1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Còn 26.000 tỷ đồng “tồn kho” trong bất động sản

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng về lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản thể hiện, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều những tháng qua nhưng giá trị tuyệt đối vẫn còn khá lớn. Tính đến 20/9/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm được gần 4.300 tỷ đồng so với cuối 2016.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu nhiều thông tin tại báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn.

Trước đó, trong các nghị quyết về chất vấn, Quốc hội giao Bộ trưởng Xây dựng nhiệm vụ tăng cường kiểm soát và quản lý để bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động ổn định, thông suốt và hiệu quả, tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là một trong những yêu cầu của Quốc hội với ngành xây dựng.

Cả nước còn hàng trăm dự án bất động sản ế đọng chở giải cứu nằm ở những nơi xa trung tâm, hạ tầng thấp kém.
Cả nước còn hàng trăm dự án bất động sản ế đọng chở giải cứu nằm ở những nơi xa trung tâm, hạ tầng thấp kém.

Người thu nhập thấp sớm được cải thiện nhà ở

Kết quả thực hiện yêu cầu trên được Bộ trưởng báo cáo trước hết ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát, điều tiết các hoạt động của thị trường. Bao gồm cả việc tạo lập, giao dịch, xác lập quyền sở hữu, quản lý sử dụng sản phẩm bất động sản, nhà ở, cũng như quản lý các chủ thể tham gia thị trường. Đồng thời, có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhằm giúp cho các đối tượng chính sách xã hội có thu nhập thấp có điều kiện cải thiện nhà ở.

Các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, đồng thời đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, hệ thống thể chế chính sách đã được mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản, mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Việc thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở phải căn cứ theo quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh…

Bộ trưởng Xây dựng đặc biệt nhấn mạnh, việc hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là một trong những bước đột phá, góp phần quan trọng tái cấu trúc thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp sớm có điều kiện cải thiện nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Pháp luật về nhà ở đã quy định, vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, gồm vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Theo đánh giá của Bộ trưởng thì các quy định mới này đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, được các cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khái quát, trên cơ sở tổng kết, đánh giá và đề xuất giải pháp về nguồn vốn cho các chương trình phát triển nhà ở của Bộ, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội và bổ sung cho chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng.

Tồn kho nằm ở dự án xa trung tâm, hạ tầng kém

Về mảng công tác quản lý thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, ¾ chặng đường của năm 2017, tức 9 tháng, ngành tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường. Sự ổn định thể hiện qua các yếu tố: giá cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường, tồn kho tiếp tục giảm mạnh, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Giá nhà ở trong thời gian này nhìn chung không có nhiều biến động, tại Hà Nội và TPHCM giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung cao cấp, vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, tiến độ thi công tốt, chủ đầu tư uy tín, có chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn thì giá bán có tăng nhẹ, khoảng 3-5% so với năm 2015 (cá biệt có những dự án có mức tăng đến 10%).

Lượng giao dịch thành công cũng giữ mức ổn định, chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp còn lượng giao dịch căn hộ có diện tích vừa và nhỏ thấp do nguồn cung trong giai đoạn này hạn chế.

Trong 9 tháng năm 2017, theo báo cáo của một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước); tại TPHCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4%).

Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ. Có 96 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 44.700 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 60.000 căn hộ.

Tính đến 20/9/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 26.294 tỷ đồng so với tháng 12/2016 giảm 4.279 tỷ đồng (giảm 15,24%); so với 20/8/2017 giảm 450 tỷ đồng.

Về những hạn chế, Bộ trưởng Xây dựng nhìn nhận, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng. Nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu, việc triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở vẫn còn chậm.

Ngoài ra, thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa đầy đủ và thiếu thống nhất, chưa bảo đảm công khai, minh bạch gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân khi tham gia thị trường. Đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối.

P.Thảo