"Có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực không có"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết Luật Đầu tư sửa đổi quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí.

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Đề xuất áp dụng lại hợp đồng BT

Theo cơ quan soạn thảo, từ năm 2021, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) không áp dụng đối với dự án đầu tư mới.

Lý do việc dừng thực hiện dự án BT theo Luật PPP xuất phát từ những bất cập của việc thực hiện loại hợp đồng này như một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực không có - 1

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…

Bộ KH&ĐT cho biết, nếu mô hình này được nghiên cứu kỹ lưỡng để đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa những bất cập của giai đoạn trước thì vẫn có thể phát huy hiệu quả. Hiện Quốc hội đã cho phép 3 địa phương thí điểm triển khai loại hợp đồng BT, gồm TPHCM, Hà Nội và Nghệ An.

Tuy nhiên, cách thức áp dụng còn chưa thống nhất, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù của từng địa phương. Trong đó, TPHCM được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (ngân sách thành phố); Hà Nội được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (ngân sách thành phố) hoặc thanh toán bằng quỹ đất.

Trong bối cảnh việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh, Bộ KH&ĐT cho rằng cần xem xét tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện loại hợp đồng này.

Để khắc phục các tồn tại của hợp đồng BT giai đoạn trước, Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện theo hướng tổng mức đầu tư công trình BT phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình. 

Cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (bằng đất, bằng tiền) phải được xác định cụ thể, rõ ràng, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án. Cơ chế quản lý hợp đồng phải bảo đảm chặt chẽ, tránh phát sinh lãi trả chậm dẫn đến tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng công trình sau khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Phát biểu tại tổ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật "không phải cái gì không quản được thì cấm".

Theo ông Bình, đây là tư duy xuyên suốt trong xây dựng các luật tới đây. Luật mới sẽ trao nhiều quyền hơn cho cơ sở, Quốc hội giao Chính phủ, Chính phủ giao cho địa phương.

Có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực không có - 2

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu thảo luận tổ (Ảnh: CTV).

Về Luật Đầu tư, ông Bình cho biết, những vấn đề khó, vướng mắc đã được Chính phủ lựa chọn đưa vào lần sửa đổi này. Trong đó có quy định chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cho hay, các địa phương đang rất cần quy định này bởi trên thực tế "có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án nhưng năng lực thực thi không có, sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn".

Về Luật PPP, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ cần nguồn lực Nhà nước mà còn cần nguồn lực xã hội, ODA... Luật PPP hiện hành đã loại bỏ phương thức hợp đồng BT nhưng lần sửa đổi này Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại trên tinh thần kiểm soát chặt chẽ hơn.

Về quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, có đại biểu cho rằng không nên hạn chế tỷ lệ huy động vốn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nếu để vốn doanh nghiệp 100% thì sẽ khó kêu gọi nhà đầu tư; Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao, doanh nghiệp tham gia một phần thì doanh nghiệp mới tham gia...

Theo ông Bình, có những dự án rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia PPP nên phải tăng tỷ lệ góp vốn Nhà nước. Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần vốn góp của Nhà nước phải vượt quá tỷ lệ cho phép hiện hành là 50% nhưng không quá 70%.

Tinh thần của Chính phủ là thủ tục phải rất đơn giản, "chứ còn xách hồ sơ đi hết cửa nọ, cửa kia thì phiền hà cho doanh nghiệp", theo Phó Thủ tướng.

Ông Bình cũng khẳng định, cơ quan chức năng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

"Không phải xách hồ sơ đi chạy lòng vòng, hạn chế xin - cho. Thủ tục đơn giản thì thuận lợi cho doanh nghiệp, loại trừ việc phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí", ông Bình nói.