Có sự “lệch pha” khi hiểu về cảnh báo bão?
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi, nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 9, bức xúc cho rằng dự báo chưa chính xác dẫn đến địa phương bị thiệt hại nặng nề, trong khi Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia khẳng định mình không sai.
Ông Trần Văn Sáp |
Từ ngày 27/9 khi các bản tin cảnh báo về bão số 9 của chúng tôi phát đi, không có bản tin nào là vắng tên tỉnh Quảng Ngãi. Đúng là tại các bản tin ấy Quảng Ngãi được cảnh báo là vùng chịu ảnh hưởng. Và thực tế là bão số 9 đã diễn ra đúng theo dự báo của chúng tôi. Vấn đề là Quảng Ngãi đã chủ quan khi được thông báo là nơi phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Cần phải hiểu, bão không phải là một điểm mà là cả một vùng thời tiết nguy hiểm trong phạm vi hàng nghìn km. Thực tế khi bão vào một chỗ thì cách đó hàng trăm km cũng bị ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ. Đối với cơn bão này, phạm vi bán kính bão cấp 10 là 150 km và ảnh hưởng gió cấp 6 là 350 km. Vì vậy, Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 9 là điều tất yếu.
Cơn bão số 9 đã xéo nát các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Ảnh: Công Bính)
Ông có thể giải thích vì sao đến sáng 29/9, khi bão đã vào Quảng Ngãi rồi vậy mà đến 2h chiều Trung tâm vẫn thông báo bão đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lúc đó, tại Quảng Ngãi bão đã đi qua.
Bởi vì thực tế là như vậy. Theo kỹ thuật chúng tôi tính, khi tâm bão đi vào địa phận tỉnh đó thì mới là bão vào. Nếu tâm mới nằm ven ven thì không thể nói bão vào mà chỉ có thể nhận định vùng đó bị ảnh hưởng.
Vì thế, đến chiều 29/9 khi chúng tôi báo bão vào 3 tỉnh, thì thực tế bão đã ảnh hưởng vào vùng ấy.
Ở Quảng Ngãi, lúc người dân phản ảnh bão đã vào rồi thì trên thực tế nó đang bị ảnh hưởng (được định nghĩa khi có gió cấp 6). Tại đảo Lý Sơn, bão cấp 10 kéo dài đến hơn 24 tiếng, tức là cơn bão này đi chậm.
Được biết, tâm bão số 9 trong thực tế chệch so với dự báo là 45km?
Đây là sai số cho phép. Theo quy ước của Ủy ban bão Quốc tế, sai số dự bão so với thực tế là 150km và vị trí phân tích trên bản đồ cũng có sai số lên tới 30km.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là không nên chăm chăm nhìn vào tâm bão. Bão không phải là đoàn tầu cứ rầm rập đến mà là cả vùng thời tiết xấu. Cả đĩa mây và không gian khổng lồ thì phải có sai số.
Hàng trăm ngàn nhà cửa, cây cối bị quật đổ tả tơi (Ảnh: Đại Dương)
Nghĩa là trên thực tế, vùng được cảnh báo là ảnh hưởng trực tiếp bởi bão cũng nguy hiểm không kém vùng nằm trong tâm bão. Như vậy là có sự “lệch pha” trong cách hiểu về nội dung của các bản tin dự báo được đưa ra?
Đúng là trong ngành khí tượng có nhiều khái niệm chuyên môn khá sâu như: tâm bão mắt bão, ảnh hưởng hoàn lưu… đòi hỏi phải trao đổi kỹ thì mới có thể thống nhất hiểu nhau.
Có lẽ, lãnh đạo ở Quảng Ngãi khi nhận được cảnh báo là tâm bão ở vùng khác thì yên tâm là địa phương mình không trong phạm vi nguy hiểm.
Theo tôi, để tăng cường thêm khả năng phòng chống bão cần mở thêm những khóa huấn luyện các khái niệm chuyên môn trong ngành khí tượng để người dân cũng như lãnh đạo từng địa phương hiểu chính xác nội dung các bản tin dự báo thời tiết.
Xin cảm ơn ông!