“Có vụ án dã man chưa từng nghe lại xảy ra ở Đà Nẵng”
(Dân trí) - “Có vụ án dã man chưa từng nghe liên quan tội phạm ma túy lại xảy ra ở Đà Nẵng. Mà những vụ án dã man như vậy hầu hết liên quan tới tội phạm ma túy. Sự việc xảy ra không ai mong muốn, nhưng đã xảy ra mình phải thấy xấu hổ. Đà Nẵng phải tuyên chiến đất này không phải là đất của tội phạm”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng - sau phiên thảo luận sáng nay 7/12 tại kỳ họp thứ ba - năm 2016 của HĐND thành phố đang diễn ra.
“Đà Nẵng phải tuyên chiến đất này không phải là đất của tội phạm”
Nhiều ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay 7/12 tại kỳ họp thứ ba - 2016 của HĐND TP Đà Nẵng bàn về vấn đề phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy.
Theo đại biểu Trần Công Thành (Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng), nghiện ma túy là một trong những nguyên nhân cơ bản nảy sinh tội phạm. Đại biểu Thành cho biết, riêng tội phạm về ma túy năm 2016 phát hiện 133 vụ, nhiều hơn 2.1%; 179 đối tượng, nhiều hơn 12,6% so với năm 2015. Về đối tượng sử dụng ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp (96%). Đối tượng lợi dụng nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... để sử dụng nên khó phát hiện và xử lý.
Trong lĩnh vực pháp chế phòng chống tội phạm, đại biểu Thành đề nghị: “Cần khắc phục hạn chế trong quản lý các cơ sở kinh doanh làm sao không để xảy ra sai phạm, chứ không phải để xảy ra sai phạm rồi xử phạt rồi lại cho hoạt động. Đề nghị tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm thì công khai vi phạm, rút giấy phép kinh doanh”.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần thể hiện quyết tâm quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đại biểu Trần Công Thành: Làm sao để không xảy ra sai phạm chứ đừng để xảy ra rồi mới xử phạt.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm tới các ý kiến của nhóm pháp chế phòng chống tội phạm. Ông Nguyễn Xuân Anh đồng ý với ý kiến của đại biểu là trong phòng chống tội phạm còn thiếu quyết tâm.
“Mới đây, Đà Nẵng đầu tư hơn 30 tỷ đồng để cấp ô tô cho công an phường. Không phải mình giàu có, mà đây là sự quan tâm hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ công an từ cấp phường, góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh năm 2017 tới đây, Đà Nẵng có nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Tuần lễ cấp cao APEC, lễ hội pháo hoa quốc tế...
Phải thể hiện quyết tâm trong từng cán bộ, chiến sĩ công an của thành phố. Tôi biết anh Tam (Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) rất quyết tâm chiến đấu với tội phạm tới hơi thở cuối cùng. Làm sao lan tỏa được quyết tâm đó tới từng cán bộ, chiến sĩ công an. Tình hình tội phạm ma túy, nhất là loại hình ma túy tổng hợp, hiện nay diễn biến rất phức tạp.
Có vụ án dã man chưa từng nghe liên quan tội phạm ma túy lại xảy ra ở Đà Nẵng. Mà những vụ án dã man như vậy hầu hết liên quan tới tội phạm ma túy. Sự việc xảy ra không ai mong muốn, nhưng đã xảy ra mình phải thấy xấu hổ. Đà Nẵng phải tuyên chiến đất này không phải là đất của tội phạm. Đề nghị Nghị quyết của HĐND thành phố nêu đậm nét chỗ này” - ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng còn lưu ý việc phòng chống tiêu cực trong lực lượng công an: “Tội phạm có rất nhều thủ đoạn, có cả những thủ đoạn ngon ngọt chứ không phải chỉ có giang hồ bạo lực. Giang hồ bạo lực chỉ là phần nổi, còn phần tảng băng chìm luồn lách, mua chuộc cán bộ, để cán bộ sa ngã, thông đồng để tội phạm lọt lưới. Bên cạnh quyết tâm tuyên chiến với tội phạm, còn phải thường xuyên phòng chống để không xảy ra tiêu cực trong lực lượng công an”.
“Bây giờ đặt ra vấn đề về văn hóa từ chức không sớm”
Sau khi nghe các đại biểu phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Xuân Anh cũng ghi nhận và đồng ý với ý kiến của đại biểu Lê Minh Trung (Bí thư quận Thanh Khê) về vấn đề phân cấp, phân quyền, và trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo đại biểu Trung, người có chức thì phải có quyền và có trách nhiệm. Người đứng đầu có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm cá nhân với những sai phạm do mình điều hành gây ra. Tránh tình trạng khi có thành tích thì cá nhân nhận, nhưng khi có sai phạm thì tập thể chịu.
Đại biểu Trung cho biết ở quận Thanh Khê, trong năm 2016, đã xử lý 10 cán bộ từ phường đến quận liên quan đến việc để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn. Đại biểu Trung cũng nêu ý kiến những vấn đề nhất thiết thì thành phố phải nắm nhưng những vấn đề thực thi thì nên giao cho quận, huyện quyết định và chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Xuân Anh đồng ý với đại biểu Trung có những việc quản lý ở cấp cơ sở sâu sát thực tế, nắm rõ hơn để có hướng giải quyết cụ thể, hợp lý. Và đề nghị người đứng đầu các sở ban ngành, quận huyện phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của mình. Việc gì cấp thiết thì trao đổi trực tiếp với lãnh đạo, thấy đúng thì làm, làm sai thì chịu trách nhiệm chứ theo quy trình cứ làm văn bản xin ý kiến gửi lên rồi chờ thì chậm trễ.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng chia sẻ ghi nhận ý kiến của đại biểu về vấn đề phòng chống tham nhũng, xử lý khi phát hiện có tham nhũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và văn hóa từ chức. Ông nói: “Về xử lý các vụ tham nhũng thì Trung ương hiện cũng đã có chủ trương quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Vì anh quản lý không sâu sát để xảy ra sai phạm thì anh phải chịu trách nhiệm. Còn về văn hóa từ chức, tôi thấy ở nước ngoài người ta rất nhẹ nhàng. Như ông Thủ tướng Ý vừa mới từ chức vì cảm thấy mình không được tín nhiệm. Hay Thủ tướng New Zealand cũng mới bất ngờ từ chức như báo chí đưa tin vì lý do gia đình, rất nhẹ nhàng. Ở mình bây giờ đặt ra văn hóa từ chức không phải là sớm”.
Trong phiên thảo luận sáng 7/12, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cũng nêu nhiều ý kiến về các vấn đề cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông...
Tâm An