Quảng Trị:

Con ong cứu rừng

(Dân trí) - “Trước đây người dân chỉ biết đi rừng khai thác gỗ là chủ yếu, nhưng từ khi có dự án nuôi ong mật, người dân đã có cuộc sống ổn định hơn, rừng nhờ thế được bảo tồn nguyên vẹn” - Ông Võ Thương, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên (Đăkrông, Quảng Trị) chia sẻ.

Đổi đời nhờ ong mật

 

Dự án nuôi ong mật bắt đầu được triển khai tại các huyện miền núi Quảng Trị từ giữa năm 2009, thôn Nà Nẫm (Triệu Nguyên, Đăkrông, Quảng Trị) là thôn được chọn để thực hiện thí điểm mô hình của dự án.
 
Con ong cứu rừng - 1

Chị Phạm Thị Vân đang kiểm tra đàn ong của gia đình.
 

Theo đó hơn 150 đàn ong nội đã được bàn giao cho các hộ dân đầu tiên: “Khi nhận ong về ai cũng lo lắng, không biết liệu có thể nuôi được không bởi từ trước đến nay chưa ai biết nuôi ong mật là gì” - Anh Đỗ Tấn Hùng, một hộ nuôi ong thí điểm kể lại.

 

Nhớ lại những ngày đầu gian nan, chị Phạm Thị Vân tâm sự: “Lúc mới nhận ong về gặp phải thời tiết giá lạnh nên ong chết rất nhiều, ai cũng cảm thấy lo lắng”. Tuy nhiên nhờ được tổ chức tập huấn trước đó và biết cách chăm sóc tốt nên đàn ong sớm khoẻ mạnh và cho mật: “Không thể tin rằng đàn ong lại phát triển nhanh đến thế, nhà nào cũng vui khi thu được mật từ ong sau một thời gian chờ đợi” - Anh Lương Văn Thành, chủ một trại ong tại Nà Nẫm vui vẻ nói.

 

Theo những người dân thì nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công, nhưng có người 3 năm vẫn chưa thuần thục.

 

“Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm rẫy và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ. Chính mỗi người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong, chỉ cần chú ý thăm trại và dọn dẹp thường xuyên, sớm phát hiện kịp thời những mầm bệnh như bệnh thối ấu trùng, côn trùng ăn sáp… là không ảnh hưởng gì” - chị Vân chia sẻ bí quyết nuôi ong.

 

Đến nay hơn 30 hộ tham gia thí điểm mô hình đều đã có thu nhập ổn định từ đàn ong, bình quân 1,7 triệu/ hộ/ tháng. Với người dân vùng cao, số tiền này thật đáng giá, giúp người dân thoát cuộc sống đói nghèo.

 

Con ong giữ màu xanh cho rừng

 

Theo anh Trần Mạnh, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Triệu Nguyên thì nhờ mô hình nuôi ong mật vừa cho thu nhập cao lại vừa nhàn nên người dân ở đây không còn lên rừng chặt cũi, phá rừng làm rẫy nữa.

 

“Ong mật chủ yếu hút mật ở các cây rừng nên một lí do nữa khiến người dân không còn vào rừng chặt cây ồ ạt là không muốn làm ảnh hưởng đến đàn ong. Ở một khía cạnh nào đó, chính con ong đã góp phần vào việc bảo tồn những cánh rừng nguyên sinh”- anh Mạnh cho biết thêm.
 
Con ong cứu rừng - 2
Một mô hình nuôi ong mật tại thôn Nà Nẫm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giữ màu xanh cho rừng và hạn chế tình trạng sạt lở đất

 

Anh Nguyễn Thanh Hùng, một người dân so sánh: “đi rừng nguy hiểm lắm mà thu nhập không là bao, nuôi ong vừa dễ nhưng thu nhập lại cao nên bà con chúng tôi theo con ong để thoát nghèo, không chặt cây phá rừng nữa”.

 

Ông Nguyễn Đức Thanh, cán bộ địa chính của xã cũng cho biết tình trạng sạt lở đất rừng trên địa bàn xã đã giảm đáng kể do các tầng thực vật được bảo vệ: “Nhờ dự án nuôi ong mật mà người dân có công ăn việc làm ổn định nên họ không vào rừng chặt gỗ, làm thuê cho lâm tặc nữa, nhờ vậy mà những cánh rừng nguyên sinh được giữ gìn nguyên vẹn”.

 

Hiện không chỉ có 20 hộ tham gia nuôi ong mà hầu như  hộ dân nào ở Nà Nẫm cũng có từ một đến vài chục đàn ong. Ông chủ tịch xã Võ Thương cho biết kế hoạch sắp tới: “Xã sẽ nhân rộng mô hình nuôi ong mật cho 138 hộ trong thôn Nà Nẫm, sau đó sẽ phổ biến ra các thôn khác trên toàn xã, chúng tôi cũng đã cử cán bộ khuyến nông - khuyến ngư về tập huấn kiến thức nuôi ong mật cho bà con”.

 

Doãn Công - Đại Dương