1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cơm công nhân: Lượng chưa đủ nói gì đến chất

Thời gian và tình hình vật giá không ngừng biến đổi, riêng tiền ăn của công nhân là không đổi. Thậm chí các món ăn của bà “bếp trưởng” trong 360 ngày/năm cũng ít đổi thay. Món chủ đạo vẫn là cá biển, đậu phụ, canh cải các loại...

Theo chân “cơm di động”

 

Đúng 11 giờ, chiếc xe ba gác máy chở theo 150 suất cơm rời con hẻm 170 Lạc Long Quân hướng tới Công ty T (đường Phan Văn Hớn, quận 12, TPHCM), người người đổ ra nhận phần cơm. Cô công nhân (CN) trẻ xưởng xi mạ tên Hòa cầm một hộp cơm với vẻ mặt rầu rĩ: “Lại cá mặn, canh cải”. Thời gian ăn trưa 30 phút nhưng chỉ 15 phút sau, đống hộp đã chất đầy cổng.

 

Nhìn vào phía trong, rất nhiều suất ăn còn nguyên. Anh Tuấn, “tài” chở cơm của bà Tư L., thật thà cho biết: “Cơm trưa CN ế rất nhiều, ngày nào cũng thế, hai con chó của bảo vệ ăn mệt nghỉ!”. Anh thợ bảo trì Minh Vũ kể: “Có hôm cơm mang đến nơi đã có mùi, CN không ăn nổi, đình công không làm việc”.

 

Đúng giờ ngọ, chúng tôi “đột nhập” hành lang Công ty HN (phường 14, Tân Bình). Ở đây gần 200 CN, không có nhà ăn, mỗi người ôm một hộp cơm tùy nghi di tản. CN đứng ngồi ăn đủ kiểu, cả trên máy. Bà H. là chủ cho thuê nhà xưởng cũng chính là chủ bếp.

 

Gọi là bếp ăn công nghiệp nhưng nhìn qua duy nhất chiếc tủ lạnh cấp đông thực phẩm là hàng hiện đại nhất, các công cụ còn lại chỉ có nồi cơm, bếp than và các dụng cụ soong, chậu rửa. Hợp đồng thuê nhà xưởng của bà H. đi kèm với điều kiện: nhà chủ phục vụ bữa ăn 2.500 đồng/suất, giá này ký kết cách đây hai năm.

 

Nhìn những CN ở tuổi 20-25 mà khuôn mặt xanh như tàu lá vì mệt, thiếu ngủ và cả thiếu ăn. Một nữ CN trẻ ngao ngán bảo: “Bữa trưa ở đây, con cá đã có mùi, miếng thịt ngoài đỏ, trong đen, ít rau, canh qua loa. Người khỏe lắm mới ăn hết suất cơm, người mệt chỉ dùng cơm với nước tương, không ăn thì đói, ăn thì ói”.

 

“Lượng chưa đủ, nói gì đến chất!”

 

Đại diện công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TPHCM cho biết hiện nay, riêng các KCX - KCN TPHCM tập trung trên 150.000 CN. 60% đơn vị tổ chức được bếp ăn tập thể, 40% đưa từ bên ngoài vào. Thường thì những doanh nghiệp có vài trăm CN không tổ chức bếp ăn tập thể mà thuê các hộ gia đình nấu ăn hoặc chính người thân quen trong nhà đứng nấu.

 

Một cán bộ phụ trách đời sống CN ở Công ty S thừa nhận: “Với 2.000, 3.000 đồng quả thật tôi không biết họ nấu nướng thế nào cho ra bữa cơm, nhưng ban giám đốc chỉ đồng ý chi có bao nhiêu thôi, đành chịu. Lượng còn chưa bảo đảm huống gì là chất”.

 

Bên cạnh đó, không ít công ty không tổ chức bữa ăn tập thể mà phát tiền ăn cho CN tự túc. Phục vụ đối tượng này có cả “thế giới cơm” nằm cạnh các công ty, xí nghiệp, các KCX - KCN. Đây là nơi hội tụ của cơm đĩa, cơm phần, cơm hộp, cơm tháng các loại, quán cơm, tiệm cơm, lều cơm và cả gánh cơm.

 

Mặc cho những cơn lốc bụi mù của dòng xe qua lại, mặc ruồi và bất chấp cả sình lầy, cơm bụi nằm ngay bên miệng cống, bên cạnh ao tù.

 

Theo thông tin từ ngành y tế TPHCM, hiện nay chỉ mới kiểm soát được 10% lượng thực phẩm mà người dân tiêu thụ hằng ngày. Gần 90% thực phẩm còn lại dịch chuyển bằng nhiều con đường, chẳng ai kiểm soát nổi. Do vậy, khi nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn, sản phẩm thức ăn chế biến công cộng có nguy cơ ngộ độc sẽ là điều không tránh khỏi.

 

Các vụ ngộ độc thức ăn tập thể gần đây đều có sự trùng hợp với nhận xét trực quan của CN: thức ăn có mùi hôi, vị lạ; thịt có màu sắc nhợt nhạt, cá thì bủn và rất tanh.

 

Trung tâm y tế các quận huyện vùng ven: Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi... là nơi tiếp nhận nhiều ca CN ngộ độc.

 

Các bác sĩ cho biết đây là thời điểm có nhiều nguy cơ ngộ độc thức ăn, phòng cấp cứu của các trung tâm y tế vùng ven không đủ khả năng đối phó. Trong khi đó, hàng trăm ngàn con người ở mỗi bếp ăn không đảm bảo chất lượng với những nguy cơ ngộ độc, bệnh dịch tiềm ẩn đằng sau những bữa ăn vội vã lúc tan ca.

 

Theo Nguyễn Bay
Tuổi Trẻ