1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đà Nẵng:

Công bố hiện vật di tích Chămpa có niên đại 1.000 năm

(Dân trí) - Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa phối hợp với trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) công bố các hiện vật tại di tích khảo cổ Chămpa tại làng Phong Lệ (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ).

Theo đó, sau 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay giai đoạn khai quật khẩn cấp đã kết thúc, đạt được mục tiêu chính đề ra. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật khảo cổ theo đúng yêu cầu chuyên môn, ngăn chặn việc thất thoát hiện vật và phát hiện, kịp thời bảo vệ di tích.
 
Công bố hiện vật di tích Chămpa có niên đại 1.000 năm - 1
Hiện trường tại thôn Phong Lệ (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) đang được các chuyên gia khảo cổ khai quật

Đã tiến hành 5 hố khai quật với tổng diện tích 206m2, phát lộ 2 phế tích Chăm có quy mô lớn. Các nền móng kiến trúc đền tháp Chămpa có giá trị nghiên cứu về di tích, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng móng tháp và một số nội dung liên quan.

Khi khai quật, đã phát hiện và sưu tầm được 30 hiện vật tương đối nguyên vẹn và hàng trăm viên gạch, mảnh ngói, gốm và đá có nguồn gốc Chămpa có niên đại cách đây khoảng 1.000 năm, có giá trị bổ sung cho các bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng điêu khắc Chăm.
 
Công bố hiện vật di tích Chămpa có niên đại 1.000 năm - 2
Một số hiện vật khai quật đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Những nền móng Chăm đã phát lộ cho thấy đây là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với các ghi chép trong lịch sử của các học giả Pháp đầu thế kỉ XX. Di tích khai quật và các hiện vật thu thập được góp phần quan trọng cho công tác nghiên cứu, giới thiệu về văn hóa Chămpa và các vấn đề văn hóa lịch sử của Đà Nẵng nói chung.

Trước đó, tháng 3 vừa qua, khi làm nhà, ông Ông Văn Tồn và bà Lê Kim Phụng (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) đã phát hiện 3 hiện vật bằng đá và một mảng móng tường bằng gạch cổ. Sau đó, gia đình đã báo cho cơ quan chức năng tiến hành xem xét và khai quật để xác định các hiện vật.

Sau khi nhận được thông tin, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã trực tiếp xem xét và xác định đây là di tích khảo cổ Chămpa. Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tiến hành khai quật khẩn cấp di tích này.
 
Công bố hiện vật di tích Chămpa có niên đại 1.000 năm - 3
Theo các nhà nghiên cứu, các cổ vật, tượng đá... thu thập được tại di chỉ Phong Lệ có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi

Theo Giám đốc bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng, trong khu vực liền kề với di tích nền móng tháp Chămpa cũng còn một di tích tín ngưỡng của người Việt, nhân dân địa phương gọi là “Dinh Bà”. Dòng chữ Hán khắc trên đòn đông còn có ghi niên đại Tự Đức Nhâm Tuất (tức năm 1862). Gần đó còn có miếu âm linh và miếu thờ thần hoàng, thổ địa của xóm. Những yếu tố này cho thấy địa điểm trên hội đủ điều kiện để xếp hạng di tích, đưa vào bảo tồn, phục vụ công tác giáo dục và du lịch.

Ông Thắng cũng cho biết, nếu được quy hoạch kịp thời thì địa điểm này và một góc làng Phong Lệ hiện nay có đủ các tiềm năng để trở thành một điểm tham quan có giá trị về mặc du lịch lẫn công tác giáo dục văn hóa. Ngoài ra, thông qua công việc khai quật đã thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương về công tác bảo vệ di chỉ văn hóa.

Từ kết quả khai quật ban đầu, ông Võ Văn Thắng đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét, chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, tham mưu về việc quy hoạch khu vực khảo cổ Chămpa, trong đó có diện tích công cộng khoảng 5.000m2 bao gồm di tích, đền miếu, cây xanh... để có thể bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ, phát huy giá trị, phục vụ lợi ích lâu dài của cộng đồng nói chung.

 Công Bính - Nguyệt Nguyệt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm