Khánh Hòa :
“Cơ trưởng” hỏa xa kể chuyện uống một ly cà phê qua 3 tỉnh, 2 miền!
(Dân trí) - “Chúng tôi lấy tiếng còi tàu làm nhạc! Lấy trâu bò, sông núi, đầm phá… làm cảnh thư giãn!”, anh hóm hỉnh và ngâm 2 câu thơ: “Hộp cơm đến bữa là may/Mì tôm quá bữa, ăn ngay qua ngày!”
Mang hạnh phúc tới cho mọi nhà…
Quê ở Nha Trang, anh Nguyễn Phúc Hải (SN 1965) - người có 31 năm công tác trong ngành đường sắt. “Tôi là người có đam mê, muốn rong ruổi tới các vùng đất của đất nước. Khi tiếp cận ngành đường sắt và trực tiếp lái tàu hỏa, tôi được thỏa mãn niềm đam mê đó. Tôi được rong ruổi khắp nơi”, anh Hải tâm sự. Năm 1987, người đàn ông Nha Trang nhận công tác tại Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang, thuộc Chi nhánh xí nghiệp đầu máy Sài Gòn.
Năm 1990, sau 3 năm phụ làm chức danh phụ lái tàu, anh Hải chính thức lái chính chuyến tàu đầu tiên chạy đoạn Nha Trang – Diêu Trì. “Tôi cảm thấy tự hào khi đưa đoàn tàu về đến ga an toàn, đúng giờ. Đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên chuyến tàu ấy”, anh bồi hồi kể.
Trước đó, người đàn ông quê ở Nha Trang từng theo học tại trường công nhân kỹ thuật đường sắt cơ khí 2 (tỉnh Sông Bé cũ). Hiện nay là trường Cao đẳng nghề đường sắt phân hiệu phía Nam.
Hơn 30 năm công tác trong ngành đường sắt, anh tâm sự bản thân từng ăn tết trên tàu hỏa cả chục lần. Phần lớn những lần đón giao thừa xa nhà ấy là trên đoạn đường sắt Sài Gòn – Đà Nẵng và ngược lại. “Tôi nhớ, năm 1989, sau khi có em bé thì tôi lái tàu đúng dịp Tết Nguyên đán rồi đón giao thừa dọc đường. Ngày ấy, tôi nhớ nhà và vợ con rất nhiều”, anh hồi tưởng.
Kể từ năm 2012, ngoài nhiệm vụ lái tàu đoạn Sài Gòn – Đà Nẵng, người lái tàu "kỳ cựu" này kiêm thêm chức vụ Đội trưởng đội lái tàu. Điều mà người đàn ông này luôn khắc sâu trong tim và nhắn nhủ tới các đồng nghiệp kế cận đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với nghề.
“Nghề lái tàu tuy có những thiệt thòi nhất định nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã mang hạnh phúc, sự sum họp tới cho mọi người, mọi nhà. Có một điều mà tôi luôn khắc ghi là tránh tai nạn giao thông đường sắt là tránh được tai nạn cho chính bản thân mình”, anh tâm huyết nói.
Uống một ly cà phê qua 3 tỉnh, 2 miền!
Anh Nguyễn Xuân Diệu (SN 1977), quê Tuy Hòa – Phú Yên. Anh Diệu có 16 năm công tác trong ngành đường sắt, trong đó có 7 năm làm lái tàu chính, đoạn Đà Nẵng – Bình Thuận, thuộc Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang. 7 năm lái tàu cũng ngần ấy năm anh ăn Tết trên tàu hỏa.
“7 năm qua tôi chưa có lần nào đón giao thừa ở nhà”, anh Diệu chia sẻ. Người đàn ông quê ở “xứ nẫu” cho biết, vợ và 2 con anh hiện đang ở tại quê nội Tuy Hòa. “Lúc đón giao thừa trên tàu hỏa, tôi nhớ họ da diết! Sau Tết, tôi thường được lãnh đạo sắp xếp cho về thăm nhà mùng 1 hoặc mùng 2 Tết”, anh kể.
Có lẽ, những chuyến tàu qua vùng quê Tuy Hòa - nơi anh “chôn nhau cắt rốn” - thường làm anh xúc động nhất. “Lúc đó ký ức tuổi thơ của tôi ùa về! Tôi nhớ tuổi ấu thơ của tôi trên vùng đất này”, anh bồi hồi kể. Theo anh, nghề lái tàu là một nghề đặc biệt nguy hiểm.
“Mỗi lúc tàu qua đường ngang không có rào chắn, giao cắt với đường bộ, dù kéo còi không ngừng nhưng tôi vẫn thấy hồi hộp, lo lắng vì sợ xảy ra tai nạn nghiêm trọng”, anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Diệu nói rằng, nghề lái tàu hỏa nhiều lúc uống một ly cà phê mà đi qua 3 tỉnh, 2 miền! “Chúng tôi lấy tiếng còi tàu làm nhạc! Lấy trâu bò, sông núi, đầm phá… làm cảnh thư giãn!”, anh hóm hỉnh và ngâm 2 câu thơ: “Hộp cơm đến bữa là may/Mì tôm quá bữa, ăn ngay qua ngày!”.
Năm mới, chúng tôi cầu chúc cho những người lái tàu tại Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang chân cứng đá mềm, luôn mang hạnh phúc, sum vầy đến cho mọi người, mọi nhà!
Viết Hảo - Th.Thảo