1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Có một khu rừng nguyên sinh giữa đồng bằng

(Dân trí) - Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bước chân vào khu rừng nguyên sinh rộng chừng 100 ha, nằm ngay giữa đồng bằng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu rừng này được xem là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu với hệ động thực vật rất phong phú…

Đa dạng về hệ sinh vật

Sau nhiều lần dò hỏi đường và những lời giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi quyết định men theo lối mòn tiến sâu vào trong rừng Rú Lịnh để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng này. Đứng trước thảm thực vật hết sức phong phú mới thấy hết những giá trị của rừng đối với người dân nơi đây, và cũng là động lực để họ ra sức bảo vệ suốt ngần ấy năm.    

Những cây gỗ trong rừng Rú Lịnh rất to, 2 -3 người ôm không xuể 
Những cây gỗ trong rừng Rú Lịnh rất to, 2 -3 người ôm không xuể 

Rất nhiều cây gỗ to, 2 - 3 người ôm không xuể vẫn đang phát triển tốt, vươn mình che chở cho các cây tầm thấp và cũng là nơi nương náu của nhiều loại chim, thú.

Rú Lịnh là khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở phía đông huyện Vĩnh Linh, nằm giữa hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Hiền. Khu rừng này còn rất nhiều loài thân gỗ hiếm lâu năm như: lim xanh, gụ lau, huyệnh, thị rừng, dẻ; nhiều cây làm thuốc như: trầm hương, ngũ gia bì,... Động vật trong Rú Lịnh tuy không nhiều về số lượng và thành phần loài do rừng nằm gần khu dân cư đông đúc nhưng cũng có đến 73 loài; Chim có 60 loài như: cò, cu, cú, chào mào, sáo,…Thú có 12 loài như nhím, tê tê, cu li, cầy hương, sóc bụng đỏ, lợn rừng,...

Thảm thực vật phong phú ở rừng Rú Lịnh
Thảm thực vật phong phú ở rừng Rú Lịnh

Trước những năm 1945, Rú Lịnh là một vùng rừng thâm u, là nơi cư trú của những loài động vật hoang dã, kể cả có hổ, báo. Rú Lịnh cũng là nơi cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Giang.

Từng có một thời kỳ sự đang dạng của Rú Lịnh đã làm “lóa mắt” bao kẻ hám lợi, chúng tìm đủ mọi cách để vào rừng chặt phá những thân gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm, săn bắt chim, thú… Tuy nhiên, nhờ những con người tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng mà khu rừng này vẫn đang sinh sôi, phát triển trù phú. Người dân địa phương ý thức được rằng, rừng đã mang đến cho cuộc sống của họ nhiều cái lợi nên ra sức bảo vệ. Chính vì vậy, Rú Lịnh được xem là “lá phổi xanh” của vùng đông huyện Vĩnh Linh còn tồn tại đến hôm nay.

Khắc tinh của “lâm tặc”

Bằng tâm huyết và sự say mê với rừng, nhiều con người đang ngày đêm ra sức bảo vệ nhằm giữ cho màu xanh của rừng Rú Lịnh cho các thế hệ mai sau. Trong số đó, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Trọng (ở thôn Tân Hoà, xã Vĩnh Hiền), người đã có thâm niên gần 40 năm bảo vệ rừng Rú Lịnh.

Có thể nói rằng, từng tấc đất, loại cây, từng loại động vật, chim, thú… ở Rú Lịnh, đã in sâu trong trí nhớ của ông Trọng. Nhớ lại trước đây, Rú Lịnh bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá, nhiều cây gỗ nguyên sinh dần dần bị hạ, các loại thú rừng quý đang có nguy cơ tuyệt chủng khiến lòng ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Ông đã tâm niệm rằng dù có chết cũng phải bảo vệ cho được Rú Lịnh, ngăn chặn ngay những hành vi xâm hại rừng xanh.

Thảm thực vật phong phú ở rừng Rú Lịnh
Bảng tuyên truyền đặt ở cạnh đường, nơi dễ nhìn thấy, nhờ vậy mà người dân càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng

Năm 1977, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng nên Rú Lịnh thuộc quyền quản lý của hai xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Hồi đó, ông Trọng là người đầu tiên tình nguyện giữ rừng để hỗ trợ thêm cho cán bộ kiểm lâm. Ý định đó của ông đã được Hạt kiểm lâm và UBND xã Vĩnh Hiền hết sức hoan nghênh.

Vào thời điểm đó, tuy phụ cấp giữ rừng của ông không được bao nhiêu nhưng ông vẫn cảm thấy vui vẻ chấp nhận. Bởi ông suy nghĩ, bảo vệ được rừng Rú Lịnh mãi sinh sôi là một thành công lớn. Người dân địa phương sẽ rất tự hào vì quê hương họ có một khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, phong phú chứ chưa nói đến những lợi ích do rừng mang lại. Bảo vệ rừng cũng đồng nghĩa với việc làm cho môi trường sống của con người trở nên xanh, sạch hơn.

Từ ngày đảm nhiệm công việc giữ rừng, ông Trọng phải trèo đèo, lội suối, thức đêm để tuần tra, canh gác bọn lâm tặc, không đêm nào ông được ngủ ngon giấc. Nhiều lúc phát hiện địa điểm lâm tặc chuẩn bị khai thác, ông cùng cán bộ kiểm lâm phục kích để bắt cho bằng được. Sau nhiều lần như vậy, tình trạng chặt phá thân gỗ, săn bắt chim thú… ở Rú Lịnh cũng giảm hẳn.

Thảm thực vật phong phú ở rừng Rú Lịnh
Gần 40 năm tham gia giữ rừng, nhưng điều khiến ông Trọng trăn trở là chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến những người bảo vệ rừng như ông

Ông Trọng kể: “Đầu tháng 10/2009, một nhóm thanh niên lạ mặt tìm về xã với mục đích tìm cách chặt phá, lấy gỗ quý trong rừng. Trước đó, chúng đã bám sát, theo dõi những người bảo vệ rừng như tôi để tiện cho việc thực hiện hành vi xấu. Tuy nhiên, khi chúng chưa thực hiện ý đồ trên thì đã bị công an, kiểm lâm bắt giữ”.

Cũng không ít lần, kẻ xấu tìm mọi cách mua chuộc nhưng ông Trọng vẫn kiên quyết từ chối. Mua chuộc không được, bọn chúng chuyển sang thách thức, đe dọa… nhưng ông vẫn giữ vững tư cách của mình. “Tiền bạc tiêu dần cũng sẽ hết, nhưng mất rừng thì không biết khi nào mới phục hồi được. Một thân cây phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới lớn lên. Bác Hồ đã từng nói: “Rừng là vàng, biển là bạc”. Chính vì vậy, bảo vệ được rừng, phát huy hiệu quả từ rừng, khai thác hợp lý và có kế hoạch thì đời sống của người dân cũng khá lên” - ông tâm sự.

Gần 40 năm qua, ông Trọng vẫn thầm lặng làm tốt công việc giữ rừng. Hàng ngày, ông vào tận sâu trong rừng, kịp thời phát hiện những dấu hiệu khả nghi để có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, điều khiến ông chưa được an tâm là chính quyền cần trang cấp công cụ hỗ trợ cho những người tham gia giữ rừng để có thể bảo vệ được mình trước sự liều lĩnh, thách thức của lâm tặc. Hơn nữa, chế độ phụ cấp cho những người giữ rừng cũng chưa được quan tâm để họ có thể chuyên tâm hơn trong công việc.  

Đăng Đức