Con đường gian truân
(Dân trí) - Đầu năm 2005, sau 2 năm chính thức được đưa vào sử dụng, tuyến đường tránh qua thành phố Huế đã bắt đầu hư hỏng và từ đó đến nay tiếp tục xuống cấp trầm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của mọi phương tiện và người dân mỗi khi qua đây.
“Bò” qua thành phố Huế
Đó là cách nói của những lái xe khi qua tuyến đường này. Tốc độ cho phép là 80 km/h, nhưng con đường dài gần 36km nham nhở với ổ voi, ổ gà, sình lún… này chỉ “cho phép” lái xe chạy khoảng 30-40 km/h.
Cầu Khe Ly đang sửa chữa vẫn rung bần bật khi xe chạy qua.
Một tài xế xe tải bức xúc: “Cả tuyến đường chỉ được đoạn cuối giáp thị trấn Tứ Hạ đang tạm ổn định, còn lại hơn 30 km thì nham nhở ổ voi, sụt, lún. Đường hư hỏng nên đá rải bung cả mặt đường, chỗ thì đá nhọn chĩa lên, cứ qua một ổ voi là thở phào nhẹ nhỏm vì lốp bị đá “ăn” là chuyện thường ngày”.
Không chỉ cánh lái xe tải, bất cứ ai đi qua quãng đường này đều khốn khổ. Những cái “bẫy” giăng khắp mọi nơi, ngày nắng cũng như ngày mưa. Chị Nguyễn Thị Nhàn là giáo viên, thường phải đi qua đoạn đường này tới trường, phàn nàn: “Mùa nắng thì bụi và đá nhọn rải khắp mặt đường, mùa mưa thì nước lấp hết những ổ gà, ổ voi nên không thể thấy được. Nhiều vụ tai nạn đều do thế cả...”
Theo báo cáo của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế thì tuyến đường trên bị rạn nứt nặng với diện tích hơn 14.000 m2. Nằm chung số phận là những chiếc cầu, cống trên tuyến đường này cũng đang xuống cấp và hư hỏng nặng, đơn cử như cầu Tu Ca, Khe Ly, Khe Nước, Khe Thương, Tuần, Châu Ê… |
Đang lúc chúng tôi trò chuyện thì cách đó hơn 100m, một tiếng nổ lớn vang lên. Đến nơi, chúng tôi chứng kiến chiếc xe tải nằm nghiêng bên lề đường với 2 chiếc lốp nổ banh. Lái xe nhảy xuống, chỉ chiếc lốp bị rạch “ngọt” như vết dao cắt, nói như phân trần: “Đá ở đây sắc như dao. Lại “đi tong” 2 cái lốp mới nữa”.
Cách đó không xa, chiếc xe tải mang biển số 30L-1297 cũng nằm vật vạ từ đêm hôm trước vì bị đá “ăn” cả 2 lốp sau.
“Đã cố gắng sửa…”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Giáo, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế (CT CP QL&XD ĐB TT Huế), cho biết: Đường tránh Huế hư hỏng xuống cấp nhanh do lưu lượng xe càng ngày càng cao; bên cạnh đó thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp cũng là yếu tố gây nên tình trạng trên. Một phần còn do chất lượng công trình không bảo đảm, chưa lường hết một số vấn đề kỹ thuật khi xây dựng...
Rất nhiều xe tải bị đá "ăn" lốp.
Đơn cử tại gói thầu số 11 (xây dựng 8 cầu từ km0-km18) do Công ty CP Xây dựng giao thông 525 thi công đã bị hư hỏng, một số hạng mục: khe co giãn, đường vào cầu lún và ¼ nón mố nứt vỡ. Do không đồng bộ trong quá trình thiết kế và thi công vội vàng nên không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chỉ sau vài tháng sử dụng đã hư hỏng. Hầu như các khe co giãn đã hỏng phần bê tông đỡ dưới và vỡ bê tông, lòi cốt thép phần nối giữa khe với bản mặt cầu làm các tấm cao su sập lún hư hỏng hoàn toàn gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Cung đường QL 1A tránh thành phố Huế trị giá đầu tư trên 385 tỷ đồng. Công trình dài 35,837km, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Biển Đông (Bộ GTVT) giám sát chất lượng kĩ thuật, 3 đơn vị thiết kế và 11 đơn vị thi công. |
Đến ngày 12/5/2006, thông báo số 213/ TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại buổi kểm tra hiện trường tuyến QL 1A, đoạn tránh Huế đã giao Ban QL Dự án Biển Đông, các nhà thầu và đơn vị quản lý, tư vấn giám sát khắc phục những hư hỏng trên.
Thế nhưng, tuyến đường tránh Huế vẫn tiếp tục hư hỏng nặng, xuống cấp ngày càng trầm trọng hơn; giao thông trên tuyến hiện rất lộn xộn. Tình trạng xe container, xe tải hạng nặng, xe khách bị hư hỏng do “lọt” xuống ổ voi, ổ gà và bị đá đâm ngày càng nhiều hơn. Nhiều vụ tai nạn do người dân tự gây ra khi tránh những cái bẫy trên đường, các xe ô tô cũng va quệt nhau, lấn phần đường để tránh ổ voi, ổ gà, đá…
Theo CT CP QL&XD ĐB TT Huế, lưu lượng xe qua đây trung bình khoảng 5.000 xe/ngày.
Nguyễn Tân