1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Cò” vé: Cần là có!

(Dân trí ) - “Anh đi đâu? Hết vé rồi. Đừng vào bến mất công. Lên xe tôi chở qua bên kia. Có xe xuất bến. Đảm bảo lên xe là đi”. Nguyễn Phi Hải, Đội phó Đội xe ôm xung kích Bến xe Miền Đông cũng tham gia “cò vé” với những lời tuyên bố chắc nịch.

“Cò” vé: Cần là có! - 1

"Vé chợ đen" được bán mua nhộn nhịp ngay trước cổng ga.

Đội phó Đội xe ôm của bến xe cũng làm… “cò”

Trong vai một hành khách đang đi tìm tấm vé xe về quê, chúng tôi vào cổng số 1 của bến xe Miền Đông - TPHCM. Ngay lập tức, 5 bác tài xe ôm trong Đội xe ôm xung kích mặc áo màu xanh, mang logo của bến xe ra chào đón chúng tôi. “Anh đi đâu? Đi Đà Nẵng à? Hết vé rồi cha ơi! Lên xe tôi chở qua cổng bên kia, có vé đi liền”  - “cò” Hải gạ khách.

“Giờ mà tìm vé, khó lắm anh ơi! Thôi, anh em giúp nhau. Tôi đưa anh ra đầu cầu Bình Triệu, xe quen của tôi trong bến ra sẽ đón anh. Giá hữu nghị ba trăm nghìn” - một “cò” tỏ ra tình nghĩa.

Tại cổng số 1 của bến xe, lượng “cò” hoạt động tấp nập. “Cò” chặn ngay cổng vào để “hù” khách là đã hết vé. Rồi họ bắt đầu ra giá: “Về Quảng Nam thì ba trăm rưỡi. Về Bình Định thì giá hai trăm tám. Đi lẹ lên, không thì hết xe ráng chịu” - một bác tài trong Tổ xe ôm tự quản cũng tham gia “cò”.

Trước những bằng chứng mà PV Dân trí cung cấp, chiều ngày 12/1, lực lượng bảo vệ của bến xe Miền Đông đã tóm gọn 3 bác tài xe ôm kiêm “cò vé chợ đen”. Điều đáng nói, trong đó có Nguyễn Phi Hải - Đội Phó đội xe ôm xung kích do UBND Phường 26, Q. Bình Thạnh lập ra để tham gia đưa rước khách và bảo đảm an ninh trật tự tại bến xe.

Ông Kim Văn Thanh - Đội trưởng đội Bảo vệ của Bến xe Miền Đông - cho biết: “Đây là những người hành nghề xe ôm được UBND phường tuyển chọn và giới thiệu vào hoạt động trong bến xe. Chúng tôi sẽ đuổi việc ngay những người này. Không thể để họ lợi dụng chiếc áo, logo của bến xe mà làm bậy thế này được”.

“Cò” từ bến xe đến nhà ga xe lửa

Tình hình “cò” còn xuất hiện khá rầm rộ tại Bến xe Miền Tây. Đây là điểm trung chuyển lớn nhất hành khách, hàng hóa về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bằng các chiêu thức như “tung hỏa mù” hết vé, “cò” đã bán vé đắt hơn vài chục ngàn và đưa khách đi những xe chất lượng… “trời ơi”.
 
Tại bến xe Miền Tây, có hàng chục ông chủ “xe dù” như QV, H “xe lam”, T “sửu”, T “thắng”. Trong tay mỗi chủ có từ 3 đến 10 “xe dù” (15 đến 30 chỗ ngồi). Một số “xe dù” vốn là xe trong bến trước đây, nhưng khi xe “hết đời” chủ xe ra hoạt động “dù” bên ngoài. Trong số đó có thể điểm mặt các nhà “xe dù” như Doanh nghiệp TT, QV.

Thời điểm cận Tết, họ còn có khoảng 50 “cò” để bắt khách. Do bị bảo vệ bến xe không cho vào trong nên “cò” hoạt động rầm rộ ở phía ngoài cổng.

Mỗi cổng bến xe có đối tượng cầm đầu như C “mát”, T “đen”, T “lùn”. Từ sáng sớm đối tượng “cò” đã đợi khách tại 2 cổng ra, vào bến xe, một số đối tượng chặng xe người nhà chở người ra bến xe, rút chìa khoá xe gắn máy, chặn đầu xe taxi để lôi kéo khách.

Nhiều khách “nhẹ dạ” và hám rẻ để “cò” chở bằng xe gắn máy đến điểm đỗ “xe dù” tại các cây xăng, hoặc các hẻm trống đường Kinh Dương Vương. Tại đây, nhà xe thu tiền trước và bắt khách phải đợi cho đến lúc các “cò” rước đầy khách mới chịu khởi hành.

