1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Con là động lực để bố mẹ sống tiếp”

(Dân trí) - “Tôi không dám đưa con đi xét nghiệm lần 2 nữa. Chỉ sợ phải nhận một kết quả trời giáng… Bây giờ vợ chồng tôi sống là vì con…” - Anh Giang (Đáp Cầu - Bắc Ninh), thành viên CLB Vì ngày mai tươi sáng - không giấu nổi xúc động tâm sự.

Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng ở Bắc Ninh, được nghe chị Phạm Thị Hiền - trưởng nhóm - kể cho nghe những câu chuyện buồn về những thành viên có H nơi đây.

 

Xót xa những mảnh đời nhiễm H

 

Bế bé Hải Yến trên tay, chị Nguyễn Thị Mơ kể về “hành trình” HIV “gõ cửa” nhà chị. Chị Mơ sinh năm 1985, làm vợ ở tuổi 22 và làm mẹ ở tuổi 23. 4 năm làm vợ, 3 năm làm mẹ với chị thấm đầy những khổ đau nước mắt.

 

Chị nói: “Bố cháu có một thời ăn chơi, chơi để cho biết nhưng chơi một lần là biết ngay”.
 


“Con là động lực để bố mẹ sống tiếp” - 1

 

Sau khi sinh Yến được mấy tháng, gia đình thấy bé gầy yếu. Ra Bệnh viện Nhi TW khám, các bác sĩ có nghi vấn nhưng phải đợi đến khi cháu 18 tháng tuổi mới có kết quả chính xác. Đó cũng là lúc sức khỏe của anh giảm sút nhanh chóng, chữa bao nhiêu thuốc cũng không khỏi. Đến khi xét nghiệm cả hai vợ chồng, lúc đó mới biết thế nào là HIV.

 

“Lúc ấy không thiết sống là gì nữa. Đặt hết niềm tin vào con nhưng con thì yếu quá, bác sĩ nói khả năng bé bị rất cao. Thế là chỉ biết ôm con mà khóc”, chị kể.

 

Còn với chị Nguyễn Thị Niên (Tiên Du - Bắc Ninh) thì nỗi đau như nhân đôi khi cùng một lúc nhận được 2 tờ báo tử: chồng mất sau khi đi cai nghiện về vì nhiễm HIV và cả chị lẫn bé Ngọc Lan (bé lớn nhà chị) cùng nhiễm H. 

 

Chị ứa nước mắt kể: Trước khi lấy nhau, chị không biết anh nghiện. Một lần nhìn thấy anh chích, chị mới hoảng hồn và khuyên anh đi cai. Nhưng có nằm mơ chị cũng không nghĩ HIV cướp chồng chị đi nhanh vậy. Sinh xong bé thứ 2, anh từ trại về và ít tháng sau là mất; để chị giữa cuộc đời với 2 đứa con thơ, chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Những giọt nước mắt chát chúa thấm đẫm tã con, rơi bên mộ chồng…

 

Người đàn ông duy nhất mà tôi được trò chuyện là anh Giang (Đáp Cầu, Bắc Ninh). Dáng hình không cao, làn da ngăm đen và áo quần bạc phếch của một người thợ xây như đối lập với đôi mắt buồn rười rượi. Là người lao động chân tay, anh không quen kể về mình, nhất là với anh, “đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời” nên suốt cuộc nói chuyện, anh cứ quay đi tránh máy ghi âm.

 

Anh bảo cuộc  đời anh bắt đầu từ chữ “Chán” và sắp kết thúc rồi vẫn “Chán”. Lập gia đình, sinh con rồi vì kinh tế khó khăn, 2 vợ chồng cãi nhau. Anh chán rồi chơi bời, thế là…

 

Mấy năm sau thấy bạn bè cùng hội chơi, người ốm rồi mất không rõ lý do, người thì đi khám bác sĩ  bảo bị HIV - mà khi đó anh có biết HIV là gì - bắt đầu lo lắng và anh đi khám. Anh vẫn nhớ cảm giác cầm tờ xét nghiệm trên tay với với dòng chữ “Dương tính”. “Chán lắm! Buồn! Bủn rủn cả người và chỉ nghĩ đến chết cho xong!”.

