1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công bố số liệu mới về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà

(Dân trí) - Theo khảo sát mới nhất, có khoảng 1.335 con với 237 đàn Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

Chiều 22/5, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm GreenViet tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” nhằm cung cấp những số liệu khoa học mới nhất về số lượng, mật độ và sự phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.

Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu (Trung tâm GreenViet) cho biết, từ năm 1977, đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, các nghiên cứu, khảo sát đều chung một điểm là chỉ khảo sát một vùng, số liệu chỉ thể hiện được một phần.

Trong báo cáo của 2 nhóm khảo sát gồm Lippold và cộng sự (2008), Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (2010) đều ghi nhận khoảng 180 – 200 cá thể Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó, báo cáo mới đây của Tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF, 2013) ghi nhận tại Sơn Trà có khoảng 300 – 350 cá thể Voọc chà vá chân nâu.

Để có được số liệu chính xác, GreenViet đã tiến hành khảo sát một cách tổng thể.

“Theo khảo sát mới đây của GreenViet, hiện trên bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.335 con với 237 đàn Voọc chà vá chân nâu, trung bình có 7,91 đàn/km2”, ông Tuấn cho biết.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Tuấn đã chỉ ra các yếu tố tác động đến loài Voọc chà vá chân nâu hiện nay. Đó là nguy cơ giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái. Nguy cơ chia cắt vùng sống (nguy cơ tai nạn do va chạm với phương tiện giao thông khi Voọc qua đường). Nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát. Nguy cơ truyền bệnh từ người sang Voọc qua việc cho động vật ăn. Hạn chế trong công tác kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo Sơn Trà.

Từ đó, ông Tuấn đã đề ra những giải pháp cấp bách và lâu dài để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Ông Bùi Văn Tuấn công bố số liệu mới về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà
Ông Bùi Văn Tuấn công bố số liệu mới về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà

Tại hội thảo, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Đà Nẵng có báo cáo trước 30/5. Hiện UBNB TP Đà Nẵng đang làm báo cáo.

“Cho đến giờ phút này, tôi chưa thể nói chắc cụ thể nó như thế nào. Chỉ khẳng định là cái gì tốt nhất cho Sơn Trà thì sẽ làm”, KTS Bùi Huy Trí – cho hay.

Theo KTS Bùi Huy Trí, vì quá yêu Sơn Trà nên tâm lý nhiều người rất lo lắng, bi quan về Sơn Trà. Ông cho rằng, đừng quá lo lắng, thực ra mọi việc đang trong tầm tay của chúng ta.

Công bố số liệu mới về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà - 3

Công bố số liệu mới về Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà - 4

Voọc chà vá chân nâu sống tại bán đảo Sơn Trà (ảnh Bùi Văn Tuấn)
Voọc chà vá chân nâu sống tại bán đảo Sơn Trà (ảnh Bùi Văn Tuấn)

Bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng sở hữu một hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển, là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái trong lòng một đô thị hiện đại. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định Sơn Trà có 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 300 loài động vật có xương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển.

Bán đảo Sơn Trà còn là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu ngoài tự nhiên. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương. Theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động phát triển, đặc biệt là du lịch trong những năm gần đây đã gây nên những áp lực rất lớn và đe dọa sự bền vững sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu. Trong khi thông tin đầy đủ, chính xác và khoa học nhất về loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo không được cập nhật kịp thời. Vì vậy cơ sở dữ liệu về hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu, đặc biệt là số lượng, mật độ và phân bố rất quan trọng để từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn loài trong bối cảnh sức ép rất lớn từ phát triển.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm