Cơn “sốt” đất Ba Vì đã tan
(Dân trí) - Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình bất động sản (BĐS) phía tây Hà Nội cuối tháng 5 vừa qua đã ảnh hưởng tức thì tới thị trường BĐS. Đến thời điểm này, đất được rao bán nhan nhản nhưng không có khách mua.
Cơn sốt đất Ba Vì đã nhanh chóng đi qua (ảnh báo Xây dựng).
Trong báo cáo “Tình hình thị trường BĐS tại khu vực đang xem xét quy hoạch Hà Nội” của Chính phủ ngày 31/5 vừa qua cũng nêu: Trước tháng 1/2010 tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh huyện Ba Vì, giá đất thổ cư được chào bán khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/m2.
Đất vườn đất trồng cây lâu năm được chào bán dao động trong khoảng 50 - 70 triệu đồng/sào. Tuy nhiên đến đầu tháng 5/2010 giá đất vườn trồng cây lâu năm tại đây đã lên đến 150 - 200 triệu đ/sào. Hầu hết mua bán chỉ là các giao dịch viết tay…”.
Sự "liều lĩnh" trong việc giao dịch của những người mua đất trong vòng chưa đầy 1 tháng đã phải chịu hậu quả nặng nề. Trong khoảng 1 tuần nay, không ít người đã “vỡ mộng” khi gom đất ở những khu vực nói trên.
Đất được rao bán nhan nhản nhưng không có khách mua. Những người đã trót đặt cọc thì ngậm ngùi mất số tiền đó còn hơn phải mất thêm một đống tiền lớn mà biết chắc sẽ cầm lỗ trong tay. Theo quan sát của chúng tôi, giá đất ở đây đã giảm khoảng 30% so với thời điểm đỉnh “sốt” song cũng không có người mua.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - ông Nguyễn Văn Hải nói: Tin sốt đất Ba Vì chỉ là do cò thổi giá, hiện tại thị trường đất đã chững lại chỉ có người bán mà không có người mua, thực tế giao dịch chỉ tăng khoảng 20%.
“Việc giá đất trên địa bàn Ba Vì liên tục bị đẩy lên cao hoàn toàn là do giới đầu tư và một số người dân tự ý lợi dụng thông tin về quy hoạch trục đường Thăng Long để thổi giá, còn thực tế giao dịch chỉ tăng khoảng 20%. Đây là một con số quá nhỏ nếu so với việc Ba Vì đã sáp nhập về Hà Nội gần 2 năm nay. Như vậy không thể tạo nên cơn sốt đất” - ông Hải nói.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ: “Giao dịch tại khu vực này chủ yếu là mua đi bán lại giữa những người đầu cơ với nhau. Có những mảnh đất chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại nhiều lần. Số thuế thu được từ giao dịch BĐS không lớn. Xuất hiện tình trạng “làm giá”, tung tin đồn, giao dịch ảo để đẩy giá BĐS lên cao, nhất là tại khu vực Ba Vì”.
Ba Vì trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư kể từ khi công bố đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, nhiều người kỳ vọng việc đầu tư BĐS theo kiều “đi trước đón đầu” sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch được triển khai. Tuy nhiên, với việc mua bán, chuyển nhượng những khu đất chưa đủ thủ tục khiến người mua gặp rất nhiều rủi ro.
Cảnh báo với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho rằng chuyện giá cả đất đai tăng ở khu vực phía tây Hà Nội, nguyên nhân cơ bản có thể là do “làm giá”, kích cầu ảo, mua đi bán lại trong giới đầu tư với nhau.
Hiện nay toàn bộ khu vực phía tây đang có dự kiến quy hoạch. Nhưng đó là dự kiến, quy hoạch chi tiết mới quan trọng. Do vậy, người dân khi mua bán, chuyển nhượng mà không phù hợp với quy hoạch chi tiết thì một mặt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mặt khác dễ “tiền mất tật mang”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị Hà Nội không cho sang tên, đổi chủ những trường hợp đất chưa đủ thủ tục, giấy tờ và chưa nộp thuế để hạ giá "cơn sốt" đất. Việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến mua bán, chuyển nhượng lộn xộn mà chính quyền địa phương không kiểm soát được.
Ông Nam cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành quy định đối với đất giao có thời hạn như đất rừng, đất canh tác không được tự do chuyển nhượng mà chỉ được chuyển nhượng có điều kiện (về đối tượng, thời gian sử dụng đất) để hạn chế việc mua đi bán lại trong thời gian ngắn làm lộn xộn thị trường.
Lan Hương