1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công nghệ “úp” khẩu trang hoạt tính rởm

(Dân trí) - Bỏ ra một chút vốn mua khẩu trang hoạt tính rởm với lõi… bông vụn, những kẻ lừa đảo dùng chiêu “dương đông, kích tây”, đánh vào lòng tham của người buôn bán để mỗi ngày lừa bán và tung ra thị trường hàng nghìn chiếc khẩu trang kém chất lượng.

Mánh “úp” của dân lừa đảo chuyên nghiệp
 
“Úp” là một từ lóng được người dân huyện Thanh Miện (Hải Dương) quen dùng chỉ việc lừa đảo một cách bài bản, thuần thục đến mức chuyên nghiệp của một số kẻ lừa đảo nơi đây. Chúng “kinh doanh” đủ loại hàng hoá, từ mũ bảo hiểm, bánh kẹo cho đến nước mắm… Mặt hàng mới đây nhất mà chúng “kinh doanh” là khẩu trang hoạt tính, ăn theo “mùa cúm A/H1N1”.
 
Công nghệ “úp” khẩu trang hoạt tính rởm - 1
Những chiếc khẩu trang nhái nhãn hiệu khẩu trang hoạt tính Lucky.

Phương thức lừa đảo của những kẻ hành nghề “úp” khẩu trang hoạt tính rất đơn giản. Chúng giả danh là nhân viên y tế hay dân buôn đem một lượng khẩu trang nhỏ đến các cửa hàng, hiệu thuốc, quầy tạp hoá… chào hàng với giá thấp và hướng dẫn người dân các chiêu quảng cáo sản phẩm để bán với giá cao. Sau đó, cho số điện thoại để “con mồi” có thể gọi đến khi có nhu cầu lấy thêm hàng.

Một vài hôm sau, chúng sẽ cử một đồng bọn đến cửa hàng đó đặt mua hàng với số lượng lớn, lên đến cả nghìn chiếc và đặt lại một khoản tiền rất nhỏ, hẹn có hàng sẽ đến lấy. Chủ cửa hàng sau đó sẽ gọi điện cho “đầu mối” và chi một khoản tiền không nhỏ để nhập thêm hàng. Và thế là một khoản tiền lớn rơi vào tay bọn lừa đảo, người đặt hàng tất nhiên sau đó sẽ mất dạng, còn các chủ cửa hàng thì chỉ còn biết kêu trời. Để lấy lại được vốn, họ đành tiếp tục tìm mọi cách tung số khẩu trang kém chất lượng ra thị trường với giá cao.

Từ đó, lượng hàng kém chất lượng này tiếp tục lưu hành trên thị trường, “đánh lừa” những người tiêu dùng không phân biệt được khẩu trang hoạt tính thật, giả.

Cảnh báo về những chiếc khẩu trang “chất lượng cao”

Chúng tôi tiếp cận được với một chủ cung cấp khẩu trang tên P. ở Thanh Miện. Ông này cho biết, hàng của ông được nhập về từ các nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… Nói chuyện rất cởi mở, ông P. quảng cáo: khẩu trang này không chỉ lọc sạch bụi bẩn không khí, các loại khí độc, mùi hoá chất, mà còn chống được cả… con virus cúm A/H1N1.
 
Công nghệ “úp” khẩu trang hoạt tính rởm - 2
Poster quảng cáo và một số loại khẩu trang “chất lượng cao” bị làm nhái.

Theo ông P. thì nhà ông kinh doanh 2 loại khẩu trang hoạt tính có giá là 8.500đ và 12.000đ/chiếc. Đề cập tới vấn đề mua bán, ông P. nói vừa mới hết hàng đêm qua, phải chiều mới có, muốn lấy ngay thì đến một “đại lý cấp 1” của ông. Có mặt tại nhà chị Q, đại lý cấp 1 của ông P., chúng tôi chứng kiến trong kho của chị có hàng ngàn chiếc khẩu trang xếp thành đống bên cạnh các hộp kẹo.

Ông Nguyễn Cao Thành, Giám đốc Công ty TNHH Vinamask (số 9, Đại Đồng, Hoàng Mai, Hà Nội), chủ sở hữu nhãn hàng Lucky cho biết: “Thời gian gần đây, có một số sản phẩm khẩu trang nhái thương hiệu Lucky của doanh nghiệp này và tung ra thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp”.

 

Theo ông Thành, để phân biệt khẩu trang Lucky thật và giả khá đơn giản. Sản phẩm thật, trên vỏ hộp có ghi rõ thương hiệu, nơi sản xuất… Sản phẩm “xịn” khi sờ có cảm giác mềm, không bùng vải, đường may đều, có tem bảo hiểm…

Các loại khẩu trang ở đây được đóng hộp khá bắt mắt với các nhãn mác như Gucci, Lucky, TC Life… Bên ngoài vỏ mỗi chiếc khẩu trang đều có in giá bán, loại 8.500đ in giá 25.000/chiếc, loại 12.000 được in giá 30.000đ/chiếc. Như vậy, kinh doanh những chiếc khẩu trang “chất lượng cao” này sẽ đem lại một món hời lớn cho những người đi buôn. Song chị Q. cũng không giấu diếm rằng hầu hết những người lấy hàng ở đây đều đem đi... “úp” chứ chẳng mấy người mua để dùng hay đem buôn bán.

Trên các vỏ hộp đều in các lời quảng cáo về tác dụng của những chiếc khẩu trang này như: “Lọc sạch bụi bẩn không khí, ngăn ngừa các loại vi khuẩn, các loại khí độc, mùi hoá chất, bụi khói thuốc lá, mùi xăng dầu, khí thải ô tô xe máy…”, thậm chí có cả dấu chứng nhận đã “Kiểm nghiệm tại Viện Pasteur và Tổng Cục Đo lường chất lượng Việt Nam (?)”. Song với giá nhập thấp như trên, liệu chất lượng của những chiếc khẩu trang “hoạt tính” này có thực sự tốt như lời quảng cáo?

Thoạt nhìn, những chiếc khẩu trang này không khác gì khẩu trang có chứa than hoạt tính “xịn”. Song xem xét kỹ sẽ thấy sự khác biệt. Lớp vải bên ngoài là vải thô chứ không mềm như khẩu trang hoạt tính “xịn”. Xé chiếc khẩu trang ra, lớp giữa không phải là sợi hoạt tính mà chỉ là lớp vải thường hoặc bông vụn.

Theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện có nhiều người dân đổ xô đi mua các loại khẩu trang hoạt tính để phòng cúm là không có cơ sở khoa học. Vì loại khẩu trang hoạt tính đang bán trên thị trường chỉ có tác dụng phòng khói, bụi, chưa được kiểm chứng phòng được cúm A/H1N1.
 
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng, Khoa Vật Lý, Đại học Khoa học tự nhiên (Hà Nội) cũng cho rằng, khẩu trang hoạt tính khó có tác dụng bảo vệ trước virus cúm. Vì virus vốn sống trong các giọt nước từ miệng bắn ra khi nói chuyện, ho. Trong khi đó, bản thân than hoạt tính lại không giữ được nước, ngay cả trong trường hợp giữ được thì nó cũng nhanh chóng bị bão hoà, hết tác dụng. Đây chính là lý do khiến khẩu trang hoạt tính có tác dụng bảo vệ rất hạn chế, virus dễ dàng chui xuyên qua lớp than này vào mặt trong của khẩu trang vào có thể gây bệnh.
 
Hồng Hải

  
Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm