1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Con trai liệt sĩ gần 20 năm mỏi mòn đi đòi chế độ

(Dân trí) - Năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Ngô Hoán. Và gần 20 năm qua, người con trai độc nhất của liệt sĩ Ngô Hoán đã đi khắp nơi để đòi chế độ cho gia đình mà chưa có kết quả.

Con trai liệt sĩ gần 20 năm mỏi mòn đi đòi chế độ
Hàng chục năm nay, ông Ngô Bá Huê gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi chế độ cho thân nhân liệt sĩ mà chưa được

Ông Ngô Bá Huê (SN 1946, trú tại xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An) là con trai duy nhất của liệt sĩ Ngô Hoán (SN 1925, trú tại xã Diễn Hạnh, Diễn Châu, Nghệ An). “Bố tôi từng tham gia chiến đầu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Năm 1949, gia đình nhận được tin ông hy sinh tại Hướng Hóa - Khe Sanh (Quảng Trị). Đến ngày 30/12/1976, gia đình tôi được công nhận là gia đình liệt sĩ. Thế nhưng không hiểu vì sao mà từ đó tới nay gia đình tôi không được hưởng một chế độ gì dành cho thân nhân liệt sĩ”, ông Huê cho biết.

Từ năm 1995, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 28/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, ông Huê đã cầm đơn gõ cửa không biết bao nhiêu nơi, từ cấp xã tới huyện rồi xuống tỉnh nhưng chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ vẫn không được giải quyết.
 
Ông Huê bức xúc: “Họ hướng dẫn tôi xin giấy chứng nhận, xác nhận của địa phương, thậm chí xác nhận của những người cùng thời với bố mẹ tôi để chứng minh tôi là con liệt sĩ. Thế nhưng bao nhiêu lần xin giấy, bao nhiêu lần gửi đi và cũng bấy nhiêu thời gian chờ đợi nhưng vẫn không có một tin tức gì về chế độ dành cho người có công”.

Con trai liệt sĩ gần 20 năm mỏi mòn đi đòi chế độ
Giấy chứng nhận thân nhân gia đình liệt sĩ được cấp từ năm 1976 cho thấy ông Ngô Bá Huê là con liệt sĩ Ngô Hoán

Điều đó đồng nghĩa với việc vào những ngày lễ đặc biệt của đất nước, trong khi thân nhân những người có công với cách mạng nhận được sự thăm hỏi động viên, hỗ trợ của các cấp, các ngành thì gia đình ông chỉ biết ngậm ngùi tủi phận. Ông xót xa vì xương máu của người cha đổ xuống vì Tổ quốc đã bị lãng quên.

Tháng 1/2000, ông cầm đơn ra gõ cửa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến ngày 1/2/2000, Cục Thương binh, Liệt sĩ và Người có công - Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 318 TBLS hướng dẫn ông trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH Nghệ An để được giải quyết. Tiếp tục quay về Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nhưng không có kết quả, ông Huê khăn gói đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để hỏi. Lần này Thường trực tiếp công dân của Trung ương Đảng đã có Công văn số 1112 HD/TDTƯ gửi ông và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, ghi rõ: Đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An kịp thời xem xét xử lý và ra quyết định, trả lời công dân và báo cáo kết quả cho Trụ sở tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước biết theo quy định tại Quy chế Tổ chức tiếp công dân ban hành kèm theo Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính Phủ.

Lần này ông được cán bộ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An hướng dẫn về xã xác nhận và về huyện lập hồ sơ mang xuống Sở giải quyết. Sau khi thu thập tất cả các giấy tờ liên quan đồng thời xin xác nhận của xã Nghĩa Hồng - nơi ông sinh sống và xã Diễn Hạnh - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ của ông Ngô Hoán - chứng minh mình là con liệt sĩ, ông Huê khấp khởi hy vọng khi mang tất cả giấy tờ đến Phòng LĐTB&XH huyện Nghĩa Đàn. Thế nhưng một lần nữa ông lại phải thất vọng nhận được câu trả lời từ cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn: Liệt sĩ Ngô Hoán báo tử tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu. Hồ sơ liệt sĩ chưa chuyển lên Phòng LĐ-TB&XH Nghĩa Đàn quản lý; vì vậy Phòng không giải quyết được. Đơn vị này lại tiếp tục đề nghị ông đến Sở LĐ-TB&XH Nghệ An để được giải quyết.

Con trai liệt sĩ gần 20 năm mỏi mòn đi đòi chế độ
"Tôi năm nay đã gần 70 tuổi rồi mà tâm nguyện lớn nhất cuộc đời vẫn chưa thể hoàn thành được"

“Tôi năm nay cũng đã gần 70 tuổi rồi mà tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời vẫn chưa thể hoàn thành được. Tôi không quan trọng số tiền được hưởng bao nhiêu, mà cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho thân nhân người có công. Tôi chỉ có một mong muốn đó là tìm được hồ sơ liệt sĩ cho cha tôi và đề nghị Nhà nước một tấm Huân chương chiến công và tấm Bằng Tổ quốc ghi công để đặt lên bàn thờ cha tôi cho ông đỡ tủi thân”, ông Huê xúc động nói. 

Ngày 27/2/2012, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 267/LĐTBXH-NCC, cho biết: Tại bản trích lục hồ sơ liệt sĩ chống Pháp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trích lục đang lưu trữ tại Sở thì có bố là Ngô Cầm: thân nhân chủ yếu được hưởng trợ cấp liệt sĩ. Cũng tại bản trích lục hồ sơ liệt sĩ thì không có tên con là Ngô Bá Huê, sinh năm 1949 nên không có cơ sở xem xét. Trong khi đó giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ mang mã hiệu BZ 828b cấp ngày 30/12/1976 ghi rõ: danh sách thân nhân chủ yếu của liệt sĩ là Ngô Bá Huê - sinh năm 1949, quan hệ với liệt sĩ: con.

Mặt khác, trong Công văn số 267, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng cho rằng thực hiện Nghị định 28/Cp ngày 26/4/1995  về việc giải quyết thờ cúng liệt sĩ thì nếu đúng ông Ngô Bá Huê là con liệt sĩ không đủ điều kiện giải quyết thờ cúng liệt sĩ (thờ cúng liệt sĩ giải quyết đối với những người không còn thân nhân chủ yếu như: chú, bác, cô, dì, anh em...). Thân nhân liệt sĩ Ngô Hoán chưa lập hồ sơ giải quyết trợ cấp một lần, đề nghị trực tiếp Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn để được hướng dẫn lập hồ sơ theo Nghị định 59/2003/NĐ-CP.

Ông Phạm Duy Hải - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn của ông Ngô Bá Huê và đã hướng dẫn các thủ tục để được giải quyết chế độ giành cho thân nhân liệt sĩ nhưng hiện nay Phòng chưa nhận được hồ sơ nên không thể giải quyết. Để được hưởng các chế độ liên quan, thân nhân liệt sĩ phải tự chuyển hồ sơ gốc từ nơi đăng ký ban đầu đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn thì chúng tôi mới giải quyết được. Vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra, rà soát và phát hiện hồ sơ của liệt sĩ Ngô Hoán đang ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Ông Huê cần phải làm thủ tục chuyển hồ sơ về Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghĩa Đàn chúng tôi mới giải quyết các chế độ liên quan cho thân nhân liệt sĩ theo quy định của Nhà nước".

Hoàng Lam