Hà Nội:
Công an bác việc hành hung người quay clip tại trụ sở
(Dân trí) - Công an phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định, không có chuyện cán bộ công an hành hung người quay clip tại trụ sở làm việc của đơn vị mình mà chỉ có việc yêu cầu người quay cất điện thoại và không được tiếp tục quay.
Ngày 16/5, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một chiến sĩ công an đang làm việc tại trụ sở phản ứng với người đang thực hiện quay clip trước mặt mình. Thông tin trên mạng xã hội cũng cho rằng, sự việc xảy ra tại trụ sở Công an phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Quan sát những hình ảnh trong đoạn clip trên cho thấy, một cán bộ Công an đang xử lý hồ sơ tại trụ sở, khi ngẩng mặt lên thì phát hiện một người đang thực hiện quay video mình bằng điện thoại cá nhân. Ngay lập tức, cán bộ công an này đã yêu cầu cất điện thoại đi và đứng lên phản ứng với người quay. Nhiều thông tin trên mạng xã hội còn cho rằng, cán bộ công an này đã có hành vi đánh người quay clip.
Liên quan đến sự việc trên, chiều 17/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Công an phường Khương Đình - xác nhận sự việc trong clip xảy ra tại trụ sở Công an phường này vào chiều 16/5.
“Người quay clip đó vi phạm giao thông và được mời vào trụ sở công an để giải quyết. Trong quá trình giải quyết, người này đưa điện thoại trước mặt cán bộ công an đang xử lý hồ sơ để quay clip. Ngay khi phát hiện, cán bộ của chúng tôi đã yêu cầu cất điện thoại đi nhưng người này không nghe. Sau đó, cán bộ của chúng tôi tiếp tục đứng lên để yêu cầu không cho quay clip tại trụ sở làm việc chứ không có chuyện hành hung người quay như thông tin trên mạng xã hội” – Thượng tá Chiến giải thích.
Cũng theo Thượng tá Chiến, sau đó hai bên đã hòa giải, người vi phạm đã nộp phạt hành chính và ra về.
Về sự việc trên, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm, trong trụ sở công an, công dân cần tuân thủ nội quy của cơ quan, nếu nơi đó cấm quay phim, chụp hình thì buộc mọi người phải thực hiện.
“Trong quá trình làm việc với cơ quan chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật thì công dân phải làm việc nghiêm túc. Người quay sử dụng hình ảnh đó cho riêng cá nhân hay vào việc công là một vấn đề cần làm rõ. Cũng cần phải hiểu rõ vấn đề, người quay thực hiện vai trò gì để quay và việc dùng hình ảnh riêng tư của người khác cũng không được cho phép. Còn việc thực hiện vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động của cơ quan hành chính, cơ quan bảo vệ pháp luật, có nhiều hình thức giám sát chứ dí điện thoại vào mặt người khác để quay thì không ổn, nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức và văn hóa giữa con người với con người”- Luật sư Hướng nêu quan điểm.
Nguyễn Dương