1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

37 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2/2016):

“Còn sống là còn cầm súng bảo vệ biên giới Tổ quốc”

(Dân trí) - 37 năm sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông vẫn thường nhắc con cháu rằng, ông và những đồng đội đã đi qua cuộc chiến tranh với sự oanh liệt và niềm tự hào thiêng liêng, cả những bi thương không dễ gì quên được... Ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn khắc sâu trong tâm trí ông và bao người.

Ký ức không thể nào quên

Mỗi khi có dịp nhắc lại trận chiến xảy ra vào ngày 17/2/1979 với quân Trung Quốc, giọng nói ông vẫn như ứa nghẹn, nước mắt rưng rưng vì xúc động. Chỉ tiếc rằng, các ông không thể đến được bên đồng đội vào ngày này để thắp nén nhang lên phần mộ những người đã khuất, như một cách tri ân với đồng đội mình.

Chúng tôi tìm gặp Đại tá Phùng Hải Sơn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, vừa mới nghỉ hưu.

Nghe chúng tôi đặt vấn đề, ánh mắt ông Sơn lại sáng rực, ký ức về những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới 37 năm trước ùa về trong tâm tưởng. Ông Sơn cho biết, ông nhập ngũ năm 1977 và được biên chế vào lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Không lâu sau đó, ông cùng những người con của quê hương lên đường ra huấn luyện ở Quảng Bình. Vài tháng sau, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông và một số người được biên chế vào Trung đoàn 12 (Trung đoàn Thanh Xuyên), Tiểu đoàn 1, Đại đội 3, tham gia chiến đấu tại tỉnh Lạng Sơn. Đây là lực lượng cơ động của Công an vũ trang, tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới.

Hồi đó, ông cùng đồng đội đang ở độ tuổi thanh niên. Vừa xong khóa huấn luyện, chưa tham gia chiến đấu nên khi bước vào trận chiến, đối mặt trực tiếp với bom đạn, ai nấy đều khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trước “làn tên, mũi đạn” ác liệt của quân thù, với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc, mọi người đều nêu cao tinh thần quyết tâm không để một tấc đất của đất nước rơi vào tay kẻ thù. Ông nói, toàn đơn vị được chia làm 3 trung đội, 1 trung đội tăng cường lên chốt ở đồn Tân Thanh, Lạng Sơn, còn 2 trung đội trực chiến ở đơn vị.

Trong niềm xúc động khó diễn tả hết bằng lời, ông Sơn bồi hồi kể: “Ban đầu 2 bên chưa có chủ trương sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, khoảng 4h ngày 17/2, phía Trung Quốc liên tục nã pháo cối qua biên giới dọc 6 tỉnh phía Bắc. Do địch đánh bất ngờ, ta rơi vào thế bị động, trang bị vũ khí thô sơ nhưng vẫn quyết tâm, tăng cường chốt chặn dọc biên giới, bảo vệ các đồn, trạm. Thế nhưng, chỉ sau khoảng hơn 30 phút, pháo chuyển hướng bắn thì lực lượng bộ binh Trung Quốc tràn qua rất đông. Trong tình thế tương quan lực lượng giữa ta và Trung Quốc có sự chênh lệch lớn, phần nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta bị hy sinh, số khác thì bị thương, tỉ lệ sống sót rất ít”.

Ký ức về những ngày tháng chiến đấu ác liệt ùa về trong tâm trí ông Sơn
Ký ức về những ngày tháng chiến đấu ác liệt ùa về trong tâm trí ông Sơn

Ông Sơn kể tiếp, đơn vị của ông lúc đó chỉ còn sống được hơn chục người. Còn Trung đội chốt ở Tân Thanh gần như bị xóa sổ. “Khi bị pháo tấn công liên tục, tôi cùng một số anh em cầm súng chạy ra ngoài thì phát hiện có rất nhiều anh em đã nằm xuống, người đã chết, người bị thương. Trong số đó, có anh Nguyễn Văn Cường, cùng quê Quảng Trị bị thương rất nặng ở phần bụng, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thuận đành lấy bát úp vào vết thương rồi tôi cùng đồng đội đưa anh vào hầm. Sau khi đưa các anh em trúng đạn vào hầm để dưỡng thương, chúng tôi quay trở lại gom súng để trên dọc công sự rồi tiếp tục chiến đấu. Cầm cự được hơn 2 tiếng, do quân địch quá đông nên anh em được lệnh rút về phía sau, vừa tiếp tục chiến đấu” – ông Sơn kể.

