1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Công an nắm chắc lao động ngoại, sao vẫn lọt vụ phòng khám Maria?”

(Dân trí) - “Thứ trưởng Công an nói phường nắm chắc lý lịch người nước ngoài trên địa bàn. Vậy mà khi xảy ra vụ phòng khám Maria làm chết người, các “bác sỹ” Trung Quốc đã rời Việt Nam từ lúc nào lại không nắm được” - đại biểu Bùi Sỹ Lợi hỏi vặn.

Phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay, 21/8, chuyển cả sức nóng sang Bộ Công an về vấn đề quản lý lao động người nước ngoài làm việc chui tại Việt Nam.

“Nhập lậu” lao động theo diện thử việc bóng đá

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội) cho rằng, con số 77.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là… rất có vấn đề. Điều đáng nói, qua giám sát, Ủy ban thấy nhiều địa phương không nắm được số lao động này trên địa bàn của mình. “Một số đồng chí CA nói cấp phường nắm rất tốt nhưng càng lên trên thì càng khó kiểm soát được. Vậy làm cách nào để các Bộ và UBND các địa phương có thể phối hợp quản lý được vấn đề này?” - ông Lợi đặt câu hỏi.
 
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.

Câu hỏi được chuyển cho Thứ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Lâm xác nhận con số hơn 24.000 người lao động người nước ngoài đang làm việc “chui” tại Việt Nam. Nhiều bất cập trong công tác quản lý nhóm lao động này vừa qua đã được chỉ rõ. Hệ thống quy định hiện cũng còn nhiều sơ hở khiến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trước các chiêu lách luật.

Tuy nhiên, số lao động “ngoại nhập” này, tới 48% có trình độ đại học, 43% có chứng chỉ chuyên môn, tay nghề cao, 17% là nghệ nhân. Các đại biểu có hợp đồng lao động 24-36 tháng cũng chiếm tới hơn 76%, lao động dưới 3 tháng chỉ hơn 20%.

Hiện tượng này, theo Thứ trưởng Lâm, trước hết là do yêu cầu thực hiện một số dự án cần thêm lao động nước ngoài. Bộ Công an đã báo cáo vấn đề và Thủ tướng đã có văn bản chỉ thị chấn chỉnh việc sử dụng lao động ở các gói thầu có nhà thầu nước ngoài này.

Tỷ lệ lao động vào làm việc “chui” lớn nhất ở nhóm người vào Việt Nam qua con đường du lịch (44%). Số này vi phạm toàn diện, kể cả về thời hạn thị thực, visa. Ông Lâm phân trần: “Xử lý nhóm này rất khó. Đưa vào các trung tâm quản lý xã hội hay trục xuất về nước đều vướng vì không đủ kinh phí, không đủ khả năng mua vé máy bay cho họ. Đa phần nhóm lao động này là người Châu Phi, vào theo diện du lịch, thử việc bóng đá, không được cũng không còn… đường lui”.

Về trách nhiệm Quản lý của ngành Công an, Thứ trưởng Lâm giải thích, sở dĩ có hiện tượng cấp phường nắm chắc, cấp TƯ lại lúng túng vì Bộ đã tiến hành phân cấp rất triệt để tới cơ sở, trên từng địa bàn khu dân cư, nhà máy xí nghiệp. Dù vậy, ông Lâm khẳng định, Bộ Công an cơ bản quản lý được hoạt động của người lao động nước ngoài nói chung cũng như tội phạm liên quan, ngăn chặn kịp thời những động thái gây mất an ninh, phá nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động xã hội đen từ Đài Loan sang, tội phạm công nghệ mạng…
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Ông Lợi tỏ ý nghi ngờ những con số thống kê về tỷ lệ lao động có trình độ, kỹ thuật, là nghệ nhân mà ông Lâm đưa ra. Đại biểu lập luận: “Theo quy định, lao động từ 18 tuổi trở lên có thể “nhập khẩu”. Với độ tuổi như vậy làm sao tốt nghiệp đại học, làm sao có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và làm sao đủ thời gian rèn luyện để thành nghệ nhân”.

