Cổ mai hoa ở Đại Lộc
Ít nhất ở Đại Lộc hiện nay số cây mai cổ đang hiện diện không dưới 500 cây, mà mỗi cây đều là một kỳ tích, thể hiện tất cả những niềm đam mê, tâm huyết mà chủ nhân của nó đã đổ mồ hôi, lắm khi cả nước mắt mới có được.
Điều ít ai biết, ở Đại Lộc, Quảng Nam nghệ thuật Cổ Mai Hoa đến nay phát triển gần như đã là “đạo”...
Trong những năm trước, khi đất nước chuyển mình đổi mới, người dân Đại Lộc vốn nghèo trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt đã phải tìm kiếm cho mình những cách làm ăn mới. Từng nổi lên rất nhiều tấm gương vượt khó, nhiều nông dân sản xuất giỏi... Trong đó, cây hoa mai từng là đối tượng sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có đến hàng mấy mươi người ở Đại Lộc chuyên tâm sưu tầm và chơi cây mai cổ, trong số đó không ít người đạt đến trình độ thượng thừa.
Không chỉ nắm vững các kỹ thuật, nghệ thuật chăm sóc, tạo dáng, chế tác... cho cây mà qua thú chơi đó, họ còn tạo nên những sức cuốn hút kỳ lạ, làm thổi bùng ngọn lửa đam mê và tình yêu Cổ Mai Hoa trong rất nhiều người.
Trong số những người đam mê cây mai cổ ở Đại Lộc phải kể đến một vài nhân vật có tên tuổi. Anh Lê Me (khu 5, Ái Nghĩa) là người đã từng đeo đuổi rất sớm cây hoa mai, từng khai phá hàng chục hécta đất núi đồi ở vùng giáp ranh Hải Vân để làm trang trại hoa mai, nhưng tiếc thay, do nhiều trắc trở, mộng không thành. Sau đó anh quyết chí làm lại, chuyển sang sưu tầm cây mai cổ.
Đến nay, sau quá trình gây dựng, trong vườn anh đã có đến gần 50 cây mai cổ được chăm sóc cẩn thận và thật sự là những tác phẩm có giá trị. Đó là chưa kể mấy trăm chậu mai mini để bàn, mai vừa để chơi và bán tết.
Anh Nguyễn Chín (Mỹ Liên, Đại Nghĩa) sau mấy năm tích cóp, sưu tầm hiện nay có trong “tay” đến gần trăm gốc; anh P.Thông (Đại Hiệp) khoảng 70 gốc.
Táo bạo hơn, anh Th. ở Trung An, chỉ sau vài tháng chuyển đổi từ các loại cây cảnh khác sang cây hoa mai, đã tích cóp cả cũ lẫn mới tổng cộng có đến gần trăm cây, mà cây nào cũng quý. Còn danh sách các “sở hữu chủ” ở cấp vài chục cây thì có đến vài mươi người ở khắp nơi trong huyện.
Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu như không nói đến một số người kém may mắn hơn khi không giữ được cho mình một cây nào đáng giá, nhưng nỗi đam mê và cả “tay nghề” của họ thì không hề thua kém bất cứ một ai (ông Ph. ở Đại Nghĩa, anh B. ở khu 8; anh Q. ở Nghĩa Nam, Ái Nghĩa...).
Họ là những người yêu và theo đuổi nghệ thuật Cổ Mai Hoa từ rất sớm, đã từng “qua tay” họ đến vài trăm cây, nhưng khốn nỗi cái nghèo đã không giúp họ giữ lại được cho mình những tác phẩm quý giá, máu thịt đó.
Như vậy bằng một con tính đơn giản, ít nhất ở Đại Lộc hiện nay số cây mai cổ đang hiện diện là không dưới 500 cây, mà mỗi cây đều là một kỳ tích, thể hiện tất cả những niềm đam mê, tâm huyết mà chủ nhân của nó đã đổ mồ hôi, lắm khi cả nước mắt để có được nó.
Nói không ngoa, trừ những ngày bão lũ, bất cứ thời điểm nào cũng có một vài người Đại Lộc lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng, dưới xuôi, cả trong và ngoài tỉnh truy tìm cây hoa mai cổ thụ để rồi tạo nên một sự dịch chuyển âm thầm nhưng đầy ngoạn mục: Cây mai cổ từ khắp nơi dần dần được đưa về Đại Lộc, hợp thành cái nghĩa tương phùng Cổ - Mai - Hoa - Đại - Lộc!
Những lúc thóc cao gạo kém, nghệ nhân của Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc đã phải lăn lộn với rất nhiều nghề, không ngại bất cứ công việc gì, miễn là lương thiện để vừa có thể làm tròn nghĩa vụ ở đời, vừa có thể nuôi thú, chơi cây. Cay đắng hơn, còn có người chấp nhận và chịu đựng cả những nỗi oan khiên, điều tiếng để không phải từ giã thú chơi.
Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, trong giới chơi cây ở Đại Lộc rỉ tai nhau một tin vào hàng rất “giật gân” là “ở một nơi nào đó mà không biết nơi nào (?) đang có một cây mai cổ rất lớn”. Theo lời đồn, cây mai này lớn đến nỗi cái bộng ở gốc cây được trẻ con... chui vào để chơi trò trốn tìm rồi ngủ quên trong đó, không ai tìm ra chúng (?).
Câu chuyện kỳ lạ, khó tin đó chỉ có thể làm mê hoặc được những kẻ chuyên truy tìm Cổ Mai Hoa, vì chỉ họ, những người vốn được cho là có “tâm thái bất thường” mới có thể tin nổi.
Không ai bảo ai, rất nhiều người bí mật đi tìm, như kiếm tìm một cơ may kiểu “ngậm ngải tìm trầm” vậy. Cũng như họ, lần đó, tôi cũng bí mật cùng vài anh em lên đường đi tìm cây mà thông tin có được chỉ vỏn vẹn là mỗi cái tên của ông chủ, không một dòng địa chỉ (đó là ông L.N.T.).
Đó là một người đàn ông khoảng ngoài 60, thần sắc hồng hào. Khi được xác nhận đúng tên ông, sau vài câu xã giao, chúng tôi hỏi: “Nghe người ta nói bác có cây mai cổ lớn lắm?”. Ông bình thản xác nhận là: “Ừ! có. Nhưng mà răng?”.
Quanh co một hồi, ông dẫn chúng tôi ra vườn, chỉ vào một khoảng trống, ông bảo: “Đây, nó đây!”. Nhưng chúng tôi chẳng thấy gì cả! Trong lúc chúng tôi còn ngơ ngác không hiểu gì thì ông gằn lại với bộ mặt rất bí hiểm: “Thì đây, chứ còn đâu nữa!”. Sau phút định thần chúng tôi thấy đó chỉ là... một hố đất rất sâu và đã cũ.
Thì ra, cây mai huyền thoại đó từng tồn tại nhưng nó đã chết từ lâu. Cái chết của cây mai gây nên cho ông một nỗi đau buồn vô tận, đến nỗi ông đã cho người ta đào cả gốc rễ đem đi mất để chóng nguôi ngoai. Nhưng rồi vẫn không yên, nỗi nhớ cây đã khiến ông cố tình giữ lại cái hố đất sâu do cây để lại làm kỷ niệm...
Theo lời ông, thời gian gần đây không biết lý do gì mà rất nhiều người lạ đến hỏi ông về cây mai cổ đó...
Và còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bao hàm đủ cả hỉ - nộ - ái - ố, lắm khi đầy nước mắt về cây, về người mà trong giới Cổ Mai Hoa Đại Lộc gặp nhau có tán mãi cũng không bao giờ hết...
Nhiều cây mai rất quý được phát hiện và mang về Đại Lộc, khiến không ít người trong giới chơi cây phải ghen tị. Trong đó phải kể đến một vài cây có “số má” hẳn hoi cùng với những câu chuyện ly kỳ xung quanh nó.
Như cây mai có tên “Hồn Việt” của anh Th. mang về từ Điện Bàn (năm 2006), có tuổi hơn trăm năm, dáng thế thanh thoát, là một trong những cây mai quý đang có ở Đại Lộc, từng được báo chí đưa tin.
Cây “Ngọc cốt, Thiên chân” của anh Lê Me đem về từ Tam Dân, Phú Ninh (năm 2007), có kích thước to lớn chưa từng thấy, toát lên một cảm giác hùng vĩ đến rợn người.
Cây “Hoàng Mai” của anh Tr. (Đại Hiệp) có nguồn gốc từ Quế Sơn (năm 2008), xinh đẹp như tiên nữ giáng trần, hoành tráng như khổng lồ truyền thuyết.
Nghe đâu, để mua được nó thành công, chủ nhân đã phải cất công bí mật “trinh sát”, “mai phục”, rồi “đánh” (thuyết phục chủ cây đồng ý bán) và đã “thắng” như một chiến công thật sự, khiến cho tất cả anh em chơi mai ở Đại Lộc vừa sung sướng vừa ghen tị…
Quý nhau chút tình, những người có đồng sở đắc sưu tầm và chơi cây mai cổ ở Đại Lộc đã tìm đến nhau, gắn kết để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và lòng đam mê mà nhiều khi nói ra người ngoài dễ cho là... bị bệnh hoang tưởng hay tâm thần phân liệt (!). Họ đã tự xây dựng cho mình những website riêng để chia sẻ thông tin cả với giới sinh vật cảnh trên khắp mọi miền đất nước (www.quangcaosanpham.com/members/comaihoadailoc, comaihoadailoc.Blogtiengviet.net).