1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

“Cỗ máy” bơm nước tiền tỷ nguy cơ trở thành sắt vụn

(Dân trí) - Một trạm bơm hiện đại được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng tại xã Cẩm Vân, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), với máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại bị bỏ hoang hàng chục năm nay, có nguy cơ biến thành sắt vụn...

Trạm bơm tiền tỷ bỏ hoang

Theo phản ánh của người dân, công trình tiền tỷ bỏ hoang nêu trên là trạm bơm Cẩm Vân 1 nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy.


Công trình trạm bơm Cẩm Vân 1, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy

Công trình trạm bơm Cẩm Vân 1, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy

Theo quan sát, tại công trình này có khu nhà chứa các trạm bơm được đánh giá là hiện đại nhất nhì khu vực miền núi Thanh Hóa, khu nhà điều hành, sân nền, trạm điện hạ thế phục vụ trạm…

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là những công trình này đều bị phủ những lớp rong rêu và có biểu hiện xuống cấp vì đã quá lâu không được sử dụng; cửa ra vào đóng im ỉm với những ổ khóa ngoài đã gỉ sét. Sân của nhà điều hành trạm bơm được một hộ gia đình trong thôn mượn để tập kết cốt pha và máy trộn bê tông.

Ngay bên cạnh là một trạm điện hạ thế với hệ thống cột và đường dây riêng, được thiết kế để cung ứng điện cho trạm bơm cũng đã xuống cấp do phơi nắng, phơi sương quá lâu.


Công trình đã bỏ hoang hơn 10 năm nay

Công trình đã bỏ hoang hơn 10 năm nay

Qua những ô cửa có thể quan sát phía trong có 3 máy bơm trục xiên khá hiện đại vẫn nằm im ỉm với mạng nhện giăng mắc và bụi bặm bám đầy. Phía bờ sông là đường ống dẫn nước có đường kính khoảng 0,5 m gần như nguyên trạng bởi lớp sơn tĩnh điện và loại hợp kim tốt.

Được biết, trạm bơm Cẩm Vân 1 được đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng (theo thời giá giai đoạn năm 2000 đến 2002) bằng vốn vay ngân hàng thế giới. Trong khi tại nhiều địa bàn miền núi của tỉnh Thanh Hóa nói chung và xã Cẩm Vân nói riêng còn khó khăn trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp thì công trình tiền tỷ nơi đây lại bỏ hoang.

Công trình mới bỏ hoang, quay lại sử dụng công trình cũ

Từ năm 1976, cạnh vị trí trạm bơm Cẩm Vân 1 đang bỏ hoang hiện nay, Nhà nước đã hỗ trợ cho xây dựng một trạm bơm 2 cấp với 3 máy bơm, tổng công suất 1.000 m3/giây (trạm bơm Tiên Lăng).


Trạm điện hạ thế với hệ thống cột và đường dây riêng, được thiết kế để cung ứng điện cho trạm bơm cũng đã có biểu hiện xuống cấp

Trạm điện hạ thế với hệ thống cột và đường dây riêng, được thiết kế để cung ứng điện cho trạm bơm cũng đã có biểu hiện xuống cấp

Tuy nhiên, theo nhu cầu thực tế của nhân dân xã Cẩm Vân, công suất của trạm bơm cũ này vẫn chưa đủ. Do đó, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với ngành chức năng huy động nhiều nguồn vốn, xây dựng thay thế một trạm bơm hiện đại và đưa vào sử dụng từ năm 2002.

Trạm bơm được thiết kế với mục đích tưới cho hàng trăm ha lúa của xã Cẩm Vân. Sau khi hoàn thành, trạm bơm Cẩm Vân 1 được tỉnh Thanh Hóa giao Công ty khai thác công trình thủy lợi Sông Chu (nay là Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu) quản lý, công ty giao cho đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp thủy nông Cẩm Thủy vận hành và bảo vệ. Trạm bơm này đã phát huy tốt vai trò cung cấp nước tưới trong các vụ 2002 và 2003.

Tuy nhiên, sang năm 2004, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Vân (HTX) yêu cầu Xí nghiệp thủy nông Cẩm Thủy trích lại 40 kg thóc/ha/năm cho HTX. Xí nghiệp thủy nông Cẩm Thủy trả lời không thực hiện việc trích này do không đúng với chủ trương, chính sách.


Sân của nhà điều hành trạm bơm được một hộ gia đình trong thôn mượn để tập kết cốt pha và máy trộn bê tông

Sân của nhà điều hành trạm bơm được một hộ gia đình trong thôn mượn để tập kết cốt pha và máy trộn bê tông

Từ đó, HTX đã từ chối hợp đồng được cung ứng nước với Xí nghiệp thủy nông Cẩm Thủy và cho vận hành trở lại trạm bơm Tiên Lăng (trạm bơm cũ) để cung ứng nước tưới cho người dân. Từ thời điểm đó, trạm bơm Cẩm Vân 1 bỏ hoang đến nay.

Theo ông Trương Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, giai đoạn 2002-2004, Xí nghiệp thủy nông Cẩm Thủy thu thủy lợi phí cao hơn giá của HTX là 2.000 đồng/sào nên nông dân không dùng nước từ trạm bơm Cẩm Vân 1 nữa. Họ cho rằng, cùng nguồn nước lấy từ sông Mã nhưng giá lại cao hơn nên họ lựa chọn mua nước của HTX.

Hơn 10 năm qua, cử tri đã nhiều lần kiến nghị, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền địa phương và HTX muốn được tiếp quản để sử dụng trạm bơm này, nhưng Công ty khai thác công trình thủy lợi sông Chu khẳng định: Chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc bàn giao tài sản Nhà nước cho các tổ chức dùng nước cơ sở.


Công trình tiền tỷ với thiết bị nhập từ nước ngoài nhưng phải bỏ không, trong khi nhiều diện tích sản xuất tại địa phương thiếu nước

Công trình tiền tỷ với thiết bị nhập từ nước ngoài nhưng phải bỏ không, trong khi nhiều diện tích sản xuất tại địa phương thiếu nước

Theo đề nghị của xã, trong chuyến công tác kiểm tra khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 17/10/ 2017, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất phương án chuyển giao trạm bơm Cẩm Vân 1 cho UBND xã Cẩm Vân vận hành. Đồng thời, giao Sở Tài chính, huyện Cẩm Thủy phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức bàn giao công trình theo đúng qui định. Tuy nhiên, chỉ đạo trên chậm được thực thực hiện.

Theo chính quyền địa phương, để đảm bảo nước tưới cho hơn 500 ha lúa, xã Cẩm Vân cần tới 8 trạm bơm. Tuy nhiên, do các máy cũ, công suất nhỏ, nên thời gian bơm phải kéo dài tới 15-20 ngày. Trong khi chờ được bàn giao Trạm bơm Cẩm Vân 1, nhiều diện tích lúa tại địa phương này vẫn đang chờ nước.Một nghịch lý đang tồn tại là 2 trạm bơm do hai đơn vị quản lý và khai thác chỉ cách nhau khoảng 100m trên đã gây ra sự chồng lấn vùng tưới…

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm