1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Còn khoảng 5 cơn bão cuối mùa ảnh hưởng tới nước ta

(Dân trí) - Người dân miền Bắc đang được hưởng tiết trời thu dịu mát với nắng hanh vàng trải rộng, trong khi miền Trung lại ở giữa mùa mưa. Đây cũng chính là lý do khiến khoảng 5-6 cơn bão cuối mùa có khả năng đổ bộ vào miền Trung nhiều hơn.

Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa và hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương) về xu hướng thời tiết cuối mùa mưa bão năm nay.

Xin ông cho biết tình hình mưa bão, lũ lụt cuối mùa sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Mùa mưa bão năm nay vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ở chỗ dự báo cho thấy những cơn bão đi vào nước ta nhiều hơn trung bình những năm trước. Khi đã có bão, diễn biến mưa cũng rất phức tạp, cả về diện và lượng phân bố không đồng đều. Mưa do bão dồn dập sẽ gây ra lũ lớn và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cần phải đề phòng.

Theo dự báo trước đây của chúng tôi, số lượng bão sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam dồn dập hơn, nhưng đến nay mới chỉ có một áp thấp nhiệt đới và 1 cơn bão vào thôi. Nên trong thời gian tới người dân cần đề phòng bão, mưa lớn và lũ lụt.

Vậy còn bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam từ nay đến hết mùa mưa bão?

Mùa bão kết thúc, đối với Bắc Bộ là tháng 10, với miền Trung là tháng 11 (vì tháng 9 mới bắt đầu mùa mưa bão ở nơi này). Để nói chính xác thì quá xa, nhưng chúng ta cần đề phòng khoảng 5 - 6 áp thấp nhiệt đới và cơn bão đi vào Việt Nam.

Với số lượng nhiều như thế này, mức độ ảnh hưởng của nó đến thời tiết nước ta sẽ ác liệt, bão vào sẽ chi phối mạnh đến hệ thống thời tiết và khả năng nguy hiểm của mưa lũ cao.

Xu hướng di chuyển của những cơn bão sắp tới như thế nào, thưa ông?

Theo quy luật hàng năm, bão chuyển dần từ Bắc vào Nam, nên những tháng này nó tập trung vào miền Trung nhiều hơn. Tại Nam Bộ, bão rất ít. Khu vực thường có bão xuất hiện nhiều nhất là miền Trung, trong tháng 10 và 11, bão chủ yếu tập trung vào các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ.

Đã có bão thì mức độ thời tiết nguy hiểm cao, thường bão vào đem theo mưa lớn và lũ lụt. Chúng ta cũng cần nói để bà con cảnh giác, chứ thấy từ đầu mùa đến nay ít bão dễ sinh ra tâm lý chủ quan.

Còn khoảng 5 cơn bão cuối mùa ảnh hưởng tới nước ta - 1












Ông Nguyễn Hữu Hải

Thời gian qua, bão đi vào biển Đông rồi quay ngược lại đổ vào phía Bắc, tại sao lại có hướng như vậy?

Bão thường có các hoàn lưu chi phối, có những năm hoàn lưu đi thẳng vào mình nhiều, có năm nó lại đi lệch lên phía trên. Theo cơ chế hoàn lưu chi phối bão, nên có năm Việt Nam ít bão hoặc nhiều bão là vì vậy. Trung bình ngoài khơi Thái Bình Dương khoảng 30 cơn bão/năm, nếu hoàn lưu đi thẳng vào Việt Nam thì ít nhất cũng có khoảng 5-7 cơn, có năm 1-2 cơn, có năm lại gần như không có.

Thời gian gần đây, các tỉnh thuộc miền Nam thường xảy ra tố lốc mạnh, khiến người ta nghĩ tới những điều bất thường của thời tiết?

Những trận mưa lớn hay gây ra tố lốc, chứ không riêng gì năm nay. Chẳng hạn như thời tiết đang nóng, mặt đệm thay đổi chuyển sang hệ thống thời tiết khác như mưa, dễ sinh ra hiện tượng giông, tố lốc. Giông, tố lốc diễn ra có tính chất địa phương rất hẹp, nên dự báo được rất khó, chúng tôi chỉ có thể cảnh báo khả năng xảy ra tố lốc thôi.

Ở miền Bắc, thời tiết đã sang thu, nhưng chưa phải là tháng chuyển biến rõ rệt để gây ra tố lốc mạnh.

Vậy ông lý giải gì về những cơn mưa và lũ quét xảy ra dồn dập thời gian qua tại các vùng núi phía Bắc?

Đi kèm với những biến đổi của thời tiết là hành động chặt phá rừng của con người làm cho lớp đất giữ nước kém hơn trước. Ví dụ như trận lũ quét tại Quế Phong (Nghệ An) vào đầu tháng 10/2007, chia cắt hoàn toàn 3 xã, làm hàng chục người chết, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn... Nguyên nhân là do sạt lở từ trên núi đem đất đá chặn dòng chảy của sông, đồng thời đất đá cũng tạo nên một con đập mới, khi đập bị vỡ đã tạo nên trận lũ quét kinh hoàng đó.

Như vậy, có thể nói rằng, lũ quét tại các vùng núi phần nhiều do khai thác các vùng triền núi, triền sông mà ra.

Những ngày này, người dân miền Bắc thi thoảng nhận được tin không khí lạnh tràn về, làm thời tiết dịu mát, đôi khi còn se lạnh vào đêm khuya và sáng sớm. Liệu đây có phải là dự báo về một mùa đông đến sớm hay không?

Có những đợt không khí lạnh yếu đến vào tháng 9, nhưng sau đó cũng không ai khẳng định là mùa đông đến sớm được. Mùa hè năm nay, do hoạt động của hệ thống thời tiết phía nam không mạnh, hệ thống thời tiết phía bắc lấn át được nên gây ra mưa. Còn nếu nói cứ tháng 9 có không khí lạnh về là mùa đông đến sớm thì chưa có căn cứ và trong số liệu cũng không phải như thế.

Năm ngoái miền Bắc đã có một mùa đông khắc nghiệt, liệu năm nay tình hình thế nào?

Còn quá sớm để dự báo về tình hình thời tiết mùa đông, bởi đến giữa tháng 10 chúng tôi mới có cơ sở để đưa ra dự báo. Năm ngoái, chúng ta đã phải trải qua một mùa đông rét hiếm thấy trong dãy số liệu kể từ năm 1955.

Tuy nhiên, căn cứ trên dãy số liệu các năm trước, tôi chưa thấy có 2 năm liền rét đến mức độ như thế.

Xin cảm ơn ông!

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm