Công an Bạc Liêu đang điều tra nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng
(Dân trí) - Công tác phòng, chống tham nhũng ở Bạc Liêu có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn diễn biến khó lường. Công an tỉnh này đang điều tra ít nhất 4 vụ có dấu hiệu tham nhũng.
Ngày 12/12, UBND tỉnh Bạc Liêu có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có những chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, cũng như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào về hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, ngành Thanh tra tổ chức 69 cuộc thanh tra tại 78 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện vi phạm hơn 22,7 tỷ đồng và kiến nghị xử lý hành chính 2 tổ chức, 8 cá nhân.
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra một vụ liên quan đến công tác mua sắm, quản lý, sử dụng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và đang thụ lý điều tra 4 vụ, 5 bị can có dấu hiệu hành vi tham nhũng.
Cụ thể, vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH TMDV Phát triển Đông Đông (TP Cần Thơ). Bị can Ngô Quốc Trạng (SN 1985, ngụ TP Bạc Liêu) là Trưởng ban pháp chế phụ trách pháp lý về hợp đồng và công nợ với các đối tác kinh doanh của công ty.
Từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2021, Trạng thu tiền của khách hàng nhưng đăng nộp ít hơn số tiền thực tế đã thu; ký giả chữ ký của khách hàng trên thư xác nhận công nợ, đơn hàng chiếm đoạt của công hàng trăm triệu đồng.
Vụ Tham ô tài sản tại Công ty cổ phần thương nghiệp Cà Mau trong khu công nghiệp Trà Kha (TP Bạc Liêu). Khoảng tháng 1/2018, công ty này có làm hợp đồng với Nguyễn Hoàng Vĩnh (SN 1989, ngụ tỉnh Sóc Trăng) đi giao hàng và thu tiền của khách. Tuy nhiên, Vĩnh đã không nộp lại và chiếm đoạt số tiền khoảng 400 triệu đồng.
Vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV thương mại, dịch vụ Hoàng Gia Hải (TP Bạc Liêu). Khoảng tháng 3/2020, ông Dương Phương Nam (ngụ tỉnh Bạc Liêu) được công ty thuê làm nhân viên thị trường.
Sau một thời gian làm việc, Nam thấy công ty quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, đối chiếu hằng ngày nên khi nhận tiền khách hàng, Nam không giao nộp cho công ty. Nam giả chữ ký khách hàng ký vào sổ xác nhận khách hàng còn nợ để che giấu hành vi chiếm đoạt số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Vụ Tham ô tài sản xảy ra tại UBND xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình). Khoảng năm 2017-2018, ông Nguyễn Văn Trọng (SN 1971, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình năm 2017) và ông Huỳnh Quốc Phong (SN 1975, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình năm 2018) lập 3 hồ sơ thủ tục duy tu, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn xã để rút tiền ngân sách Nhà nước nhưng không thực hiện sửa chữa, với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài ra, còn vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, 3 gói thầu mua sinh phẩm kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, công tác lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của CDC Bạc Liêu có dấu hiệu thiếu minh bạch, gây thiệt hại, lãng phí Nhà nước hơn 8,9 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng điều tra lại vụ Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường Bạc Liêu, với 4 bị can, thiệt hại hơn 11,6 tỷ đồng.
Thống kê của UBND tỉnh Bạc Liêu cho thấy, các vụ có dấu hiệu tham nhũng năm 2022 có tăng so với năm 2021, khi cơ quan điều tra khởi tố mới 4 vụ, 5 bị can (tăng 3 vụ, 5 bị can).
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được các cấp, các ngành nâng cao. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Trong thời gian tới, những lĩnh vực, nhóm hành vi dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực cần tập trung các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý, như: Quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công, đất đai; tín dụng, ngân hàng, thuế, quản lý thị trường, dịch vụ công; công tác cán bộ; đầu tư, xây dựng cơ bản; y tế, phòng, chống dịch; giáo dục và đào tạo; tư pháp, thanh tra, kiểm tra.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, TAND 2 cấp tỉnh Bạc Liêu cũng đã đưa ra xét xử 4 vụ, 4 bị cáo liên quan tham nhũng.
Cụ thể, TAND huyện Đông Hải xét xử bị cáo Huỳnh Thanh Tuấn (số tiền hơn 37 triệu đồng) tội Tham ô tài sản mức án 2 năm tù.
TAND TP Bạc Liêu xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lệ Nguyên (số tiền hơn 450 triệu đồng) 7 năm tù về tội Tham ô tài sản; xét xử bị cáo Nguyễn Minh Đương (số tiền hơn 143 triệu đồng) 4 năm tù về tội Tham ô tài sản.
TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử bị cáo Bạch Thu Loan (số tiền hơn 6,6 tỷ đồng) mức án chung thân về tội Tham ô tài sản.