Trong khi đó, đại biểu dẫn chứng, tình trạng người Trung Quốc vào hành nghề y trong diện quản lý được chỉ có 41 người mà các phòng khám Trung Quốc lại tràn lan. “Thứ trưởng Công an nói phường nắm chắc lý lịch người nước ngoài trên địa bàn. Vậy mà khi xảy ra vụ phòng khám Maria làm chết người, các “bác sỹ” Trung Quốc đã rời Việt Nam từ lúc nào lại không nắm được” - đại biểu Lợi bức xúc.

Thứ trưởng Tô Lâm đáp lời, phòng khám Maria với các dấu hiệu vi phạm như do người Trung Quốc đầu tư, thuê người đứng tên, không tuân thủ quy định ký kết hợp đồng lao động, có bác sỹ nước ngoài khám “chui”, gây chết người… cũng là do công an phát hiện, kiến nghị ngành y tế kiểm tra, xử lý.

Kẽ hở ở nhóm lao động hợp đồng ngắn hạn
Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ ngỏ ý chia sẻ với Thứ trưởng Tô Lâm về những khó khăn trong nhiệm vụ quản lý lao động người nước ngoài. Ông Ngũ “truy vấn” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng có quy định miễn giấy phép lao động cho những người làm việc dưới 3 tháng. Đây là nhóm đối tượng “làm khó” ngành công an nhất.

Nữ Bộ trưởng thừa nhận, quy định điều chỉnh nhóm lao động “nhập ngoại” có hợp đồng làm việc dưới 3 tháng đang là một kẽ hở. Nhưng ngành cũng đã quy định, trong trường hợp này, đơn vị sử dụng phải đăng ký với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh việc nhận những lao động ngắn hạn này trước 7 ngày. Người lao động cũng phải đảm bảo các điều kiện sức khỏe, phù hợp với nghề nghiệp, không có tiền án tiền sự.

“Tuy nhiên, đúng là quy định như vậy nhưng thực tế thực hiện chưa nghiêm. Chúng tôi đang bàn việc xây dựng nghị định bổ sung để tăng cường quản lý vấn đề này” - nữ Bộ trưởng thừa nhận.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhắc lại hiện tượng lao động phổ thông người Trung Quốc tại các dự án bô xít ở Đắk Nông, Lâm Đồng.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa nêu thêm băn khoăn về tình hình vi phạm pháp luật khá phức tạp ở nhiều khu vực, địa bàn, trong đó có nhiều địa bàn trọng điểm của người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ông Khoa yêu cầu biện pháp giải quyết của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nếu không xử lý được tình trạng vi phạm này, trách nhiệm thuộc cơ quan nào?
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định Bộ đã làm đúng chức năng của mình về yêu cầu đăng ký, cấp phép lao động. Chỉ riêng trường hợp lao động làm hợp đồng dưới 3 tháng chưa nghiêm. Nguyên nhân cũng do quy định còn sơ hở. Doanh nghiệp có quy mô sử dụng đến 500 hoặc 300 lao động cần thông báo với Sở LĐ-TB&XH về nhu cầu này trước 60 và 30 ngày. Hết hạn, nếu địa phương không đáp ứng được, doanh nghiệp có quyền lấy lao động bên ngoài vào làm.

Còn hiện tượng lao động Trung Quốc tràn lan, bà Chuyền thanh minh, cơ quan chức năng đã nắm tình hình, thực tế đã xử lý ở một số tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa nhưng biện pháp chưa đủ sức răn đe. Tới đây, Bộ sẽ xem xét đề xuất chuyển việc sử dụng lao động “ngoại” sang lao động “nội”.

Thứ trưởng Công an Tô Lâm cũng tán thành quan điểm thời gian tới tập trung xử lý nhóm lao động không phép (39,9%) với cách thức duy nhất là cho xuất cảnh. Trường hợp người vi phạm cố tình không xuất cảnh, ngành công an sẽ buộc trục xuất. “Thời gian qua, Bộ Công an đã lệnh trục xuất 256 trường hợp, so với số hơn 24.000 lao động đang làm việc chui thì chưa thấm tháp gì nhưng số người được vận động để tự nguyện về nước cũng nhiều” - ông Lâm phân trần.

P.Thảo