Nghệ An:
"Có rừng mà không cậy nhờ được vốn quý cũng bằng không!"
(Dân trí) - Đó là trăn trở của đại biểu tại Kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An khi kết quả nghiên cứu chỉ rõ, cứ tăng thêm 1% độ che phủ đồng nghĩa với việc mất đi 16.000 ha đất có khả năng nuôi, trồng cây con sinh lợi. Có rừng mà không cậy nhờ được vốn quý cũng bằng không.
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiều đại biểu nhận định khu vực miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế rất chậm, đời sống của đồng bào chưa được đảm bảo. Vì vậy cần tập trung nguồn lực kinh tế, không dàn trải và kéo dài.
Chiều 10/12, tại phiên thảo luận tổ 5 ở 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực về chất lượng đời sống cũng như bàn giải pháp căn cơ để phát triển khu vực vùng cao.
Đại biểu Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho rằng: “Ngoài cơ chế chính sách đã được thông qua thì cần tập trung nguồn lực kinh tế, không dàn trải và kéo dài. Các huyện miền Tây bây giờ cần tập trung đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tạo thành hàng hóa tập trung cũng như các thương hiệu sản phẩm của miền núi, qua đó tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm của nông dân...”.
Đại biểu Nguyễn Đình Minh bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, những dự án không thực sự khả thi nhưng chưa được thu hồi hoặc được tạo điều kiện gia hạn. Dựa trên tình hình thực tế, ông Minh cho rằng tỉnh Nghệ An cần tập trung ưu tiên nhiều hơn vào các huyện vùng sâu, vùng xa bởi đời sống của người dân hiện rất khó khăn.
Đại biểu Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định, miền Tây Nghệ An có nhiều lợi thế nhưng tiến độ phát triển rất chậm vì cơ bản chưa tìm ra giải pháp tối ưu: “Mặc dù trung ương, địa phương đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch phát triển nhưng kết quả thu về rất hạn chế. Nhiều đề án xây dựng xong lại không có nguồn lực để triển khai, thành thử người dân bản địa không được hưởng thụ là bao”.
“Cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư lên vùng cao cơ bản chưa rõ nét, đây là nguyên nhân căn cơ dẫn đến sự đình trệ của không ít dự án”, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nhấn mạnh.
Trong kế hoạch phát triển bền vững miền Tây, nhiều đại biểu trực tiếp đề nghị các cấp, ngành xem xét, đánh giá lại hiện trạng để có kế sách phù hợp nhất. Lúc này, Nghệ An thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng, tỷ lệ rừng đậm đặc là điều tối quan trọng nhưng hiện tại lại nảy sinh nhiều bất cập.
Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, cứ tăng thêm 1% độ che phủ đồng nghĩa với việc mất đi 16.000 ha đất có khả năng nuôi, trồng cây con sinh lợi. “Có rừng mà không cậy nhờ được vốn quý cũng bằng không. Quan trọng nhất vẫn phải hướng đến một cuộc sống đủ đầy hơn. Chung quy lại người dân không thể khư khư ôm rừng chịu đói. Hiện các địa phương đang thiếu đất sản xuất trầm trọng. Trước mắt, chúng ta phải tính đến phương án giảm dần tỷ lệ che phủ rừng”, một đại biểu trình bày quan điểm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng nên dừng cấp phép các dự án thủy điện vì nó mang lại nhiều hệ lụy cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, thời gian qua mặc dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng việc giải quyết hệ lụy, tồn đọng của thủy điện vẫn còn rất lớn.
“Chúng ta đã nói rất nhiều, hệ lụy của thủy điện là rất lớn. Bây giờ không chỉ xả lũ vào mùa lũ mà không có lũ cũng xả. Xả không đúng quy trình làm chết người”, ông Hải bày tỏ bức xúc.
Cùng quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, lãnh đạo huyện cũng đang “rất đau đầu” vì các hệ lụy do các nhà máy thủy điện gây ra.
Nguyễn Tú