Vụ án chứa mại dâm ở “Tiên quán”:

Cơ quan điều tra ép cung can phạm?

(Dân trí) - Cả ba bị cáo đứng trước vành móng ngựa đều một mực kêu oan là bị cơ quan điều tra ép cung, đánh đập. Nhưng lời khai của các nhân chứng đều chống lại họ. Luật sư bảo vệ thì đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung. Vụ án chứa mại dâm diễn ra rất căng thẳng tại TAND TP Hà Nội hôm 6/10.

Lật hồ sơ một vụ án

 

Quán Karaoke "Tiên quán" tại số 63 - xóm 16 - Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội do Dương Tiểu Tiên (sinh năm 1969) làm chủ từ năm 2001. Đến giữa tháng 4/2005, do kinh doanh không có hiệu quả nên Dương Tiểu Tiên đã quyết định thay đổi hình thức hoạt động: thuê thêm tiếp viên nữ, tổ chức thêm hoạt động tẩm quất thư giãn.

 

Khoảng 14h30 ngày 26/4/2005, Bùi Minh Tuấn, Nguyễn Đức Hoàng là hai khách hàng (không xác định được địa chỉ) rủ nhau đến "Tiên quán" để uống bia, hát karoke. Tại quầy bar có hai tiếp viên nữ là Bùi Thị Liễu (tức Trang, SN 1984 tại Quỳnh Phụ - Thái Bình) và Nguyễn Thị Bẩy (tức Lan Anh, SN 1986 tại Thanh Ba - Phú Thọ) vào phòng hát cùng Tuấn và Hoàng.

 

10 phút sau, Bẩy và Liễu xuống quầy bar nói với Dương Tiểu Tiên "khách cần mua dâm". Tiên đồng ý và Trần Gia Hà đưa bao cao su cho Bẩy và Liễu lên bán dâm tại 2 buồng trên gác xép lửng với giá 150.000đ/lượt/người.

 

Trong lúc Tuấn đang mua dâm cùng Bẩy, Hoàng mua dâm cùng Liễu thì bị Công an TP Hà Nội bắt quả tang. Khi đó, tại quán còn có 4 tiếp viên khác là Nguyễn Thị Sáu, Phạm Thị Thu, Bùi Thị Lan, Hà Thị Tâm.

 

Cơ quan điều tra đã kết luận Dương Tiểu Tiên cùng Nguyễn Văn Sơn và Trần Gia Hà là hai hàng xóm được nhận vào giúp việc dắt xe, bê nước, thuốc cho khách đã tổ chức cho gái bán dâm tại "Tiên quán" nhiều lần, đến 26/4/2005 thì bị bắt quả tang.

 

Cáo trạng của vụ án rất rõ ràng. Lời khai của những người bị thẩm vấn đều hết sức phù hợp, chặt chẽ. Lời khai của khách mua dâm, của gái bán dâm và của bản thân các bị cáo tại cơ quan công an điều tra số 7 Thiền Quang đều khớp với nhau. Nhưng tại phiên tòa, cả ba lại tố cáo cơ quan điều tra bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án.

 

Dương Tiểu Tiên kể lại hầu hết tình tiết vụ việc theo một hướng khác. "Tiên quán" chưa bao giờ để nhân viên hoạt động mại dâm. Vào buổi chiều 26/4/2005, hai vị khách Bùi Minh Tuấn và Nguyễn Đức Hoàng là người do công an "cài" vào (theo suy luận của Tiên) tự bỏ quần áo của mình và đã cởi được áo ngoài của hai cô nhân viên thì Công an TP Hà Nội ập tới. Khi Tiên mở cửa, hai nhân viên đã mặc lại áo nhưng hai vị khách vẫn hoàn toàn khỏa thân… ngồi đợi. Sau đó, hai nhân viên Liễu và Bẩy của "Tiên quán" đã bị tái lột trần để chụp ảnh.

 

Tại cơ quan điều tra, Tiên, Sơn, Hà đều tố cáo bị cán bộ lấy cung đe dọa, thậm chí đánh đến thương tích để ép cung. Tất cả các bản cung và bản kiểm điểm đều được viết sẵn hoặc đọc cho chép nên rất khớp với nhau. Trước khi vào trại tạm giam Công an Hà Nội, Tiên nói rõ, bác sĩ Bình khi khám sức khỏe còn không dám cho Bình nhập trại vì nhiều vết thương bầm tím ở ngực, phải chuyển đến Bệnh viện 198 - Bộ Công an làm giấy khám sức khỏe.

 

Dĩ nhiên, việc tố cáo đó không được Hội đồng xét xử chấp nhận vì không có bất kì căn cứ nào. Lời khai của tất cả các nhân chứng đều chống lại các bị cáo

 

Những câu hỏi không lời giải đáp của luật sư

 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Văn phòng LS Phạm Hồng Hải và cộng sự) trong phần bào chữa cho thân chủ là bị cáo Dương Tiểu Tiên đã vạch ra rất nhiều điểm "có vấn đề" trong vụ án này.

 

Trước hết, một điểm kỳ lạ trong vụ án chính là sự "thoắt ẩn thoắt hiện" của hai khách mua dâm. Sau khi bị đưa về Cơ quan điều tra để thẩm vấn, hai "thượng đế" bị xử phạt hành chính mỗi người 500.000đ rồi được thả, quy định 10 ngày sau phải nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước.

 

Chiều ngày hôm sau, 27/4/2005, xác minh tại Hoài Đức - Hà Tây, nơi hai "thượng đế" khai nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì địa phương cho biết không hề có hai đối tượng trên ở đây. Nhưng 2 ngày sau, 29/4/2005, cả hai đã "tình nguyện" quay lại Kho bạc Nhà nước, đàng hoàng nộp tiền phạt, mỗi người 500.000đ.

 

Luật sư đặt câu hỏi: một người bình thường trong hoàn cảnh này có hành động như hai "thượng đế" nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật như vậy? Câu hỏi không có lời giải đáp.

Một điểm "bất hợp lý" theo luật sư Bách thể hiện trong hồ sơ vụ án là 7 lời khai của hai khách và các nữ nhân viên của "Tiên quán" tại bút lục: 18, 22, 35, 37… lấy cùng một thời điểm giống hệt nhau: 17h ngày 26/4/2005. Câu hỏi thứ hai không có lời giải đáp.

 

Hơn nữa, theo luật sư, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo, khi có mâu thuẫn trong lời khai tại phiên tòa mà không xác minh được thì Hội đồng xét xử phải cho đối chất (Đ138 Bộ luật Hình sự). Kết thúc phần xét hỏi và tranh luận căng thẳng tại phiên tòa suốt cả buổi sáng ngày 6/10/2005, các bị cáo vẫn chưa "nhận tội" và có yêu cầu được đối chất.

 

Theo đề nghị của LS, buổi làm việc chiều 6/10/2005, Hội đồng xét xử đã trở lại phần xét hỏi thẩm vấn nhưng vẫn chưa làm sáng tỏ được đủ những căn cứ để kết tội. Sau khi hội kiến, Hội đồng xét xử đã ra quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 

Đây không phải lần đầu tiên các bị cáo tố cáo cơ quan điều tra đánh đập bức cung và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Rất nhiều phiên tòa kết thúc trong nước mắt uất ức mà không thể chứng minh. Và câu hỏi: Cơ quan điều tra có ép cung can phạm đã đặt ra từ lâu mà chưa có lời giải đáp. Luật sư.Nguyễn Hồng Bách cho rằng ông rất hy vọng sau vụ án này, câu trả lời sẽ được hé mở.

 

Phương Thảo