Cơm bình dân giá "cắt cổ" ở Vũng Tàu

Bước vào quán cơm bình dân, nhưng chúng tôi vẫn bị “chém” một đĩa ốc hương 12 con bằng ngón tay cái giá 150.000 đồng, cao gấp đôi so với giá tại khách sạn ba sao. Trong khi đó, không biết bàn khách ngồi kế bên xơi phải những món gì, nhưng chủ quán tính 6 người ăn hết gần... 3 triệu đồng.

Kết thúc Festival Biển, một số quán cơm bình dân ở Vũng Tàu lại đua nhau trỗi dậy như nấm, trở thành nỗi ám ảnh đối với du khách...

Trong tờ bướm mà “cò cơm” của quán A ném lên xe cho du khách ghi rõ 20.000 đồng/ phần cơm 4 món, 10.000 đồng/ đĩa cơm sườn….

Thế nhưng, khi chúng tôi gọi thực đơn thì nhân viên phục vụ lại bảo “giá đó dành cho khách đoàn từ 30 người trở lên”. Với đoàn dưới 10 người, chúng tôi chỉ được dùng thực đơn tự chọn có giá 40.000-100.000 đồng/món.

Mặc dù hết sức cảnh giác, né tránh các món như bào ngư và hải sâm, nhưng chúng tôi vẫn bị chém một đĩa ốc hương 12 con bằng ngón tay cái giá 150.000 đồng, cao gấp đôi so với giá đang bán tại khách sạn ba sao. Trong khi đó, không biết bàn khách ngồi kế bên xơi phải những món sơn hào hải vị gì, nhưng chúng tôi nghe chủ quán tính 6 người ăn hết gần 3 triệu đồng.

Khách chỉ thốt lên mỗi câu “sao đắt thế”, rồi đề nghị chủ quán xuất hóa đơn tài chính thì nhận được câu trả lời lạnh tanh: “Ở đây đóng thuế khoán không có hóa đơn đỏ”.

Tại quán cơm K chúng tôi ghé sau đó, cũng nằm trên đường Hoàng Hoa Thám và chỉ cách quán A vài chục mét, chúng tôi mới thực sự thấm thía cảm giác bị lừa. Đoàn 7 người ăn cơm bình dân (4 món) và uống 5 chai bia Sài Gòn đỏ, khi thanh toán hết 468.000 đồng.

Chúng tôi thắc mắc: “Sao gọi tô canh chua loại 50 ngàn lại làm tô 248.000 đồng?”. Chủ quán đổ cho nhân viên phục vụ nghe nhầm nên nói đầu bếp làm canh cá mú tươi sống, “mong quý anh thông cảm”. Đến khi chúng tôi đưa máy ảnh kỹ thuật số ra chứng minh tô canh chỉ có mỗi cái đầu cá, không phải cả con cá nặng trên 1kg như ghi trong hoá đơn, chủ quán mới chịu trừ thẳng vào trong hóa đơn từ 468.000 xuống còn 281.000 đồng.

Hỏi phần khuyến mãi ghi trong tờ bướm “tặng một món ăn đặc sản biển tươi sống” đâu sao không trừ, chủ quán chỉ vào đĩa dưa hấu vài miếng loe ngoe đặt trên bàn, trả lời cộc lốc: “Thì thay bằng cái này!”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu) có khoảng 10 “cò cơm” thường xuyên hoạt động, những ngày đông khách du lịch, các quán ăn tung ra số lượng gấp đôi.

Những đối tượng này được chủ quán tuyển dụng từ nhiều nguồn, được sắm cho xe máy, mỗi ngày chu cấp 30.000 đồng tiền xăng để đi “rải truyền đơn” (tờ quảng cáo quán cơm). Tùy theo mỗi quán, thông thường tỷ lệ ăn chia giữa “cò cơm” và chủ quán là 3/7, mọi chi phí do chủ quán chịu.

Một “cò cơm” tên V. từng làm cho quán N nhưng nay đã giải nghệ cho biết có tới 1.001 kiểu đưa khách vào tròng. “Cò” V. kể, có lần đang mai phục trước một khách sạn ở Bãi Sau nghe khách bảo tài xế đưa đi ăn trưa nhưng dặn không ghé những địa chỉ có người rải tờ rơi ngoài đường.

Vội vàng giấu xấp tờ rơi xuống yên xe, V. giả đóng vai anh xe ôm tốt bụng chỉ cho khách những quán ăn uy tín, sau đó tình nguyện làm hoa tiêu dẫn đường đưa khách vào đúng quán mình bảo kê.

“Cò” V. xác nhận không kinh doanh gì siêu lợi nhận bằng kiểu “cơm lừa”. Để có thể chi ra một khoản hoa hồng lên tới ba mươi phần trăm cho “cò”, chủ quán phải “móc túi” thực khách bằng cách lừa lọc như: cân thiếu, đánh tráo, chặt chém vô tội vạ.

Theo T.H - T.A
Tiền Phong