Thậm chí, “cò” còn liều lĩnh vào tận khu vực bán vé lôi kéo, mồi chài hành khách đi “xe dù”. Sáng 11/1, lực lượng bảo vệ Bến xe Miền Tây bắt giữ Lê Văn Thanh (25 tuổi) ngụ Q.Bình Tân, TPHCM về hành vi trên. “Cò” Thanh cho biết mình bắt khách cho ông chủ tên Điền. Nhóm của Thanh bắt khách đầy xe được ông Điền trả 120 đến 150 ngàn đồng (xe 15 chỗ, 30 chỗ). Thanh bị bảo vệ lập biên bản sau đó bàn giao Công an phường An Lạc (Bình Tân) xử lý.

Không những “cò vé xe”, các đối tượng này còn có khả năng “siêu phàm” khi vé tàu lửa cũng “cò tuốt luốt”. Khi tôi bảo chỉ đưa đứa em về Cần Thơ, còn mình phải ra Ga Sài Gòn mua vé về Miền Trung, “cò” T “lùn” liền xin số điện thoại. “Anh cần mấy vé. Tôi mua cho. Chị tôi bán vé ở ga đấy. Giờ này vé không còn đâu. Chị tôi có “xí” vài tấm. Tôi để lại cho anh”.

Tại cổng ga Sài Gòn, hàng chục phụ nữ, đạp xe lòng vòng rao bán vé. Có nhiều “cò” đem ghế nhựa ra ngồi chễm chệ trước cổng để bắt khách. Rầm rộ hơn là những thanh niên, ngồi trên xe máy rồ ga bám sát khi thấy xe taxi, xe máy chở khách vào. “Cò” Thanh ngã giá: “Anh cho tôi 200.000 đồng/vé”. Tôi ngạc nhiên: “Sao rẻ thế. Tôi về Đà Nẵng kia mà”. Thanh tiếp:“Không, đây là tiền công thôi, còn tiền vé là 400.000 đồng/vé”.

Trước đó, đêm 8/1, lực lượng bảo vệ ga Sài Gòn và công an P.9, Q.3 đã bắt gọn 2 đối tượng là anh em ruột làm và bán vé tàu giả. Hai đối tượng này tên là Trần Minh Tuấn (25 tuổi) và Trần Minh Tú (23 tuổi) cùng tạm trú tại đường Tô Ký, P. Trung Mỹ Tây, Q.12. 

Vẫn còn vé xe, tàu

Ông Phan Ngọc Thành - Phó Phòng bảo vệ Bến xe Miền Tây cho rằng, phía bảo vệ có trách nhiệm giữ An ninh trật tự trong khu vực bến, đối tượng chèo kéo hành khách trong khu vực bến đều bị bắt và bàn giao Công an. Tuy nhiên, các đối tượng này chỉ bị phạt hành chính, nhắc nhở rồi cho về, trường hợp cá biệt mới đưa đi trại giáo dục. Vì xử lý theo quy định chưa đủ mức răng đe nên có nhiều trường hợp “cò” bị bảo vệ bắt lập biên bản, bàn giao Công an phường xử lý, nhưng hôm sau lại tiếp tục tái phạm.

Thời điểm khảo sát thực tại của chúng tôi, các doanh nghiệp trong bến xe vẫn còn vé, nhưng bên ngoài bến xe, lực lượng “cò” phao tin “cháy vé”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Trưởng ga Sài Gòn - cho biết: “Chúng tôi đã lập một đội ngũ cán bộ, bảo vệ phối hợp với công an khu vực để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực ga. Đích thân đồng chí Chủ tịch UBND Quận 3 làm trưởng ban để điều hành việc này”.

Theo bà Phương, các đối tượng “cò” thường hoạt động phía bên ngoài khuôn viên của ga nên khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh. “Nhà ga đã làm hết sức mình nhưng vé chợ đen vẫn bị tuồn ra. Có thể, “cò” có được vé là trước đây xếp hàng mua rồi tích lũy và chặn mua lại của khách hàng giờ đem bán lại”.

Bà Phương khuyến cáo: “Hành khách chú ý, khách mua vé không đúng tên sẽ không được lên tàu. Bà con nên mua vé từ ga. Hiện số vé đã bán được 90% và vẫn còn vé phục vụ Tết. Hàng ngày, có khoảng 100 khách đến trả vé. Chúng tôi sẽ tiến hành bán lại những số ghế mà khách hàng trả lại cho những người có nhu cầu. Cũng cần nói thêm, những trường hợp như mua vé gia đình, đơn vị khi muốn đổi vé phải đến ga trước 7 ngày vé sử dụng và phải có xác nhận của đơn vị thì mới được đổi lại vé”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông: “Chúng tôi đảm bảo đủ xe để phục vụ bà con về quê ăn Tết. Bến xe sẽ làm hết sức mình để không có tình trạng chèo kéo, cò vé”.

Công Quang - Trung Kiên