Sau khi rút ra bờ suối, ông Sơn cùng đồng đội vào trong một hang đá để bảo toàn lực lượng. Đêm đến, các ông quay trở ra rồi dùng súng bắn vào các đồn đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Mặt khác, cho trinh sát xâm nhập vào để nắm tình hình.

Ông Sơn xúc động: “Chúng tôi chiến đấu từ rạng sáng 17/2 và kéo dài đến 8 ngày sau, vừa đánh vừa rút quân. Đánh qua dọc biên giới, được những người dân trong vùng dẫn đường về nơi quân ta đóng chốt. Khi đã củng cố xong lực lượng mới quay trở lại chiến đấu tiếp. Trải qua hơn 1 tháng, chúng tôi vừa chiến đấu vừa làm công tác tử sĩ, đưa những người đã hy sinh về an tang tại Văn Lãng, Lạng Sơn. Tiếp đó, đơn vị nhận được lệnh chốt dọc biên giới để ngăn chặn kẻ thù”.

Nơi ấy, thấm máu xương của đồng đội!

Ông Sơn kể, sau đợt tập kích ngày 17/2 năm ấy, quân Trung Quốc tiếp tục bắn pháo vào nơi đóng chốt của ta dọc biên giới. Tuy nhiên, anh em toàn đơn vị luôn nêu cao tinh thần quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Còn sống là còn chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Khi Trung Quốc rút quân khỏi biên giới, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất khá nhiều. Chúng ta bắt tay vào khắc phục hậu quả, tìm và đưa những người đã hi sinh đến nơi an táng. “Ngoài những chiến sĩ của ta đã hy sinh, số khác bị thương, chúng còn bắt chiến sĩ ta làm tù binh, đến sau này chúng mới trao trả. Phía Trung Quốc đã gây ra tội ác kinh hoàng, mỗi người trong chúng ta sẽ không bao giờ quên được” – ông Sơn xúc động.

Ông Sơn luôn cảm thấy day dứt khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh
Ông Sơn luôn cảm thấy day dứt khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh

Hồi tưởng về quá khứ, ông Sơn luôn mang tâm trạng bồi hồi, day dứt. Ông nói: Phần lớn những đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ bình yên vùng biên giới, đuổi quân thù ra khỏi lãnh thổ. Suốt dọc dài biên giới, nơi nào cũng thấm đẫm máu xương của đồng đội. Những người con của đất nước Việt Nam đã dũng cảm cầm súng, không chấp nhận khuất phục trước kẻ thù. Hôm nay, những người lính chiến đấu năm xưa đã trở về cũng mang trên mình thương tật do bom, đạn chiến tranh. Tuy nhiên, họ không được hưởng chế độ gì do phiên hiệu đơn vị không trùng khớp.

Điều khiến ông Sơn cũng như bao đồng đội của ông cảm thấy day dứt là cuộc chiến năm ấy dường như đã “chìm dần” vào quên lãng, ít khi được nhắc đến. “Cái gì thuộc về lịch sử thì cần được đưa vào để các thế hệ sau ghi nhớ và nắm bắt. Hơn nữa, người thân các liệt sĩ họ cũng có quyền tự hào về anh em của mình, những người đã dũng cảm chiến đấu và đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc để bảo vệ biên cương của Tổ quốc” – ông Sơn bày tỏ.

Ông Sơn được Đảng, Nhà nước tặng bằng khen vì có thành tích trong chiến dịch biên giới phía Bắc
Ông Sơn được Đảng, Nhà nước tặng bằng khen vì có thành tích trong chiến dịch biên giới phía Bắc

Không có điều kiện trở lại chiến trường xưa để thắp hương tri ân, tưởng nhớ đến đồng đội nhưng ông và những đồng đội còn sống của mình vẫn dành những tình cảm thiêng liêng, trân trọng đến những người đã ngã xuống. Ngày 17/2, dịp kỷ niệm chiến dịch biên giới phía Bắc, ông vẫn thường nhắc con cháu rằng, ông và những đồng đội đã đi qua cuộc chiến tranh với sự oanh liệt và niềm tự hào thiêng liêng, cả những bi thương không dễ gì quên được.

Đăng Đức