1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên

(Dân trí) - Sau hàng chục năm bị lãng quên, những chiếc cối xay lúa thủ công, chủ yếu được làm bằng tre, gỗ, đất sét, từng là công cụ lao động không thể thiếu của người dân vùng nông thôn, đã “sống dậy”. Cối xay lúa bằng tre được đưa đi khắp nơi, mang đến cho mọi người ký ức đẹp về một thời gian khó.

Lão nông Nguyễn Trường (82 tuổi, ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thuộc số ít người còn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.

Tìm lại nét xưa của nông thôn Việt Nam qua chiếc cối xay tre

Những năm gần đây, những chiếc cối xay lúa bằng tre khá độc đáo và lạ mắt do ông Nguyễn Trường làm nên được đưa đi nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 1

Những chiếc cối ông Trường làm ra nhìn khá đẹp mắt.

Ông Trường kể, nghề làm cối xay lúa do ông cố truyền lại. Ông thuộc thế hệ sau nên không nhớ được tường tận. Đến năm 10 tuổi, ông học nghề và theo cha đi khắp nơi để làm. Lớn lên, đã có gia đình thì ông làm riêng. Hồi trước, ông đi khắp làng vùng biển Hải An, Hải Khê... để làm nghề.

“Trước đây làm đổi bằng lúa, nhà nào đưa tiền thì lấy tiền. Tùy thuộc vào thời giá, nếu sửa cối xay thì 2 thúng lúa, đóng mới thì 7-8 hoặc chục thúng lúa”, ông Trường cho hay.

Giai đoạn chiến tranh, ông Trường nghỉ làm. Đến thời kỳ sau ngày giải phóng ông Trường mới trở lại sống bằng nghề này.

Về sau này, khi bắt đầu có điện, rồi có máy xay lúa thì chiếc cối xay lúa bằng tre, gỗ dần bị quên lãng. Chỉ một số ít người dân vùng nông thôn còn sử dụng. Cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại, chiếc cối xay lúa bằng tre cũng dần biến mất. Những người sống bằng nghề đóng cối xay như ông Trường cũng phải tìm nghề khác để sinh sống. Khi nhớ nghề, ông lại đưa dụng cụ ra để làm lại.

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 2

Sau hàng chục năm, ông Trường vẫn giữ được nghề của cha ông để lại.

Gần đây, khi ngành du lịch phát triển cũng là lúc những chiếc cối xay lúa bằng tre có cơ hội “hồi sinh”. Một số người muốn tìm lại ký ức đẹp của người dân vùng nông thôn thời xưa đã đặt hàng ông Trường làm cối.

Dẫu gác nghề sau hàng chục năm, bàn tay tài hoa của ông Trường vẫn làm ra được những chiếc cối đẹp mắt.

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 3

Những chiếc cối làm ra chủ yếu được dùng để trưng bày.

Trong căn nhà 3 gian cổ kính tại vùng quê Hải Ba, người dân trong vùng lại thấy ông Trường hì hục đục đẽo, đan tre làm cối xay lúa.

Ông Trường cho biết, để làm ra những chiếc cối như vậy mất tầm 5-7 ngày. Công đoạn đầu chẻ tre đan phải chọn tre già tốt. Xong công đoạn đan tre thì chuyển qua làm gỗ. Sau đó, phải dùng đất sét trộn muối đắp lên... rồi mới đến công đoạn lắp ghép. Giai đoạn nào cũng vất vả và khó khăn, cần phải thuần thục mới làm được.

Ngoài ra cần tính cẩn thận và chịu khó, làm sao để khi đổ lúa lên và xay ra gạo mới đạt yêu cầu.

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 4

Theo ông Trường, công đoạn nào cũng quan trọng.

Ông Trường nói rằng, từ đầu năm đến nay ông đã làm ra 10 chiếc cối xay đưa đi các nơi. Những chiếc cối xay lúa bằng tre độc đáo “xuất xưởng” được đưa vào các bảo tàng, khu du lịch hay các nhà vườn, quán cà phê.

Ông Trường làm theo nhu cầu, chỉ những ai đặt hàng ông mới bắt tay vào đóng. Những chiếc cối làm ra tùy thuộc vào độ phức tạp mà có giá khác nhau, tầm từ 2-3 triệu đồng mỗi chiếc.

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 5

Những chiếc cối làm ra phải xay được lúa...

Cối xay lúa bằng tre “hồi sinh” sau nhiều thập kỷ bị lãng quên - 6

... thành gạo mới đạt yêu cầu.

Theo ông Trường, hiện ở địa phương chỉ có ông và em trai ông làm được loại cối này. Người con của ông cũng đang học nghề đóng cối xay.

Ông Nguyễn Tựu (52 tuổi, con ông Trường) chia sẻ, thời gian qua ông đang học tập từ cha mình nhưng chưa đạt đến sự thuần thục. “Tui sẽ cố gắng học tập thêm để lưu giữ nghề của cha ông truyền lại, tránh để cho nghề mai một”, ông Tựu nói.

Đăng Đức