1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có Trường Sa - Hoàng Sa trong lòng đảo Mắt

(Dân trí) - Chính giữa hòn đảo của xứ Nghệ có một tấm bản đồ Tổ quốc rực đỏ được khắc trên phiến đá xanh. Trên tấm bản đồ là lời khẳng định đanh thép: Hoàng Sa – Trường Sa là máu thịt, là một phần không thể tách rời của đất nước Việt Nam…

Tấm bản đồ chính là lời thề quyết tâm giữ đảo, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của lính đảo Mắt.

Đảo Mắt chỉ cách đất liền 2 giờ tàu chạy. Biển tương đối êm, sóng chỉ nhấp nhô chứ không bạc đầu. Lần đầu tiên ngồi thuyền ra đảo, chúng tôi lả đi vì say sóng. Vậy nhưng chỉ cần nghe anh chỉ huy tàu hô “Đến đảo Mắt rồi”, tất cả đều đứng dậy, mắt hướng vào núi đá sừng sững giữa 4 bề sóng vỗ, quên cả những cơn say sóng, quên những chòng chành dưới thân tàu.

Chúng tôi rưng rưng trước tình cảm mà anh em Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt dành cho những vị khách từ đất liền ra. Hai hàng quân đứng nghiêm, bàn tay giơ lên ngang vành mũ - Một lời chào trang trọng của lính. Phía sau lưng, hai lá cờ đỏ thắm khắc trên vách núi như một lời thề, rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam! Giữa sóng biển, những khuôn mặt rám nắng sao thân thương đến lạ dù chưa một ngày quen nhau. Những cái bắt tay, những vòng ôm siết thật chặt, những người khách từ đất liền ra như ngộp trong tình cảm nồng ấm của những người lính đảo.

Lời chào từ đảo Mắt.

Lời chào từ đảo Mắt.

Tấn bản đồ trên đá

Cao điểm của đảo Mắt cách mực nước biển 218m, đường lên đảo đã được lính đảo rút ngắn bằng những bậc thang gấp khúc. Bước chân ngược núi bỗng khựng lại khi bắt gặp một công trình đặc biệt: Bản đồ Việt Nam khắc trên phiến đá. Việt Nam – một dải núi và biển, mây và trời, đồng bằng và hải đảo hiển hiện trước mắt chúng tôi. Trên phiến đá nghiêng ra phía đảo, đất nước Việt Nam hiện ra rõ ràng, đầy đủ. “Công trình chào mừng 51 năm thành lập Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt đó em”, Đại úy Trần Văn Thảo - Chính trị viên Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt tự hào khoe với tôi. Phiến đá lên rêu xanh, như Biển Đông bao la ôm lấy dải đất hình chữ S.

Hình ảnh nước Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa được khắc nổi lên trên phiến đá, quét sơn đỏ chói. Hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên dòng chữ được đắp nổi “Đất mẹ linh thiêng – máu đào Tổ quốc”. Công trình này là ý tưởng của Thượng úy Nguyễn Viết Dũng - Chính trị viên phó Tiểu đoàn. Rất tiếc tôi không gặp được anh bởi anh đã chuyển công tác theo điều động của cấp trên. Thượng úy Võ Văn Hùng – Chính trị viên phó Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt giới thiệu qua cho tôi về ý nghĩa của tấm bản đồ Việt Nam giữa hòn đảo ở vị trí tiền đồn trong tuyến phòng thủ của xứ Nghệ này.

“Kiến trúc sư” của công trình này chính là anh lính quân y Bùi Hữu Đức (SN 1982, quê Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An), đã có 4 năm công tác trên đảo. Anh Đức khá bẽn lẽn nhưng khi được hỏi về bản đồ Việt Nam khắc trên đá, anh cười và say sưa nói. Theo Thiếu úy Đức, hiện thực hóa ý tưởng của Thượng úy Nguyễn Viết Dũng là cả một quá trình lao động nghiêm túc, không phải của riêng anh mà của cả đảo. Trước hết là tìm vị trí để khắc bản đồ.

“Ngắm nghía mãi cuối cùng chúng tôi cũng chọn được tảng đá nằm trên con đường từ cầu cảng dẫn vào trung tâm đảo. Có địa thế rồi lại cặm cụi tạo mặt phẳng để làm nền cho bản đồ. Chọn vật liệu để làm cũng khó khăn lắm. Cát, xi măng đều phải lấy từ đất liền ra. Cát cũng phải phân ra mấy loại, loại làm nền tạo mặt phẳng, loại đắp hình bản đồ, loại để làm các chi tiết nổi bật của từng miền… Khi tạo được mặt phẳng rồi lại phải khoan, đục lỗ để đảm bảo hồ có thể kết dính được. Sau khi đắp hồ lên đá, phải đo đạc tỷ lệ bản đồ rồi đục đẽo, đắp hồ tạo hình. Mất 3 tuần ròng rã gò lưng trên đá, với sự hỗ trợ của 6 đồng chí khác, tấm bản đồ Việt Nam mới hoàn thành”, Thiếu úy Đức cho biết.