 

Nhưng chết đâu có dễ. Anh nghĩ rằng vợ chưa bị nên về nhà kiếm cớ, vợ chồng cãi nhau rồi anh đuổi vợ ôm con về quê. 2-3 năm sau, biết vợ có biểu hiện, anh mới sang nói thật rồi đưa vợ đi khám và lại về ở với nhau. Anh bảo: “Chẳng ai hiểu người có H bằng chính người có H đâu. Vợ chồng về đùm bọc nhau mà sống thôi”.

 

Ước mơ của con là niềm tin sống của bố mẹ

 

Cuộc nói chuyện của tôi và chị Mơ bị gián đoạn bởi tiếng khóc của bé Yến. “Bé đòi búp bê đấy. Bé thích chơi búp bê lắm, bé hay gọi là em”. Cả bé và chị đều nổi những mẩn đỏ khắp tay và cổ. Chị bảo do vừa rồi chị bị sốt phát ban. Anh chị giờ chỉ biết làm thuê nuôi con và chờ mong sự tiến bộ của y học để Yến được sống như bao đứa trẻ khác.

 

Với chị Niên thì cuộc đời vẫn còn ưu ái cho chị lắm. Đó là 2 đứa con ngoan, 1 trai 1 gái. Bé trai là Vũ Xuân Trường hoàn toàn khỏe mạnh. Chị khoe “Lan (bé lớn) viết chữ đẹp lắm”. Nhưng điều chị lo là bé rất yếu và phải nghỉ học thường xuyên.

 

Nói về sự học của con, chị không kìm được nước mắt khi một số bạn ở trường gọi con chị là “Lan si đa”. Bé buồn và có thời gian thất thần, không dám đi học. Từ một học sinh giỏi, bây giờ con chị đã có phần sa sút. Khi được hỏi về ước mơ, cô gái nhỏ ấy trả lời: “Cháu sẽ khỏe và học giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người”.
 
“Con là động lực để bố mẹ sống tiếp” - 2
Chị Niên khóc khi nghĩ về tương lai của cô con gái

 

Có lẽ để lại dấu lặng sâu sắc nhất trong tôi vẫn là câu nói của anh Giang. Anh bảo bé Sơn con anh không bị nhiễm HIV, bé chuẩn bị lên lớp 5, với anh đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. “Tôi không dám đưa con đi xét nghiệm lần 2 nữa. Nhỡ xét nghiệm mà bị thì khác gì... Bây giờ vợ chồng tôi sống là vì con”.

 

Hai vợ chồng anh đều làm phụ hồ xây dựng. Nhưng cơ cực lắm vì người ta vẫn còn kỳ thị. Nhiều lúc khát không dám uống nước; nhiều nhà chủ không cho anh chị làm.... Anh chị chỉ biết nhắm mắt bỏ ngoài tai vì với anh, “bây giờ là sống cho con, phải nghĩ về con để sống tiếp”.

 

Cho một ngày mai tươi sáng

 

Vì ngày mai tươi sáng ở Bắc Ninh được thành lập từ năm 2005, trưởng nhóm là chị Phạm Thị Hiền, sinh năm 1981. Nhìn chị xông xáo, nhiệt tình hướng dẫn cho các thành viên trong buổi tập huấn, tôi chẳng bao giờ nghĩ chị là người nhiễm H. Bởi ở chị toát lên sự khỏe mình, lạc quan và tình yêu cuộc sống. Chị thẳng thắn: “Ở đây là những người nhiễm H và những người ảnh hưởng (gia đình người có H - PV). Ngay cả bản thân chị cũng là người có H. Nhưng chị thấy mình khỏe mạnh bình thường như bao người khác”.

Hoạt động từ khi Vì ngày mai tươi sáng mới ra đời, chị là người hiểu rõ nhất những thành viên nơi đây. Với chị vẫn một niềm trăn trở: “Làm sao để nâng cao cuộc sống những người có H và những người ảnh hưởng. Đó là mục đích mà nhóm hướng đến”. Chị bảo vì nhóm chưa có tư cách pháp nhân nên khi đi xin tài trợ không ai dám cho nhiều. Theo chị “Nếu có một nhà tài trợ nào đó giúp đỡ, nhóm sẽ tiến hành cho các thành viên vay để phát triển kinh tế. Như thế sẽ giảm gánh nặng xã hội, giúp người nhiễm HIV tự tin hơn. Nhưng khó lắm…”.

 

 

Anh Thu