Có nên đánh đổi Sơn Trà để làm du lịch?

(Dân trí) - Đó là vấn đề được ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - đặt ra tại Hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được tổ chức sáng 28/4.

Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cùng Nhóm nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Theo ông Vinh, sự gia tăng lợi nhuận từ du lịch thúc đẩy xây dựng các khách sạn, nhà hàng khiến diện tích rừng, môi trường sống của động vật bị thu hẹp, góp phần cạn kiệt tài nguyên và tác động đến loài vật (lây bệnh từ người, thay đổi thói quen khi du khách cho thức ăn).

“Rủi ro của hoạt động du lịch tại Sơn Trà có thể gây tổn hại đến môi trường nếu không phát triển một cách có trách nhiệm”, ông Vinh nói.

Ông Huỳnh Tấn Vinh đặt vấn đề Có nên đánh đổi bán đảo Sơn Trà để làm du lịch
Ông Huỳnh Tấn Vinh đặt vấn đề "Có nên đánh đổi bán đảo Sơn Trà để làm du lịch"

Trong khi đó, Đà Nẵng đang là điểm đến cho khách du lịch có mục đích đa dạng như nghỉ dưỡng, MICE… Đà Nẵng đạt danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” được trao bởi World Travel Awards. Du lịch tạo ra việc làm cho người dân địa phương và là ngành công nghiệp không khói, ít tác động đến môi trường so với các ngành công nghiệp nặng.

“Vậy có nên đánh đổi Sơn Trà lấy du lịch?” ông Vinh đặt vấn đề.

Theo ông Vinh, có thể tính toán một cách nào đó mà Voọc vẫn có thể sống được và các nhà kinh tế vẫn có thể sống được.

Vì vậy, theo ông Vinh, phát triển du lịch Sơn Trà cần được xây dựng trên nguyên tắc: “Giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường và cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn”. Xây dựng quỹ bảo tồn Sơn Trà từ vé, phí, thuế vào cổng hoặc thông qua các hình thức gây quỹ từ đóng góp tự nguyện từ du khách. Làm quà lưu niệm mang tính đặc trưng như Voọc bông, móc treo chìa khóa, áo, mũ có in hình Voọc và Sơn Trà…

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Sừ cho hay, vừa qua việc Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng gửi tâm thư lên Thủ tướng đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã thu hút sự hưởng ứng đồng tình của dư luận cả nước, bởi người dân rất lo lắng trước nguy cơ khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị băm nát nếu triển khai quy hoạch tổng thể này.

“Điều cần nói ở đây là sự băm nát Sơn Trà không phải do các hành động phá rừng trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước mà ở chỗ do các doanh nghiệp được thành phố giao đất, cấp phép đầu tư một cách hợp pháp. Tìm hiểu lịch sử biến đổi về quy mô của rừng cấm Sơn Trà mới thấy quá trình lấy đất rừng Sơn Trà cho xây dựng các khu du lịch diễn ra thật đáng lo ngại”, KTS Hoàng Sừ nói.

Theo KTS Hoàng Sừ, trong thời gian từ 1977 đến 1997 (trước khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng), bán đảo Sơn Trà được quản lý và bảo vệ khá chặt chẽ qua quyết định của nhà nước ban hành.

Từ sau chia tách, TP Đà Nẵng phát triển bứt phá, hạ tầng đồng bộ, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên, thành phố mở rộng ra toàn bộ không gian hành chính. Bán đảo Sơn Trà cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc phát triển bứt phá đó. Do tính chất đặc thù là khu bảo tôn thiên nhiên lại có cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp nên Sơn Trà trở thành mục tiêu đặc biệt cho các dự án khách sạn, resorts, nghỉ dưỡng và đô thị cao cấp.

Kiến trúc sư Hoàng Sừ phát biểu tại hội thảo
Kiến trúc sư Hoàng Sừ phát biểu tại hội thảo

Vì vậy, đã phát sinh hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý khu bảo tồn thiên nhiên như về xâm hại quy mô ranh giới khu bảo tồn, về mâu thuẫn giữa định hướng bảo tồn thiên nhiên và khai thác phát triển, về cấp phép đầu tư, về chuyển mục đích sử dụng rừng.

KTS Hoàng Sừ nhận định, việc cắt giảm 41% diện tích rừng chuyển sang đất khác là quá lớn, khu vực bị cắt giảm nằm ở chân núi thuộc vùng đệm bảo vệ cho khu bảo tồn tránh khỏi sự xâm hại từ các hoạt động của con người, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại các loài động vật quý hiếm trong khu bảo tồn. Khi đã được xác định là đất phi nông nghiệp thì khả năng 40% Sơn Trà biến thành đô thị là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa.

“Vấn đề nóng bỏng trong dư luận cộng đồng hôm nay là để phát triển kinh tế, TP Đà Nẵng có thực sự cần thiết phải biến 40% bán đảo Sơn Trà từ đất rừng chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, thành các khu đô thị, resort, khách sạn ... đồng nghĩa với rừng xanh biến thành rừng bê tông? Vì vậy phải khẳng định việc phục hồi lại diện tích cần thiết cho khu bảo tồn hết sức quan trọng và cấp bách”, KTS Hoàng Sừ nhấn mạnh.

TS. Vũ Ngọc Long, Viện sinh thái miền Nam – cho rằng, để bảo vệ và phát triển bền vững Sơn Trà, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đất đai cần có sự quản lý tổng hợp và đồng tâm nhất trí của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương. Chỉ chấp nhận cho tiến hành các công trình xây dựng ven bờ, quây vùng du lịch… sau khi đã có những đánh giá cẩn thận, công khai và thậm chí độc lập về đánh giá tác động môi trường. Đánh giá tác động môi trường cần được công khai trên Web của chủ đầu tư, cơ quan địa phương và Bộ Tài nguyên – Môi trường. Không xâm phạm khu vực có các loài quý hiếm sinh sống, kiếm ăn và nơi hành lang di chuyển của chúng. Nghiên cứu và xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch hướng đến sự phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan đa dạng sinh học.

“Hãy bảo vệ Sơn Trà – ngôi nhà cho tất cả chúng ta”, đó là thông điệp mà TS. Vũ Ngọc Long muốn gửi đến tất cả mọi người.

Bán đảo Sơn Trà là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật độc đáo với 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 380 loài thú thuộc nguồn gen quý, hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài bỏ biển. Bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu – loài đẹp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới do nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, ở Việt Nam chỉ còn lại khoảng 1.500 cá thể, trong đó, bán đảo Sơn Trà có khoảng 300 cá thể. Voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp theo phân hạng của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, đứng thứ 4/7 trong thang danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên thế giới được bảo vệ trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Không chỉ có hệ động vật phong phú, Sơn Trà được ví như “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu và là bức bình phong chặn gió bão cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của du lịch đang đặt áp lực và đe dọa sự bền vững của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà – nguồn giá trị chính khiến Sơn Trà hấp dẫn khách du lịch.

Khánh Hồng