây thép xây dựng và 1 lõi đồng bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Các đối tượng này còn khai nhận đã 3 lần cấu kết với bảo vệ công trình để lấy đi một lượng lớn thép xây dựng.

Tại thời điểm đó, bản thân các cán bộ, chiến sĩ công an cũng rất lấy làm ngạc nhiên và dư luận cũng đã đặt câu hỏi vì sao công trình bị "rút ruột" một khối lượng lớn thép như vậy mà chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn không hay biết ? Như vậy, nguyên nhân gây ra vết nứt cần phải được làm rõ hơn không phải chỉ bề ngoài mà trong "ruột" của nó.

Ý kiến mà chúng tôi trích dẫn là của các nhà chuyên môn, cách xử lý như thế nào cũng thuộc về chuyên môn. Tuy nhiên, việc thận trọng để tìm ra nguyên nhân đích thực của sự cố (không thể coi thường) nói trên là rất cần thiết để tránh hậu họa về sau.

Cần nói thêm, cầu Thuận Phước nằm ở một vị trí chịu nhiều tác động của thiên nhiên. Ngay khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã đặt chân lên phần cầu đã thi công và bất kỳ ai cũng cảm nhận được là cây cầu đang... đung đưa. (Tại trụ cầu bị nứt đã được bôi trám lại nên không thể thấy được dấu vết khi chụp ảnh).

Vì thế, tất cả các sự cố cần được xử lý rốt ráo tận gốc ngay từ đầu, tránh những trường hợp đáng tiếc sau này.

Theo Nguyễn Thế Thịnh
Báo Thanh niên