Công chức không được nịnh bợ lấy lòng sếp vì động cơ không trong sáng
(Dân trí) - Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Đó là nội dung được nêu ra trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hoá công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt.
Đối tượng áp dụng các chuẩn mực văn hóa công vụ trong đề án gồm cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan hành chính nhà nước cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Nội dung văn hóa công vụ tập trung vào bốn vấn đề lớn gồm: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
“4 xin, 4 luôn”
Đề án nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức phải tâm huyết, tận tuỵ, gương mẫu, không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tuỵ, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.
Đề án quy định trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải luôn tôn trọng, lắng nghe, giải thích cặn kẽ thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và luôn giúp đỡ.
Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Đối với đồng nghiệp, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, không bè phái, gây mất đoàn kết cơ quan.
Các công chức, viên chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, phải tôn trọng, lắng nghe cấp dưới, và gương mẫu trong giao tiếp.
Tuân thủ quy định về phát ngôn, sử dụng mạng xã hội
Ngoài ra, đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt cũng nhấn mạnh đến đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống; không có biểu hiện cơ hội, lối sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.
Công chức, viên chức không được đánh bạc, sa vào tệ nạn xã hội, không được sử dụng đồ uống có cồn trong giờ làm việc, hút thuốc lá đúng nơi quy định, tuân thủ quy định phát ngôn, sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Đề án yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về văn hoá công vụ trong Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến văn hoá công vụ trong phạm vi thẩm quyền; hoàn thành trong năm 2020.
Thế Kha