1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cơ sở hạ tầng đang “kìm” sự phát triển của TPHCM

(Dân trí) - Phát biểu tại hội thảo “Đánh giá tác động 3 năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế TPHCM” tổ chức ngày 31/8, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: “TP nên đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Cơ sở hạ tầng đang “kìm” sự phát triển của TPHCM - 1
Quang cảnh hội thảo
 
Kinh tế TP chưa thay đổi nhiều
 
Báo cáo về kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP, Sở Kế hoạch Đầu tư cho rằng: “Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ; giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp để dần đưa TP trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước”.
 
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng đồng ý là cấu trúc kinh tế TP đang chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành dịch vụ, rõ nét nhất là từ thời điểm gia nhập WTO năm 2007.
 
Tuy nhiên, ông đánh giá: “Công nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế TP. Nếu như TP là một trung tâm thương mại - dịch vụ thì nó sẽ không suy giảm quá mạnh trong giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua”.
 
Ông dẫn chứng từ biểu đồ tăng trưởng GDP của TP trong giai đoạn từ quý I/2007 đến quý II/2010: “Trong năm 2009, mức suy giảm tăng trưởng kinh tế của TP lớn hơn của cả nước, tốc độ phục hồi cũng nhanh hơn cả nước”.
 
Câu hỏi ông đặt ra là tại sao như vậy? Và theo ông, đó là do TP vẫn quá phụ thuộc vào công nghiệp. Trong giai đoạn suy thoái, ngành công nghiệp suy giảm mạnh kéo theo sự suy giảm tăng trưởng kinh tế chung của TP.
 
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “25 năm qua kinh tế TP chưa thay đổi nhiều, vẫn chỉ là gia công thuê, phụ thuộc vào nước ngoài. Công nghệ cao chúng ta có rất nhiều nhưng làm ra công nghệ cao thì chỉ là con số zê-rô”.
 
Đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng
 
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Nếu TP thực sự chuyển dịch hẳn cơ cấu kinh tế sang khu vực dịch vụ thì ngoài vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước trong những năm bình thường, nền kinh tế TP còn đóng vai trò là vùng đệm cho tăng trưởng trong giai đoạn bất ổn, khủng hoảng. Vì các ngành dịch vụ là những ngành trụ vững trước tác động của bất ổn vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế thế giới”.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đồng tình: “TP nên đi vào những hoạt động kinh tế hiệu quả hơn, có giá trị gia tăng cao hơn, có thể là 1 trung tâm logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối…) kết nối các vùng xung quanh. Muốn vậy phải giải cho được các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông”.
 
PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định: “TPHCM là đầu tàu của cả nước. TP không “bay” thì cả nước cũng không “bay” được. Nhưng hiện nay TP tắc trên mọi ngã, lô cốt đầy đường, tháng ngập 2 lần… thế thì có bay được không?”.
 
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP chung ý kiến: “Lý do chính mà TP chưa phát triển được là vấn đề hạ tầng. TP đã 300 tuổi rồi, từ một cô thiếu nữ xinh đẹp đã trở thành một ông già to béo với nhiều căn bệnh. Cần làm mạnh để thay đổi mạch máu cho TP”.
 
Ông Nguyễn Xuân Thành “chốt” lại: “Việc tái cấu trúc kinh tế phải đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của cả nền kinh tế. Đối với Trung ương, đó là nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước và đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đối với TP, đó là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị và môi trường”.
 
Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho là TP nên thay đổi tư duy đầu tư hạ tầng. Ông cho rằng: “TP nên xác định đẳng cấp cho mình và xây dựng mới theo đẳng cấp đó, đừng nên vá víu, sửa sang những cái ta đang có”.
 
Để phát triển kinh tế TP, nhiều chuyên gia đều cho là TPHCM cần 1 thể chế riêng phù hợp với 1 siêu đô thị 10 triệu dân trong tương lai. PGS.TS Trần Đình Thiên cho là TP nên đi đầu trong đổi mới thể chế.
 
Nhưng TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: “Để đột phá thể chế mà lấy địa phương ra để đối mới như thập niên 80 - 90 (thế kỷ 20) là không thể. Nay muốn đổi mới phải từ bên trên, dưới làm. TPHCM không thể cải cách được nếu không thể thay đổi từ Trung ương. Chúng tôi từng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị cho TP mà ngay “cửa” Bộ Nội vụ còn không qua nổi nữa là…”.
 
Về đầu tư công, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Đầu tư cơ sở hạ tầng dàn trải và trùng lắp cần phải được loại bỏ để tập trung nguồn lực xây dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho những trung tâm kinh tế như TP”.
 
Tùng Nguyên