Tái hiện qua lời nói thì là vậy nhưng để công trình hoàn thiện đó là cả một quá trình, đến nỗi như Thiếu úy Đức nói là ngồi lỳ trên tảng đá từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Ngày 15/1/2014 công trình chính thức “khởi công”, 3 tuần sau mới hoàn thành. Với những người có chuyên môn thì không phải là vấn đề quá khó khăn nhưng với người “tay ngang” như anh Đức thì là cả một vấn đề. Gò lưng cả ngày, có khi đứng dậy thấy chưa vừa ý lại phải sửa. Ngồi trên phiến đá nghiêng, riêng việc giữ cho vững đôi chân để yên tâm mà “sáng tạo” cũng mỏi nhừ các khớp xương rồi. Hết kẽ, vẽ, đắp lại xóa. Anh em trong đơn vị cũng quan tâm đặc biệt với công trình này nên thường xuyên ra ngắm nghía, góp ý. Cứ 9 người 10 ý, người làm nhiều lúc như “đẽo cày giữa đường”.

“Tạo hình bản đồ cũng chỉ tương đối thôi vì không thể chính xác được trên địa thế như thế này. Công đoạn hoàn thiện là tốn nhiều thời gian nhất. Nếu như cứ đắp hồ thành nền rồi kẻ chìm bản đồ như khắc vào đá thì đơn giản hơn. Đằng này phải đắp nổi bản đồ trên đá. Riêng việc tạo hình mấy ngôi sao năm cánh nổi là tốn thời gian và công sức nhất”, Thiếu úy Đức chia sẻ.

Tấm bản đồ Tổ quốc đặc biệt trên đảo Mắt.

Tấm bản đồ Tổ quốc đặc biệt trên đảo Mắt.

Nhìn vào tấm bản đồ đặc biệt này, những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX hiện rõ mồn một. Thủ đô Hà Nội được “đánh dấu” bằng hình ngôi sao năm cánh. Cuộc chiến đấu và chiến thắng hơn 1 thế kỷ xâm lược của thực dân Pháp được tái hiện bằng trận đánh trên lòng chảo Điện Biên Phủ. Mốc son chói lọi nhất trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất non sông được tái hiện bằng hình ảnh Dinh Độc lập trong ngày 30/4/2975 lịch sử. Tất cả, như một lời khẳng định, như một lời tuyên bố “Việt Nam đã đánh bại những kẻ thù sừng sỏ nhất của thực dân, đế quốc thì sẽ không bao giờ lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào”.

Mệnh lệnh của trái tim

“Thiếu úy Đức cũng là người viết đơn tình nguyện ra vùng 3 Hải quân công tác đó”, Thượng úy Hùng nói. Anh Đức cười: “Có gì đâu. Bất cứ người lính Hải quân nào cũng sẵn sàng ra Hoàng Sa. Khi Tổ quốc cần, không người lính nào từ chối mệnh lệnh của trái tim cả”.

Những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, do yêu cầu của thực tiễn của nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã gửi thông báo về các đơn vị để bổ sung lực lượng cho vùng, trong đó có quân y. Không chần chừ, Thiếu úy Bùi Hữu Đức viết đơn tình nguyện ra đảo. “Đối với người lính, nhiệm vụ ở đâu cũng là nhiệm vụ. Càng khó khăn thì người lính càng rèn luyện bản lĩnh và ý chí để hoàn thiện bản thân”, Thiếu úy Đức bộc bạch.

Tuy nhiên, lá đơn tình nguyện của Thiếu úy quân y Bùi Hữu Đức không được chấp thuận vì Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã bổ sung đủ quân số theo yêu cầu. “Hơi buồn, nhưng đối với lính biển, Hoàng Sa – Trường Sa luôn ở trong tim, thường trực trong ý nghĩ. Mình cùng anh em bảo vệ vững chắc đảo Mắt cũng góp phần “chia lửa” với Hoàng Sa – Trường Sa”.

Chia tay đảo Mắt, chia tay anh em lính đảo tiền tiêu của tuyến phòng thủ quan trọng của Nghệ An, hình ảnh tấm bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa vẫn hiển hiện trong tâm trí chúng tôi. Đảo Mắt vẫn vững vàng, hiên ngang bởi trong lòng đảo Mắt có Hoàng Sa- Trường Sa, như hai quần đảo này vẫn luôn trong tâm trí của người dân quê Bác.

Hoàng Lam