Sai phạm tại Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam:
Công nghệ mới nhất là hàng “made in China”
Cơ quan điều tra Bộ công an vừa phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng ở Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Riêng dự án “Hệ thống tự động quản lý không lưu”, phát hiện thấy nhiều thiết bị thuộc loại “công nghệ mới nhất” đã bị thay thế bằng hàng Trung Quốc. Sơ bộ, phi vụ “hàng Tàu” này gây thiệt hại khoảng trên 22 tỷ đồng!
Công nghệ Hoa Kỳ chuyển sang “made in China”
Gói thầu “Hệ thống tự động quản lý không lưu” thuộc dự án đầu tư xây dựng mới “Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài tiếp cận TPHCM” do Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (VATM), thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, làm chủ đầu tư. Tổng số vốn được duyệt của dự án lên đến gần 400 tỷ đồng, gồm 27 gói thầu.
“Hệ thống tự động quản lý không lưu” là gói thầu quan trọng nhất, có giá trị đầu tư gần 10 triệu USD. Đơn vị trúng thầu cung cấp thiết bị là Công ty Thales (Úc). Do đây là dự án đòi hỏi độ chính xác rất cao với nhiều công đoạn tự động hóa nên vấn đề xuất xứ thiết bị luôn được đặt lên hàng đầu, như một yêu cầu tất yếu.
Ngày 10/6/2003, VATM tổ chức ký hợp đồng với Thales, trong đó ghi rõ: “Toàn bộ thiết bị thuộc thế hệ công nghệ mới nhất, vật liệu có chất lượng cao nhất, mới 100%, được sản xuất, lắp ráp, xuất xưởng từ năm 2003 - 2004 tại các nước Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản”. Phần cứng máy tính cũng được quy định với công nghệ xuất xứ tương tự.
Tuy nhiên, ngày 17/3/2004, sau chuyến sang Úc đàm phán thiết bị hệ thống, Trưởng ban Dự án Nguyễn Đình Vọng có tờ trình đề nghị VATM và Cục Hàng không dân dụng cho thay đổi 79 máy tính IBM Pserier 615 bằng 84 máy tính AMD-OPT-04 do hãng Nijker (Pháp) sản xuất. Lý do được đưa ra là “Phần mềm của Thales không chạy được trên máy tính IBM của Mỹ”.
Ban quản lý cũng đề xuất thay toàn bộ màn hình loại 17 inch LCD của hãng Barco (Mỹ) bằng loại màn hình 20 inch LCD do hãng Sharp (Nhật) sản xuất. Quan trọng hơn, nhiều thiết bị khác “sản xuất tại Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ” được xin thay bằng các thiết bị “made in China” và các nước châu Á.
Sau khi nhận được tờ trình, Tổng Giám đốc VATM đã đồng ý cho thay đổi. Tuy nhiên, điều cốt yếu là giá trị hợp đồng thì vẫn được giữ nguyên!
Trên thực tế, Cơ quan điều tra xác định ngay cả các máy tính của hãng Nijker, linh kiện cũng được mua từ Trung Quốc, Đài Loan, lắp ráp tại Pháp chứ không phải được sản xuất tại Pháp. Điều này không đáp ứng được yêu cầu về mặt pháp lý như hợp đồng đã ký.
Tương tự, việc đổi màn hình 20 inch LCD do hãng Sharp (Nhật) thay thế cho thiết bị của hãng Barco (Mỹ), thực chất chỉ là ngụy tạo. Cả hai “màn hình Barco LCD 17 inch” của Barco và “màn hình Sharp sản xuất tại Nhật Bản” mà VATM và Thales đưa vào hệ thống thiết bị đều là đồ giả bởi cả hai mã số của các loại màn hình trên đều là mã hiệu của hãng BENQ (Trung Quốc).
Thậm chí, ngay cả khi thiết bị của Sharp là chính hãng thì màn hình này cũng không thể thay thế vì Barco có tính năng tự điều chỉnh ánh sáng phù hợp với từng vị trí khai thác, còn màn hình Sharp thì không có tính năng tự động điều chỉnh độ sáng. Chính vì vậy giá bán trên thị trường của hai loại màn hình này chênh lệch rất lớn.
Thiệt hại 1,4 triệu USD, ai chịu trách nhiệm?
IBM đã cung cấp cho cơ quan chức năng Việt Nam bảng đối chiếu giá. Theo đó, giá 1 máy tính IBM Pserier 615 tại Việt Nam năm 2004 là 11.600 USD. Trong khi đó, Hãng Nijker tại Pháp thông báo giá 1 máy AMD-OPT-04 năm 2004 là 1.500 euro (tương đương 1.800 USD). Như vậy, chỉ riêng hạng mục máy tính sai chủng loại đã gây thiệt hại hơn 820.00 USD vì VATM cho thay đổi thiết bị mà không điều chỉnh giá.
Giá bán trên mạng Internet đối với màn hình Barco TCD 251 loại 20 inch là 17.000 USD/chiếc; loại 17 inch có giá theo hợp đồng là 1.340 USD/chiếc. Trong khi đó, giá màn hình Sharp bán cho Thales năm 2004 chỉ có giá là 809 USD. Số tiền chênh lệch giữa hai loại màn hình trên lên đến gần 630.000 USD. Nghĩa là chỉ tính riêng việc thay đổi màn hình, máy tính, VATM đã gây thiệt hại cho Nhà nước 1,450 triệu USD (tương đương trên 22 tỷ đồng).
Theo một nguồn tin, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm về nguồn gốc thiết bị liên quan ở nước ngoài; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh. Một đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ GT-VT, Bộ Công an và một số cơ quan có chuyên gia giỏi cũng đang được thành lập nhằm đánh giá lại toàn bộ “Hệ thống tự động quản lý không lưu” nhằm bảo đảm cho hệ thống hoạt động tuyệt đối an toàn.
Theo Nam Quốc
Sài Gòn Giải Phóng