1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cổng chào “mất lòng” giới kiến trúc Hà Nội

(Dân trí) - Đàn chim lạc bay quanh mặt trời là biểu tượng đoàn kết dân tộc bị tách làm đôi dễ gây suy diễn. Trống đồng nửa chôn nửa nổi như 2 cái triện cũ bỏ bên đường… Quá nhiều ý “phê” dự án xây cổng chào trong cuộc họp của Hội KTS Hà Nội sáng nay.

Cổng “chào ngược”?

KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi về quyết định chọn 5 hình ảnh như dự án đưa ra để làm cổng chào Hà Nội trong khi trước đó còn nhiều phương án dự thi tốt hơn. “Các phương án này liệu có  là tinh túy của cả giới kiến trúc, quy hoạch, mỹ thuật?”, ông Nghiêm nghi ngờ.

Cổng chào “mất lòng” giới kiến trúc Hà Nội - 1
Phương án thiết kế hình chim lạc dễ gây hiểm nhầm về sự chia tách.

Ông Nghiêm nêu quan điểm phải xác định rõ chủ thể, khách thể của dự án, cổng xây là “ai chào”, để “chào ai”. Theo đó, ông Nghiêm cho rằng, cổng chào phải thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội, không nên “vơ vét” những hình tượng mang tính khái quát của cả nước để chào đón người nơi khác đến thành phố.

KTS Nguyễn Trung Thanh tỏ ý tán đồng khi gọi đây là cách “chào ngược”. Trống đồng hợp với cổng chào dành cho đất Phú Thọ, bãi cọc Bạch Đằng thích hợp để ở đầu địa phận Hải Phòng hơn.

KTS Nguyễn Quốc Thái ví “ngoa”: “Đặt chim lạc ở hướng từ Phú Thọ về thì khác gì nhìn tấm biển vẽ hình con vịt để đánh dấu đất Hà Nam” (trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến địa phận Phú Xuyên có biển báo trại vịt giống - PV).

KTS Ngô Huy Giao phân tích, hiện có “phong trào” sử dụng họa tiết trống đồng, chim lạc làm các biểu tượng tràn lan nhưng đặt vào Hà Nội rõ ràng không hợp. Ông Giao kiến nghị hướng đến họa tiết biểu tượng thành phố vì hòa bình. Tuy nhiên, ông Nghiêm lý giải cái khó, Hà Nội đã từng đề cập phương án này nhưng vướng vấn đề… bản quyền tác giả. Muốn dùng biểu tượng thành phố vì hòa bình phải trả rất nhiều tiền.

Bàn về từng hình ảnh cụ thể, ông Nghiêm “phê” đàn chim lạc bay quanh mặt trời trên trống đồng là biểu tượng đoàn kết của cả dân tộc, nay lại bị tách làm đôi dễ gây suy diễn, hiểu nhầm. Cũng hình ảnh trống đồng nhưng cắt xẻ “nửa chìm nửa nổi” có hợp lý? Ông Nghiêm kiến nghị, hình ảnh biểu tượng phải đơn giản để đại đa số người dân đều hiểu.

Ông Thái thêm: “Trống đồng nửa chôn nửa nổi có cảm giác như 2 cái triện cũ vứt bỏ bên đường. Mà cũng khó hình dung 2 nửa cái trống là “cổng” lắm”. Theo KTS này, “cổng” phải là một kết cấu vươn lên khỏi mặt đất nhưng cả 5 phương án thiết kế mới chỉ chú ý nhiều vào mặt bằng như hình ảnh trống đồng hay 8 con rồng chầu. Ông Thái đề xuất chỉ nên tập trung làm một mẫu hình tượng rồi áp cho tất cả các hướng đường vào thành phố.

Khái quát chung, KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn cho rằng “buồn” vì cách suy nghĩ của tác giả các hình vẽ quá “gượng”, chưa chín chắn. “Cảm giác chung là xấu” - ông Ánh phân tích, về nguyên lý, các tượng đài này đặt trên đường, trong một không gian lớn sẽ chịu tác động của hiệu ứng “cinétique” khi người quan sát đang chuyển động. Những cánh chim hạc hay loạt rồng, bãi cọc, cánh buồm… trông đều như đổ sụp. Hiệu ứng hình ảnh như vậy là không đạt.

“Chào mãi là vô duyên”

Về vấn đề kết cấu, cấu tạo, tính chất tạm thời hay bền vững, vĩnh cửu của công trình, các ý kiến trong Hội KTS Hà Nội khá trái chiều.

KTS Nguyễn Mai Long trích đọc bản thuyết trình, xin ý kiến của chủ đầu tư trong đó nêu: phần móng cổng chào sẽ làm bằng bê tông cốt thép, tức công trình kiên cố. Tuy nhiên, phần thân lại bằng vật liệu tạm. Ông Long băn khoăn, như vậy không biết công trình thực hiện cho thời gian bao lâu, sau đại lễ sẽ phá dỡ hay để lâu dài.

Cổng chào “mất lòng” giới kiến trúc Hà Nội - 2
Trống đồng mọc lên từ đất, nước gây cảm giác đôi triện cũ bỏ bên đường?

Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội Lê Văn Lân quả quyết, cổng chào nhất định là tạm thời, làm để mừng một sự kiện, sau hội, lễ là tháo bỏ. Càng không thể xét làm lâu dài, vĩnh cửu với các phương án “ngây ngô”, không thể xét được cái nào như đề xuất của thành phố. “Chào mãi là vô duyên” – ông Lân cảnh báo.

Ông Lân giới thiệu mô hình cổng chào của Đà Lạt trong lễ hội hoa năm qua, chỉ kết bằng cây lá mà rất đẹp, thu hút và cũng duy trì được cả tháng. “Nói tới bê tông, gạch, đá thì không còn gì để bàn nữa” - vị Phó chủ tịch Hội giữ quan điểm cương quyết.

KTS Nguyễn Quốc Thái lại băn khoăn, theo thiết kế, mỗi cổng chào chiều cao tới hàng chục mét, khối lượng đồ sộ, làm bằng vật liệu tạm có đủ sức chịu đựng, đủ độ an toàn. KTS Trần Huy Ánh cũng cảnh báo tính khả thi về thời gian thi công. Một công ty xây dựng đã phân tích thẳng thắn, thời gian 3 tháng, riêng việc lên phương án neo giữ, chống gió cho những kiến trúc lớn như vậy cũng không đơn giản.

Ngược lại, KTS Lê Quang Ngọc lại cho rằng cần làm một công trình “cho ra công trình”, làm thật sự, đầu tư thích đáng để tạo nên một dấu ấn cho Hà Nội. Vấn đề chỉ là làm sao có được thiết kế đẹp, thuyết phục. Các phương án hiện tại, ông Ngọc bức xúc nhận xét: “8 con rồng tranh nhau làm tổ trưởng, không biết con nào biểu tượng cho Lý Thái Tổ, con nào đại diện cho Lý Thần Tông”. Ông Ngọc lo lắng, 4 cổng chào sẽ trở thành 4 khối “dị hình” chặn mỗi ngả đường vào thành phố.

Ông Thái gật đầu: “Những kiến trúc này nếu để làm lâu dài, là người Hà Nội, chúng ta đau lòng lắm”.

P.Thảo